Đình làng Đa Chất là một ngôi đình cổ, bề thế nằm ở khu vực ngã ba sông Châu Giang (sông Nhuệ) và Lương Giang (sông Lương). Làng Đa Chất (trước là Tông Chất) thuộc xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên), nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Hà Nam.
Đình Đa Chất là nơi thờ Trung Thành Đại vương (thời Hùng vương thứ 18, tức Hùng Duệ vương), người có công lớn giúp triều đình đánh giặc, bảo vệ đất nước và được sắc phong Thượng đẳng thần. Ngài sinh ở đất Bạch Hạc, thác ở sông Lương nên ngoài đình Đa Chất còn nhiều làng khác thờ phụng ngài ở khu vực tỉnh Sơn Tây và phủ Hà Nam (cũ).
Được xây dựng vào thế kỷ XVII, đình Đa Chất có kiến trúc khá đặc sắc. Nhìn từ xa, đình giống như một bông sen tám cánh nổi trên mặt đất. Đình tọa lạc trên mảnh đất hình kim quy (rùa vàng) ở giữa làng và hướng về phía đông nam. Kiến trúc đình gồm tiền tế, đại bái và hậu cung. Nhà tiền tế và đại bái được bố trí song song với nhau, gồm 5 gian, dài 20m, rộng 11m. Các cột đình được kê tảng đá cổ bồng có hình trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột kê đấu vuông thót đáy để đặt bộ vì, kiến trúc theo kiểu thượng giá chiêng chồng rường hạ kẻ bảy.
Phía trước đình có tấm bình phong, đằng sau là dãy 12 bậc thang đá dẫn xuống hồ nước. Các bậc thang và đôi rồng được làm từ đá xanh nguyên khối. Miệng rồng ngậm ngọc, thân rồng kéo dài 7 bậc đá, uốn lượn mềm dẻo.
Hiện nay, đình Đa Chất còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: Bộ kiệu bát cống và hương án, bộ ngai bài vị thời Lê, quả chuông đồng được đúc năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1843), con voi bằng gỗ có bộ kiệu trên lưng cao khoảng 30cm thời Lê, một số đạo sắc phong và cuốn thần phả 17 trang chữ Hán được Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn vào ngày mùng 10 tháng Giêng năm 1572.
Gần đây, đình Đa Chất đã được tu sửa lại do bị xuống cấp. Với các giá trị lịch sử văn hóa, đình Đa Chất đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995.
Nguyễn Văn Công