Chưa bao giờ các đô thị ven biển lại đứng trước nhiều thách thức như lúc này. Hàng loạt những vấn đề như mưa lũ, bão lớn, triều cường, nguồn ô nhiễm từ các hoạt động trên biển và ô nhiễm xuyên biên giới… tất cả đang đòi hỏi cần một nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế cho các đô thị ven biển Việt Nam.
Theo ước tính của Bộ Xây dựng, đến năm 2025, sẽ có khoảng 300 đô thị mới được hình thành, nâng tổng số lên 1.000 đô thị. Rất nhiều đô thị sẽ lại được xây dựng sát biển.
Vì thế, các thành phố ven biển cần phải xem xét lại kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở cũng như điều chỉnh quy trình quy hoạch để bảo vệ những vùng ngập lụt. Còn nếu không, rất dễ hình dung một “tương lai xám” đối với các đô thị này.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam, cuối thế kỷ 21, khoảng 300 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó, hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Khu vực dễ bị tổn thương nhất gồm vùng ven biển Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hòa Vang, Cẩm Lệ, Hải Châu của TP. Đà Nẵng; Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Ghềnh Ráng, Hải Cảng... và một số vùng khác thuộc trung tâm TP. Quy Nhơn (Bình Định). Còn tại Cần Thơ, một số vùng sẽ bị ngập lụt và nhiễm mặn gồm Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, quận Ô Môn, quận Ninh Kiều, Cái Răng. Không chỉ có vậy, biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn gây ra tình trạng xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt do triều cường ở các xã, phường ven biển.
Ảnh minh họa
Ngay với TP.HCM, một đô thị lớn nhất nước, những thách thức cho đô thị này phát triển trong tương lai cũng không nhỏ. Tại Hội thảo “Thành phố Hồ Chí Minh - tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” hôm 30/3, hàng loạt những đề xuất, giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra với mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế biển, thúc đẩy TP.HCM trở thành đô thị biển hiện đại, phát triển bền vững. Đặc biệt, các chuyên gia bên cạnh việc lưu ý đến phát triển hệ thống giao thông thủy và kinh tế cảng gắn với dịch vụ hệ sinh thái sau cảng, cũng không quên lưu ý đến các vấn đề tác động tiêu cực và các giải pháp ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu như triều cường, ngập úng, xâm nhập mặn... vốn dĩ đang là nỗi ám ảnh với người dân thành phố.
“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 -70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước, chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước; đến năm 2045, Việt Nam "trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước".
Tầm nhìn về một nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045 với mức thu nhập cao mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra càng thêm rõ nét khi các địa phương có biển xóa bỏ sự manh mún trong chiến lược phát triển và khơi thông được động lực từ lợi thế kinh tế biển của mình.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, các tỉnh, thành phố ven biển cần thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật, ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển cần được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển... Tất cả với mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững, giữ biển trong lành cho nhiều thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, nâng cao khả năng thích ứng và đàn hồi của các đô thị Việt Nam không hẳn là phải tái phát minh một con đường mới. Bởi nhiều chính sách có thể được rút tỉa chính từ các thảo luận về thành phố bền vững. Có điều, từ nhận thức đến hành động còn một khoảng cách khá xa. Và, những xung đột về lợi ích vẫn cứ đang là nguyên do kìm hãm, là lực cản để ý kiến tâm huyết của những người có chuyên môn đến đúng người có trách nhiệm.
Ngọc Lý