Cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp,
Cúc Phương là vườn quốc gia (VQG) đầu tiên của Việt Nam. Với nhiều lợi thế về
cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá lịch sử,
từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.
VQG Cúc Phương được thành lập ngày 07/07/1962 với diện tích 22.200ha, thuộc địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình. Vị trí địa lý ưu ái cùng với thiên nhiên, cảnh sắc và con người nơi đây đã tạo nên một Cúc Phương với những nét đẹp rất riêng và huyền bí.
Thuộc địa hình Caxtơ nửa che phủ, VQG Cúc Phương có nhiều hang động đẹp như: động Sơn Cung, động Vui xuân, động Phò mã giáng... Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những di chỉ khảo cổ có giá trị, các nhà khoa học cho rằng đây là một trong những chìa khoá để tìm hiểu lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á, những di vật này còn lưu giữ ở động Người Xưa, động Trăng Khuyết, động Chúa, động Thuỷ Tiên, hang Con Moong.
Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương hầu như xanh quanh năm, lại có quần thể động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Riêng về thảm thực vật, VQG Cúc Phương có một khu hệ thực vật cực kỳ phong phú. Đến nay, đã thống kê được 1.960 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 887 chi và 221 họ thực vật trong vườn. Đặc biệt có cây chò xanh (Terminalia myriocarpa), cây sấu cổ thụ đều trên dưới 1.000 năm tuổi, cao từ 50-70m. Riêng phong lan có tới 50 loài, có loài cho hoa và hương thơm quanh năm.
Chẳng thua kém thế giới thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng rất đa dạng và phong phú. Theo số liệu khảo sát năm 2003 Cúc Phương có 89 loài thú, 110 loài bò sát và lưỡng cư, 65 loài cá, và gần 2000 dạng côn trùng. Trong các loài thú Cúc Phương, nhiều loài đã được xếp vào loại quý hiếm, như báo gấm, báo lửa, gấu ngựa...và nhiều loài được là đặc hữu của Cúc Phương như sóc bụng đỏ. Ở Cúc Phương có một loài thú linh trưởng rất đẹp, ngoài Việt Nam ra chúng không còn tồn tại nơi nào khác trên thế giới, đó là loài Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) – một báu vật của tạo hoá, loài vật này đã được chọn làm biểu tượng của VQG Cúc Phương.
Cúc Phương là nơi cư trú của 313 loài chim nhiệt đới. Vườn có nhiều loài chim quý hiếm chẳng hạn như gà lôi trắng, chim gõ kiến đầu đỏ, chim phượng hoàng đất, đuôi cụt bụng vằn... Chính vì vậy Cúc Phương được chọn là một trong những điểm xem chim lý tưởng của các nhà khoa học và những người có sở thích xem chim trong nước và thế giới. Thế giới côn trùng Cúc Phương cũng đa dạng muôn hình muôn vẻ. Mùa bướm nở, rừng già như trẻ lại, tưng bừng lấp lánh hàng vạn cánh bướm. Bướm nhiều vô kể, từng đàn, từng đàn uốn lượn như dải lụa đào.
Bên cạnh việc gìn giữ các hệ sinh thái ngoài tự nhiên, VQG Cúc Phương còn có các chương trình cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm, thú ăn thịt nhỏ và tê tê, các loài rùa, dự án bảo tồn cây thuốc và tổ thuần dưỡng thực vật thuộc Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn Động Thực vật hoang dã quý hiếm. Đây là một môi trường nghiên cứu sinh học vô cùng lý tưởng, chính vì thế các tour chuyên đề nghiên cứu sinh học tại VQG Cúc Phương cũng là một tour đặc biệt và thu hút nhiều nhà nghiên cứu trong lẫn ngoài nước tham gia. Một chuyến điền dã trong Cúc Phương bao giờ cũng đem lại cho những nhà khoa học cơ hội tìm hiểu về sự giàu có của môi trường và đem lại cho khách du lịch một cảm hứng thú vị, khiến mọi người càng thêm yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và trào dâng những thi hứng sáng tác văn nghệ.
Tuy vậy, trước sức ép của người dân quanh vùng, sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong vườn, lâm sản vẫn đang bị khai thác, nhiều nhất là gỗ và củi. Hoạt động săn bắn động vật hoang dã cũng đã vượt quá ngưỡng bền vững và làm suy giảm nghiêm trọng số lượng các loài thú, chim và bò sát. Ngoài ra, một số lượng lớn du khách đến Cúc Phương hàng năm cũng tạo ra một áp lực đối với việc quản lý VQG.