Những ngày tháng 4, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, một làng quê yên ả bên bờ sông Đáy, người dân nơi đây bắt đầu một ngày thu hoạch dâu tằm chín, một thứ quả dân dã, quen thuộc chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong năm. Trải dài trên cánh đồng không khí tất bật, nhộn nhịp, những tiếng cười, nói vui vẻ của người dân đang vụ thu hoạch.
Từ trung tâm thành phố men theo Quốc lộ 32 đến cầu Phùng rẽ tay trái sẽ đưa du khách đến với xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, nơi nổi tiếng là một trong những “vựa dâu” lớn nhất nhì của Thủ đô, với cả một bầu trời dâu tằm nở rộ đang mùa thu hoạch. Mùa thu hoạch quả dâu chín từ khoảng cuối tháng 3, kéo dài hết tháng 4.
Cây Dâu tằm từ lâu đã gắn bó sâu sắc với người dân Việt Nam. Ngoài nuôi tơ, dệt lụa thì từ lá, quả, thân, rễ cây dâu tằm đều có thể làm thuốc.
Xã Hiệp Thuận có khoảng 15 ha dâu tằm. Cây dâu được người dân đưa về trồng ở đất này khoảng 6 năm trước, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.
Bà Thảo, chủ của 1 vườn dâu chia sẻ: “Hiện tại, gia đình mỗi ngày thu hoạch với 3 người thì được 1,2 tạ đến 1,3 tạ giá trung bình 15.000 đồng – 20.000 đồng”.
Thông tin thêm với phóng viên, bà cho biết, vườn dâu gia đình có 40 gốc trên một sào đất, bình quân thu hoạch 400 kg quả/vụ, doanh thu trên 30 triệu đồng/sào. Đó là thành quả sau nhiều năm chuyển đổi cây trồng thay thế các cây hoa màu ngày xưa.
Cây dâu là loại dễ trồng, chi phí thấp hơn nhiều so với các loại cây hoa màu khác, trừ đầu tư phân bón, tính ra mỗi sào đầu tư từ 1 – 2 triệu đồng, người nông dân vẫn có thu nhập cao. Khi cây dâu đã thu hoạch quả xong, người dân sẽ chặt bỏ chỉ để lại gốc để chăm sóc kỹ thuật đến vụ sau.
Cây dâu tằm là loại cây dễ sống, lá thường dùng cho tằm ăn, nhưng nhờ lợi ích từ quả dâu mang lại cao hơn lấy lá, người dân thôn Hiệp Thuận đã chuyển đổi sang lấy quả. Cây dâu trồng hơn 1 năm thì đã cho quả thu hoạch được. Quả dâu có vị ngọt khi chín, làm thức uống giải khát ngày hè.
Cây dâu tằm ngoài nuôi tằm, dệt lụa thì từ lá, quả, thân, rễ cây dâu tằm đều có thể làm thuốc.
Nhật Bắc(thực hiện)