Khi môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu trở thành chủ đề “nóng”, ngày càng nhiều nghệ sĩ thể hiện sự quan tâm đối với vấn đề có tính toàn cầu này. Qua các hoạt động sáng tạo và công bố tác phẩm, họ đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp bảo vệ thiên nhiên tới đông đảo công chúng.
Chương trình VTV True concert - Thanh âm vĩnh cửu của thiên nhiên Ảnh: ITN
Cuối tuần qua, tại Mù Cang Chải, Yên Bái đã diễn ra buổi hòa nhạc Thanh âm núi rừng, thuộc dự án Thanh âm xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng xanh, với các chuỗi hoạt động ngoài thiên nhiên, nhằm truyền tải thông điệp về môi trường và kêu gọi hành động thích nghi và giảm thiểu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây nên.
Hãy làm bạn với thiên nhiên
Với sự tham gia biểu diễn của hơn 100 nghệ sĩ đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Hợp xướng Gió xanh... Thanh âm núi rừng gồm những tiết mục âm nhạc kết hợp trình diễn nhằm truyền tải thông điệp của dự án, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và con người Tây Bắc. Các hoạt động nghệ thuật giúp công chúng hiểu hơn về tầm quan trọng của việc giữ bầu không khí trong lành, kêu gọi gây quỹ nhằm thực hiện thành công chiến dịch “Vì một triệu cây tre Việt”, tạo ra một hệ sinh thái bền vững từ việc phát triển và làm giàu rừng bằng cây tre, từ đó giúp đỡ bà con phát triển sinh kế, đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hóa tại địa phương.
Trước đó, cuối tháng 3, chương trình VTV True concert - Thanh âm vĩnh cửu của thiên nhiên cũng đã diễn ra tại Hà Nội, với những hình ảnh và âm thanh ngập tràn về thế giới tự nhiên đã đánh thức trong mỗi khán giả những xúc cảm trong lành về sự sống. Chủ đề của VTV True Concert 2021 là NƯỚC, kể những câu chuyện giản đơn nhưng sâu sắc về thế giới quanh ta, về một trong 4 thành tố cấu thành vũ trụ. Âm nhạc, với những “thanh âm vĩnh cửu từ thiên nhiên” đã đánh thức những cảm xúc từ sơ khai cho đến những khoảnh khắc bão giông từ thiên nhiên khi con người không tôn trọng rừng và nước. “Đây là một chương trình nghệ thuật không kể chuyện bằng miệng, diễn xuất mà là kể chuyện bằng âm nhạc, những điệu múa… Ngoài ra còn có những hỗ trợ về ánh sáng, kỹ xảo rất hiện đại. Điều mọi người cảm nhận được ngay là như đang được sống giữa một khu rừng, một dòng sông, một cái gì đó rất sơ khai… Làm bạn với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên cũng là cách chúng ta tôn trọng sự sống của mình trên trái đất này”, nhạc sĩ Trần Thanh Phương, Giám đốc âm nhạc chia sẻ về thông điệp gửi gắm trong chương trình.
Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Chưa kể, nạn chặt phá rừng, khai thác rừng tràn lan và tốc độ đô thị hóa chóng mặt đang làm những cánh rừng mất dần đi, gây ra ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, tác động trực tiếp tới khí hậu, gián tiếp gây ra các thảm họa thiên nhiên, thiệt hại cả về con người, môi trường và kinh tế. Nếu chúng ta không làm gì đó để thay đổi thực trạng này, thì sớm muộn Trái đất sẽ không còn là một hành tinh xanh - nơi mà con người có thể bình yên sinh sống. Chính vì vậy, cùng với sự lên tiếng của truyền thông, những tổ chức, cá nhân làm trong lĩnh vực liên quan tới môi trường, các nghệ sĩ đã và đang nỗ lực vào cuộc, kêu gọi con người bảo vệ thiên nhiên.
Nở rộ hoạt động nghệ thuật vì môi trường
Không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, các loại hình nghệ thuật khác cũng “vào cuộc” để lên tiếng bảo vệ môi trường. Tháng 1 vừa qua, dự án tranh tường Môi trường sạch - Hành tinh xanh đã được Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng (ABC) khánh thành tại Hà Nội. Với diện tích khoảng 100m2, bức tranh mô tả sinh động biểu tượng rừng vàng, biển bạc qua nghệ thuật tranh phát sáng, truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ sự trong lành và việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tác phẩm do nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Christine Nguyễn và 4 nghệ sĩ Việt Nam, đứng đầu là nghệ sĩ Tạ Thu Hương của Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng cùng thiết kế.
Một không gian nghệ thuật cũng được ra mắt tại đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân, trở thành nơi hội tụ của các tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo làm bằng rác thải. Từ một khu vực nhếch nhác, gây ô nhiễm môi trường, nhóm nghệ sĩ đã biến những thứ bỏ đi trở thành nghệ thuật, thổi luồng gió mới vào cuộc sống cộng đồng, thay đổi nhận thức về môi trường và không gian sống. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển của dự án chia sẻ: “Không chỉ về mặt nghệ thuật, dự án còn mang lại lợi ích về ý thức, cảnh quan, vệ sinh môi trường. Hơn nữa, có thể mở hướng trở thành một công viên sinh thái nghệ thuật, điểm đến rất đáng quý trong một đô thị thuộc loại quy mô trên thế giới. Một đô thị với số lượng diện tích, dân số rất lớn nhưng thiếu hụt trầm trọng những không gian công cộng, không gian gắn kết với thiên nhiên và cộng đồng”.
Cùng với đó, nhiều triển lãm nghệ thuật cũng được tổ chức đã mang những thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ thiên nhiên trên Trái đất tới công chúng, như triển lãm Davines Art Series Biển sống (10.2020), với những tác phẩm tranh, ảnh và sắp đặt mang đến một thông điệp về vẻ đẹp biển cũng như lời kêu gọi về gìn giữ môi trường biển; Be the change (11.2019) trưng bày các tác phẩm dùng chất liệu từ rác thải nhựa và cây xanh để chuyển tải đến người xem thông điệp về một cuộc sống trong lành trên Trái đất... Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, triển lãm ảnh Cứu biển (6.2019), trưng bày hơn 100 bức ảnh được lựa chọn từ hơn 3.000 bức ảnh ghi lại thực trạng xả rác thải nhựa mà nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã thực hiện trên hành trình đi dọc hơn 3.000 km bờ biển qua 28 tỉnh, thành phố của đất nước...
Hàng loạt những tác phẩm, hoạt động trên cho thấy, nghệ thuật như một phương thức hữu hiệu để góp phần xây dựng, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với những vấn đề cấp bách của cuộc sống. Với đặc thù ngôn ngữ biểu hiện đa dạng, sinh động, những tác phẩm nghệ thuật như lời kêu gọi bảo vệ môi trường, giữ gìn hành tinh xanh được truyền đi trực diện, tác động mạnh mẽ đến công chúng.
Ngọc Diệp