Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” đã được tỉnh Quảng Ninh định hình từ rất sớm và đặt ra lộ trình phát triển bài bản. Trong đó, phải kể đến việc xây dựng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 5/2/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Từ đó đã tạo động lực mạnh mẽ, tạo sức bật cho ngành kinh tế mũi nhọn, sớm đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ theo hướng hiện đại.
Khẳng định sức bật của ngành kinh tế “xanh”
Du khách trải nghiệm hoạt động đan lưới tại làng chài Cửa Vạn.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU, diện mạo của tỉnh Quảng Ninh đã có những thay đổi rất mạnh mẽ, hỗ trợ tối đa để phát triển nền "kinh tế xanh", xây dựng những "đô thị xanh". Theo đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, dịch vụ, văn hóa thể thao... theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tổng nguồn vốn đầu tư các dự án, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 ước đạt 123.044 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; dự án Bến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... đã được đưa vào sử dụng, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, huy động nhiều nguồn lực tạo sự đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực dịch vụ lợi thế. Các hoạt động, sản phẩm phát triển không gian du lịch đã có nhiều đổi mới về chất lượng, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Nhiều chính sách hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch đem lại hiệu quả thiết thực.
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ là động lực phát triển cho ngành dịch vụ.
Đến nay, hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã có gần 2.100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Các không gian du lịch được phát triển theo định hướng, có trọng điểm, như: Du lịch biển đảo, văn hóa - tâm linh, cộng đồng sinh thái và biên giới. 12/13 địa phương của tỉnh được công nhận 33 tuyến, 91 điểm du lịch, 5 khu du lịch cấp tỉnh và 1 khu du lịch cấp quốc gia.
Các sản phẩm du lịch của tỉnh cũng ngày càng có tính cạnh tranh cao, phong phú, đa dạng. Nhiều sản phẩm chất lượng, có tính biểu tượng, khác biệt đã được những tập đoàn lớn đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, trở thành động lực, thu hút lượng lớn du khách như: Quần thể tổ hợp vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long Complex, Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử, khu nghỉ dưỡng suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh...
Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Tổ hợp vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long Complex, cho biết: Quảng Ninh có tiềm năng du lịch rất lớn. Vì vậy, từ năm 2016 Tập đoàn Sun Group đầu tư Tổ hợp vui chơi giải trí Sunworld Halong Complex với diện tích đầu tư trên 200ha, được kết nối từ khu vực Bãi Cháy đến núi Ba Đèo bằng hệ thống cáp treo Nữ Hoàng mang 2 kỷ lục thế giới, mở ra hành trình khám phá vịnh di sản thơ mộng từ trên cao. Cùng với đó là công viên nước Typhoon Water Park và công viên trò chơi Dragon Park tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách đến thăm Quảng Ninh.
Trong giai đoạn từ 2016-2020, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 53 triệu lượt khách. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 101.302 tỷ đồng, nộp ngân sách 11.617 tỷ đồng. Trong đó, các thị trường khách quốc tế trọng điểm lưu trú tại Quảng Ninh tăng mạnh so với năm 2015: Trung Quốc tăng 80%, Mỹ tăng 25%, Anh tăng 36%, Tây Ban Nha tăng 40%... Thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt 2,74 ngày.
Chương trình Carnaval mùa đông - Ngày hội sắc màu Tuần Châu 2021 - Ảnh: Minh Hà.
Theo nhận định của các hãng lữ hành, trong 5 năm trở lại đây, Quảng Ninh luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Bà Nguyễn Thị Trực, Giám đốc Vietravel Quảng Ninh, chia sẻ: Trong giai đoạn từ 2016-2020, lượng khách đến Quảng Ninh đã tăng khoảng 40-50% so với năm 2015, nhất là vào dịp cao điểm mùa hè. Du khách chủ yếu đến từ các tỉnh phía Nam và một số quốc gia châu Âu. Mặc dù năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, lượng khách đặt tour tuyến đến Quảng Ninh vẫn rất đông. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tích cực đồng hành và tham gia chương trình kích cầu của tỉnh, thành lập Liên minh kích cầu du lịch, xây dựng, triển khai nhiều combo, tour du lịch với mức giảm giá từ 30-50%. Các đơn vị kinh doanh du lịch vận tải, lữ hành, cơ sở lưu trú đều xác định chất lượng dịch vụ được đặt lên hàng đầu, không vì giảm giá mà giảm chất lượng; đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, tư vấn và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Qua đó, khẳng định sức hút cũng như tiềm năng du lịch to lớn của Quảng Ninh.
Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 84-KL/TU (ngày 18/9/2017) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU, đồng thời điều chỉnh một số chỉ tiêu phù hợp với tình hình phát triển các lĩnh vực dịch vụ. Cụ thể, điều chỉnh chỉ tiêu tổng số khách du lịch đến năm 2020 đạt 15-16 triệu người.
Đến nay, đã có 5 chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 năm đạt gần 456.000 tỷ đồng, tăng bình quân 18,4%/năm, vượt chỉ tiêu 0,4%. Đối với dịch vụ giáo dục đào tạo dạy nghề, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 85,02%, vượt chỉ tiêu 0,02%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%. Đối với dịch vụ y tế, 50% các cơ sở y tế công lập có các loại hình đầu tư phát triển dịch vụ y tế tự nguyện, liên doanh, liên kết. Đối với dịch vụ khoa học và công nghệ, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao ước đạt 45%. Đối với dịch vụ thông tin truyền thông, tỷ lệ mạng internet phủ sóng đến tất cả vùng miền trong tỉnh đạt 100%.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca nội soi cắt túi mật bằng hệ thống 3D hiện đại dưới sự hỗ trợ tư vấn từ xa của các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. .Ảnh: Nguyễn Hoa.
Những kết quả của Nghị quyết 02-NQ/TU đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh từ “nâu” sang “xanh”. Trong các chuyến thăm, làm việc tại tỉnh thời gian gần đây, các đồng chí lãnh đạo Trung ương đều khẳng định, Quảng Ninh đã có sự bứt phá mạnh mẽ về du lịch dịch vụ với việc đầu tư các địa điểm du lịch nổi tiếng theo hướng quy mô, xanh, sạch, đẹp. Đưa Quảng Ninh trở thành địa điểm nổi tiếng của Việt Nam về du lịch.
Quyết tâm sớm lấy lại đà tăng trưởng
Mặc dù ngành dịch vụ đã có những bước tăng trưởng và sức bật lớn, tuy nhiên, vẫn có 2 chỉ tiêu chung và 3 chỉ tiêu cụ thể chưa đạt theo kế hoạch đặt ra theo Nghị quyết 02-NQ/TU và Kết luận số 84-KL/TU. Cụ thể, tỷ trọng dịch vụ trong GRDP đạt 42,1%, trong khi kế hoạch là 48-49%. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân đạt 10,97%, trong khi kế hoạch là 11-13%.
Đối với 3 chỉ tiêu cụ thể là dịch vụ du lịch, tài chính và vận tải đều không đạt, thậm chí thụt lùi khá xa so với những năm trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào năm 2020 đã tác động trực tiếp đến các ngành nghề này. Như dịch vụ tài chính và dịch vụ vận tải cũng chỉ đóng góp 3,2% và 4,9% trong khi kế hoạch các ngành này lần lượt là 4-6% và 6-8%.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư hiện đại, kết nối du lịch giữa các địa phương.
Giai đoạn năm 2021-2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân đạt từ 12-13%; tỷ trọng dịch vụ trong GRDP bao gồm thuế sản phẩm tăng 48-49%. Đối với dịch vụ du lịch, tổng khách du lịch đạt khoảng 70 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân trên 15%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân trên 20%/năm. Đối với dịch vụ thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tăng bình quân 17-18% trở lên. Đến năm 2025, dịch vụ giáo dục đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ, y tế, công nghệ thông tin tăng từ 5-10% so với giai đoạn trước.
Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Ninh đã xác định nhanh chóng cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, thời gian tới, ngành Du lịch sẽ chú trọng khai thác toàn diện thị trường nội địa và quốc tế, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, chất lượng và hiệu quả vươn tầm quốc tế, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, dành quỹ đất, không gian để phát triển dịch vụ. Từ đó, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên du lịch gắn với công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, giải trí để đưa ngành dịch vụ phát triển nhanh, bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Hội chợ OCOP là một trong những hoạt động dịch vụ thương mại tiêu biểu của Quảng Ninh trong thời gian qua.
Cùng với việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp, Quảng Ninh cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến, xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hạ Long - Quảng Ninh gắn với thương hiệu du lịch quốc gia và quốc tế. Không những thế, xây dựng các khu du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô trở thành động lực phát triển dịch vụ của tỉnh và của vùng...
Cùng với ngành Du lịch, để phát triển dịch vụ thương mại, Sở Công Thương sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thực hiện các chỉ tiêu phát triển dịch vụ giai đoạn 2021-2025, Sở sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, tăng cường công tác phối hợp và đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Song song với đó, trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, ngành Công Thương sẽ tập trung phát triển hạ tầng thương mại có trọng tâm, tạo đột phá, kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại cả khu vực thành thị và nông thôn; thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại tại Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn... để thu hút khách du lịch, phát triển thương mại, dịch vụ. Các “điểm nghẽn” trong hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới tiếp tục được khơi thông.
Bên cạnh đó, để tạo động lực cho ngành dịch vụ, tỉnh cũng sẽ ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư sớm đưa vào sử dụng các dự án, công trình hạ tầng kết nối quan trọng, như đường cao tốc, sân bay và các cảng biển mới. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại để xây dựng các cảng biển quan trọng như Nam Tiền Phong, Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh; ưu tiên đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, trọng tâm là hình thành một số khu trung tâm logistics tại Quảng Yên, Móng Cái...
Hoàng Quỳnh