Đừng vô tâm với môi trường biển!

Cập nhật: 13/04/2021
"Chụp ảnh sống ảo" từ lâu đã trở thành một trào lưu phổ biến của giới trẻ. Tuy nhiên, nếu như việc sống ảo gây phản cảm, để lại những hệ quả đối với môi trường tự nhiên như câu chuyện “sống ảo” khiến sao biển ở Rạch Vẹm (Gành Dầu, Phú Quốc) chết khô trên bãi biển trong những ngày qua thì chẳng hay ho chút nào!

Trên các diễn đàn du lịch Phú Quốc những ngày qua, câu chuyện sao biển ở Rạch Vẹm bị bỏ chết khô trên bãi biển đang nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận. Câu chuyện bắt đầu sau khi một du khách Hà Nội có tên H.A đăng tải bức ảnh chụp những cá thể sao biển nằm cong queo trên bờ cát sau khi được khách du lịch “trưng dụng” để chụp ảnh. Chị cho biết mình chụp các bức ảnh vào khoảng 12-14h ngày 2/4 tại làng chài Rạch Vẹm. Thời điểm đó, chị cùng gia đình đến Rạch Vẹm vì nghe nói có nhiều sao biển, chụp hình đẹp. Tuy nhiên, khi đến nơi, chị thấy những chú sao biển được xếp thành hình trái tim trên cát, nơi sóng biển không thể vào tới nên tất cả đều chết khô.

Hình ảnh sao biển chết khô trên bãi cát  sau khi  khách du lịch xếp thành hình để chụp ảnh (Ảnh: NVCC)

Nữ du khách cho rằng một số người muốn có ảnh đẹp nên đã xếp sao biển để chụp hình. Nhưng chụp xong, họ bỏ lại những con sao biển bị cháy khô dưới nắng. Bức xúc trước hành vi thiếu ý thức của một bộ phận du khách, cô quyết định chia sẻ câu chuyện này lên các diễn đàn du lịch. Từ đó, phần lớn cộng đồng mạng đều bày tỏ sự bất bình và phê phán hành vi trên.

Thời quan qua, trào lưu “chụp ảnh cùng sao biển” đã trở thành một “hot trend” (trào lưu nổi bật) hiện nay. Chỉ cần gõ từ khóa “sao biển Phú Quốc”, trong vòng 0,64 giây, google đã cho 48.300.000 kết quả liên quan. Điều này cho thấy, mức độ quan tâm và tìm kiếm của người sử dụng internet đối với loài sinh vật biển này nhiều đến mức nào.

Thực chất việc chụp ảnh cùng cảnh quan thiên nhiên trong mỗi chuyến du lịch rồi chia sẻ, giới thiệu với mọi người là điều bình thường. Sự việc không có gì đáng phê phán nếu như người chụp tôn trọng và không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Việc đưa sao biển lên bờ cát rồi bỏ lại không chỉ là thể hiện sự thiếu ý thức tại nơi công cộng (tạo thêm rác cho bãi biển), mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường và tài nguyên biển.

Dù là vô tư hay cố ý, thì việc đưa sao biển lên bờ để chụp ảnh sau đó “bỏ mặc” là điều khó chấp nhận. Chưa kể, việc "cầm, nắm, sờ" vào sao biển cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt nếu như tay của con người mang theo những loại vi rút, vi khuẩn có hại cho sinh vật biển. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, việc đưa sao biển lên bờ cát để chụp hình, sau đó thả lại vào nước biển cũng gây hại cho sao biển.

Sao biển là tên gọi chung cho các động vật da gai thuộc lớp Asteroidea. Hiện có khoảng 1.800 loài sao biển còn sống hiện diện trong tất cả các đại dương của thế giới. Sao biển có mặt ở trên một phạm vi sâu rộng từ các bãi triều đến độ sâu thẳm (6.000 m). Hầu hết chúng đều có hình dạng hình ngôi sao 5 cánh tay đối xứng với một điểm trung tâm nằm ở giữa. Tuy nhiên cá biệt sẽ có những loài sao biển có đến 10, 20 và thậm chí 40 cánh tay.

Sao biển cũng như các loại sinh vật biển khác đều có đóng góp cho hệ sinh thái chung, tạo nên tính liên tục trong chuỗi thức ăn. Một khi chuỗi thức ăn này bị phá hỏng quá mức sẽ làm suy giảm số lượng quần thể trong hệ sinh thái, làm giảm đa dạng sinh học, mất cảnh quan.

Tại nhiều nước, thậm chí khách du lịch sẽ bị phạt nặng nếu như chạm tay vào các sinh vật biển như san hô để chụp ảnh. Tại Việt Nam, việc áp dụng chế tài xử phạt như thế này tại các điểm du lịch là chưa nhiều. Tuy nhiên, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/06/2015 đã chỉ rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Trong đó, nội dung số 5 trong Điều 8 của Luật đã chỉ rõ những hành vi bị nghiêm cấm: Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo.

Bảo vệ môi trường biển  góp phần đảm bảo sự đa dạng của hệ sinh thái  biển (Ảnh minh họa: Phuquocxanh.com)

Nhìn rộng ra thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo cũng đã được chú ý từ rất lâu. Nhiều Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển đã được ra đời tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc gìn giữ môi trường biển, ngăn ngừa ô nhiễm trên biển. Trong đó, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã xây dựng những quy định cơ bản về việc bảo tồn sinh vật sống trên biển. UNCLOS 1982 không chỉ quy định nghĩa vụ của các nước trong việc bảo vệ môi trường biển mà còn dành một phần riêng đề cập tới vấn đề bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen khi đi du lịch. Thay vì xả rác, làm ảnh hưởng đến môi trường sống cần phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, sự đa dạng của hệ sinh thái. Câu chuyện về những cá thể sao biển ở Phú Quốc chỉ là một ví dụ, một minh chứng cho sự “vô tư”, “vô tâm” của con người trước thiên nhiên. Đã đến lúc, mỗi người chúng ta cần góp sức, chung tay để xây dựng một hệ sinh thái khỏe mạnh, bền vững, vì chính sức khỏe, cuộc sống của chúng ta!./.

Song Anh

Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam