Quảng Ngãi: “Kích cầu” du lịch từ bảo vệ môi trường, phát huy giá trị di sản bản địa

Cập nhật: 13/04/2021
Làng Gò Cỏ (xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi), nằm biệt lập ngoài biển, nhưng thời gian gần đây, nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của Quảng Ngãi. Du khách đến với Gò Cỏ không phải để ở khách sạn 5 sao, mà để có những trải nghiệm chìm sâu vào ký ức, cảm nhận dấu vết của mình còn lưu lại đâu đó trong chặng đường tiến hóa hàng ngàn năm.

Bãi biển Gò Cỏ hấp dẫn du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: Văn Chương

Một bờ biển có làn nước trong xanh như ngọc bích vỗ về bên bờ cát trắng. Ở Gò Cỏ, một eo biển nhỏ được bao bọc bởi 2 gành đá có những đường vân màu vàng, màu đỏ rực dưới ánh nắng mai. Nước biển ở đây dường như được phản chiếu từ những bờ đá nên trông xanh hơn. Những tảng đá nhỏ nằm ở eo biển này thì phủ rong rêu xanh, quanh năm sóng vỗ rì rào. Tiến sĩ Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khi đến eo biển nhỏ này đã thốt lên rằng “đây là viên ngọc quý thiên nhiên”.

Gò Cỏ từng được nhắc đến là xứ biệt lập, có sự cách biệt nhất định với cộng đồng xung quanh. Bởi con đường ra eo biển và khu dân cư này phải vượt qua một đồi cát cao và dài. Nhờ sự cách trở đó đã giúp cho con người và cảnh vật nơi đây vẫn giữ nguyên được nét thô mộc và tuyệt đẹp. Những người già trong làng khi gặp lại thì hồi ức rất lâu về chuyện làng quê thời mấy chục năm trước, còn những ngôi nhà trong làng thì cũng đều giữ nguyên nét kiến trúc của nhà từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

“Xứ sở bị quên lãng” này 2 năm trở lại đây bỗng dưng được nhắc đến trên bản đồ du lịch. Bởi vì ngôi làng này không chỉ có cảnh sắc đẹp, mà còn nằm cạnh hố khai quật năm 1909 của nhà khảo cổ học người Pháp là Vinet, từ đó phát hiện ra nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây hơn 3000 năm, là 1 trong 3 nền văn hóa lớn trên dải đất Việt Nam (văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo).

Tôi đặt chân đến Gò Cỏ khi những người già ở ngôi làng này vừa trải qua một buổi tập huấn. Mọi người bắt đầu quen với vài từ phổ thông trong tiếng Anh như: “Hello”, “Good bye”, “see you again”... Trên khuôn mặt những lão ngư làm du lịch luôn thấp thoáng 2 cung bậc cảm xúc, đó là nét đăm đăm của thời gian khó, đó là nét hài hước của những con người bắt đầu nhìn thấy tiềm năng mà “ông trời” đang trao cho họ. Nhiều người nói với tôi rằng, “cứ phải vui, cười, nói tiếu lâm cho khách họ đến, trở về thì đều ấn tượng tốt về làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ”.

Ngành du lịch ở tỉnh Quảng Ngãi từng phối hợp tổ chức Hội thảo "Xây dựng mô hình công viên làng du lịch trên cơ sở phát huy giá trị tổng thể của các nguồn lực văn hóa sinh thái, và con người", lấy Gò Cỏ là mô hình trung tâm, là cú hích cho vùng đất phía Nam của dự án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh mà tỉnh Quảng Ngãi đang trình lên UNESCO. Ngôn ngữ, tài liệu của hội nghị thì nhiều, những lão ngư ở Gò Cỏ không biết nhớ được bao nhiêu, nhưng có một chủ trương đã trở thành lệ làng ở Gò Cỏ, đó là “giữ gìn tuyệt đối môi trường biển, biển sạch thì Gò Cỏ mới có thể trở thành điểm đến”.

Khoảng 80 hộ dân ở Gò Cỏ giờ đây đã thực hiện nghiêm các quy định về việc rác thải phải tập trung để đốt, nếu ra biển thấy rác thì nhặt và gói mang bỏ hố rác, không xả các chất thải xuống biển. Bà Bùi Thị Vân, một người nông dân chân chất trong làng đã luyện giọng để trở thành người chuyên hát bài chòi để phục vụ du khách. Ông Đoàn Sung, người gây dựng Hợp tác xã du lịch cộng đồng Gò Cỏ, sau khi đi thăm và học hỏi kinh nghiệm nhiều khu du lịch lớn trong nước và quốc tế. Mỗi khi ngồi với ông Sung thì phải tốn khá nhiều thời gian để nghe ông chia sẻ tâm nguyện cuối đời về mô hình du lịch để người dân bản địa có kế mưu sinh. Giá trị lớn nhất là chính cộng đồng sẽ bảo vệ môi trường, phát huy những giá trị di sản bản địa.

Năm 2019, Tiến sĩ Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO lần đầu tiên đặt chân tới Gò Cỏ. Đi đến hố khai quật khu mộ chum Sa Huỳnh, thăm giếng Chăm, bãi cát vàng, bờ biển với nước xanh như ngọc, ông lập tức bị cuốn hút bởi eo biển Gò Cỏ, nên đã kêu gọi bảo tồn và phát huy giá trị của nơi này. Ngay sau đó, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment) đã hưởng ứng, tài trợ 10.000 USD để thực hiện vấn đề quản lý rác thải.

Những bạn trẻ đi du lịch có thể ghé đến Gò Cỏ. Tấm bảng giá dịch vụ khá rẻ được đặt tại nhiều gia đình làm homestay: Ngủ 80.000 đồng/người; ăn sáng 25.000 đồng, ăn trưa 70.000 đồng... Cô Nguyễn Thị Kiều Diễm, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ chia sẻ về những địa điểm du lịch độc đáo của Gò Cỏ, đó là du khách đến thăm đường đá cổ Chăm Pa đầy nét xưa, chụp ảnh tại bãi ghành đá có phong cảnh tuyệt đẹp như: Bến Bà Thân, Hang Sáo, Giếng Ông Địa; sáng sớm tinh mơ có thể cùng chèo thuyền trên mặt đầm An Khê...

Nếu ngủ lại Gò Cỏ 1 đêm và khi rời đi, mọi người sẽ cảm thấy dường như vừa trải qua một giấc mơ mà mình bị cuốn về một nơi nào đó rất xa. Đó là vì đã được đắm chìm trong không gian, con người ở một làng quê mà linh hồn là những con đường, bậc đá, xóm làng đầy âm thanh, cuộc sống thời xưa cũ.

Lê Văn Chương

Nguồn: Báo Biên Phòng