Thêm nét mới cho vườn tượng sông Hương

Cập nhật: 19/04/2021
Dưới tán lá ở các công viên hai bờ sông, 86 tác phẩm tượng bố trí khắp nơi. Đến công viên, người dân, du khách hòa mình vào không khí trong lành, thưởng thức những tác phẩm tượng nhiều trường phái. Nhưng qua nhiều năm tồn tại, không gian tượng ngoài trời bên sông Hương đang cần quan tâm nhiều hơn.

Bức tượng “Chạy tới tương lai” của nhà điêu khắc Zhang Jihong.

Giữ sạch, đẹp tác phẩm đã có

Ở Công viên Lý Tự Trọng, trước Trường Quốc học Huế, 26 tác phẩm tượng bày chung quanh. Hơn 20 năm trước, chúng là thành quả của các nhà điêu khắc trong, ngoài nước sáng tạo tại hội trại sáng tác điêu khắc dịp Festival. Sau đó họ tặng cho Huế. Vườn tượng hình thành từ đó. Công viên 3-2, Công viên Phú Xuân cũng có nhiều tượng của các nhà điêu khắc đến từ nhiều nước. Các tác phẩm đa dạng về chất liệu, phong phú về ý tưởng… Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, nói rằng, trải qua các đợt sáng tác điêu khắc quốc tế, đến nay, các công viên có 86 tác phẩm tượng với nhiều chất liệu như đá, sắt… “Những bức tượng được đặt hai bên bờ sông Hương mang tính giáo dục cao, nhân văn. Ở góc độ quản lý, các vị trí cơ bản nằm bên hai bờ sông Hương, tôi thấy phù hợp, nhẹ nhàng, làm đẹp cho Huế”, ông Quý nhận xét.

Công việc bảo quản được nhân viên Trung tâm Công viên cây xanh Huế đảm nhiệm. Một tháng hai lần, các nhân viên lau chùi, đánh rêu phong. Cách các công viên này tầm chục cây số, khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy bị bỏ hoang nhiều năm nay. Nhiều tác phẩm của trại sáng tác điêu khắc quốc tế bày tại đây bị vẽ bậy, cây cối mọc um tùm… Nhiều du khách đau lòng trước “đứa con tinh thần” của các nhà điêu khắc bị “bỏ rơi”.

Ở các công viên khác, có một số bức tượng đang hư hỏng dần. Bức tượng “Sảng khoái” có phần tượng gỗ bị mục nát. Tác phẩm “Hoa trinh nữ” làm bằng nhựa tổng hợp, sắt, xi-măng bị nứt vỡ hai cánh tay, rơi hai bàn tay. Tượng “Bí ẩn và trầm cảm” có phần gốm bị rơi vỡ (bốn cái), 14 thanh gỗ bị hư, mất… Theo bảng thống kê và đánh giá hiện trạng tác phẩm của Trung tâm Công viên cây xanh Huế, có hơn 21 tác phẩm có bảng tên tác phẩm bị mờ, năm tác phẩm có bảng tên bị mất.

Được biết, tỉnh có chỉ đạo quy hoạch, sắp xếp lại các tượng. Trước mắt, lấy tượng ở hồ Thủy Tiên đưa về phía Đàn Nam Giao. Các vị trí góc cua ngã ba, ngã tư sẽ đặt trang trí tượng.

Không gian nghệ thuật bên bờ sông Hương. 

Nghệ thuật hóa kho tàng văn hóa Huế

Chính quyền địa phương đang tính toán đặt thêm bức tượng đặc biệt có tên “Người đàn ông cúi đầu” (tiếng Anh là Greetingman). Tượng đúc bằng nhôm và đá Machan. Đó là món quà của ông Cho Kwang Han, thị trưởng thành phố Namyangigu, Hàn Quốc muốn tặng cho Huế. Khoảng hai năm trước, dư luận xôn xao bởi bức tượng cao 6 m, khỏa thân. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không phù hợp cảnh quan khi đặt bên sông Hương. Sau nhiều lần thảo luận, Thừa Thiên Huế đồng ý nhận bức tượng với kích thước thu nhỏ lại. Dự kiến, sắp tới, tượng sẽ được trưng bày ở Công viên 3-2.

TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, cho rằng, chúng ta phải có hình thức tôn vinh hệ thống tượng này một cách phù hợp, gần gũi mà thiết thực, từ việc giữ gìn sạch sẽ, bảo quản cẩn thận, trân trọng một tác phẩm nghệ thuật có được từ những trại điêu khắc quốc tế, cho đến những hình thức, nội dung thuyết minh đi vào lòng người.

Nói về quan niệm tượng điêu khắc nghệ thuật, TS Hằng chia sẻ, di sản này phải đa dạng, đi vào đời sống một cách sinh động, mềm dẻo uyển chuyển, chứ không hoàn toàn cứng nhắc, chứ không phải chỉ là tượng điêu khắc hoành tráng mang đậm thông điệp chính trị xã hội, hay cứng nhắc như trong các bảo tàng. Từ di sản lịch sử và văn hóa của mỗi một vùng đất, phải viết lên những câu chuyện gần gũi mà thiêng liêng, gắn liền với từng thời kỳ, từng nhân vật lịch sử, từng điêu khắc gia… 

“Đừng quá nặng nề trong tác phẩm nghệ thuật công cộng. Phải đưa văn hóa, nghệ thuật vào câu chuyện xây dựng hệ tượng điêu khắc nghệ thuật. Huế có rất nhiều câu chuyện. Huyền thoại chúa Nguyễn Hoàng chọn đất đóng đô có câu chuyện, tương tự là trầm tích lịch sử và văn hóa liên quan đến cầu Trường Tiền hay chợ Đông Ba..., tất cả phải được hiện thực hóa, cụ thể hóa thành những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật ở mỗi sân trường, góc công viên, thì đời sống nghệ thuật sẽ đa dạng, rất nhẹ nhàng và ý nghĩa…”, TS Hằng đề xuất.

Bài & ảnh: Nguyễn Tuấn Hiệp

Nguồn: Báo Nhân dân