Niềm yêu thương ra biển

Cập nhật: 19/04/2021
Những ngày qua, những chuyến tàu đầu tiên đã ra khơi mang theo hơi ấm của đất liền gửi đến Trường Sa, Nhà giàn DK1. Sau hơn một năm những cuộc hội ngộ giữa đất liền với đảo xa tạm thời gián đoạn do tình hình dịch Covid-19, nghĩa tình quân dân càng trở nên thắm thiết, sâu đậm hơn qua những hành động thật cụ thể.

Em Kiều Chấn Long gửi hạc giấy ra biển, đảo.

Đàn hạc vươn cánh…

Đây là năm thứ ba em Kiều Chấn Long, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Dịch Vọng A, Cầu Giấy, Hà Nội gửi quà ra biển, đảo. Em mở chiếc hộp ra, bên trong là 300 chú hạc giấy tượng trưng cho những người lính với 300 tư thế khác nhau. Mỗi chú hạc đều được vẽ trái tim đỏ thắm, hoa bàng vuông, hoa sen thuần khiết, từng khóm tre bó chặt biểu trưng cho tình đoàn kết dân tộc và lá cờ Tổ quốc tung bay... 

Những cánh hạc giấy sẽ được đưa lên từng chuyến tàu, thả xuống biển khơi trong Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì biển, đảo của Tổ quốc. Lá thư của Chấn Long gửi các anh cũng vang lên đầy xúc động. Cảm xúc khiến cậu bé lớp 5 quyết định gửi tấm lòng ra biển, đảo là khi em ngắm bức ảnh “Về nhà thôi các anh” có hình chú hạc giấy trôi trên mặt biển trong lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma. Từ đó, ngoài thời gian học tập, vui chơi, em đọc nhiều sách báo, tư liệu về biển đảo và ghi nhớ rất nhiều chi tiết. Kiều Chấn Long xin bà ngoại và mẹ đưa em tới CLB Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương (Trung ương Đoàn) để gửi quà. Cậu bé tặng các bạn nhỏ ở quần đảo Trường Sa mô hình bánh sinh nhật, hoa quả, đồ chơi. Những chiếc bánh ga-tô ba tầng, mỗi tầng ghi ý nghĩa riêng. Tầng cao nhất dành cho bạn bè, tầng thứ hai dành cho cha mẹ luôn nâng đỡ các con, tầng cuối cùng mầu xanh biếc. 

Sáu ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa cũng nhận được sáu bộ đèn sen của em dâng tặng. Trước đó, Chấn Long nhiều lần ra chùa Hà, nhặt lá bồ đề về đắp xi-măng thành phôi lá rồi đúc, nung để gắn vào đèn bên cạnh những đóa sen có mầu trắng, xanh, vàng, đỏ. Kèm theo mỗi cặp đèn, cậu bé cũng lại viết thư, nói về ý nghĩa, mong muốn cầu bình an cho các chiến sĩ, hòa bình cho Tổ quốc mình. Trên chuyến tàu lênh đênh trên biển, các cô chú ở CLB đã mang mứt gừng cậu bé tặng ra mời thành viên trên tàu. Ai cũng ngạc nhiên trước loại mứt em tự tay làm. Em đã đòi mẹ dẫn ra chợ đến mấy lần mới mua được đúng loại gừng ta nhỏ bằng ngón tay, ít xơ và thơm nức.

Cùng dịp này, sáu chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt SYL sẽ đến với sáu đảo: Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Phan Vinh A, Tiên Nữ, An Bang, Đá Tây B. Đoàn công tác của Thủ đô Hà Nội thuộc nhiều ban, ngành: du lịch, vận tải, điện lực, viễn thông… đã cùng chung tay tặng Trường Sa món quà ý nghĩa. Đặc biệt, đây là phiên bản thứ năm của máy lọc SYL - công trình do kỹ sư Trần Thành sáng chế, từng đoạt Giải thưởng sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam Vifotec 2017. Theo anh, phiên bản mới được thiết kế tiên tiến, gọn nhẹ, dễ sử dụng và bảo dưỡng, rất phù hợp điều kiện cần tiết kiệm nhiên liệu và không gian tại đảo đá chìm. 

Trần Thành chia sẻ, dù trước đó cá nhân anh cùng một số tổ chức, đơn vị đã tặng máy lọc nước ra Trường Sa, nhưng mỗi khi có thêm một chiếc máy ra với biển, đảo, cảm xúc vẫn rưng rưng. Biển, đảo đang vào mùa khô, lượng nước phục vụ sinh hoạt, tập luyện, tăng gia của bộ đội vẫn eo hẹp. Lượng nước dự trữ trong các bể vẫn có nguy cơ bị rò rỉ, nhiễm mặn. Chỉ máy lọc nước biển thành nước ngọt mới đáp ứng sự chủ động về nguồn nước trên đảo.

Kỹ sư Bùi Công Khê phổ biến công nghệ bảo vệ môi trường biển, đảo. Ảnh: Trần Thành

Những “chiến binh” thầm lặng…

Chúng tôi liên hệ với kỹ sư Bùi Công Khê, người cách đây 5 năm, ở tuổi 74 vẫn đi công tác Trường Sa, giọng ông đầy ấm áp, quyết tâm: “Bây giờ mà được đi tiếp là tôi sẵn sàng lên đường”. Chuyến đi ấy, kỹ sư Bùi Công Khê đeo chiếc ba-lô nặng trĩu, tư trang thì ít mà đa phần là chế phẩm polyme diệt khuẩn Medipag-20 và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv-eco của Trung tâm Vật liệu mới, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội nơi ông công tác, mang ra để xử lý ô nhiễm môi trường ở biển, đảo. 

“Đồng đội” của kỹ sư Bùi Công Khê chuyến ấy là PGS, TS Phạm Ngọc Khái, ngoài 60 tuổi, chuyên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vi sinh. Trước đây, ông là một quân nhân mẫu mực, sau này, ở môi trường giáo dục, ông thể hiện chất lính rõ rệt trong giảng dạy, nghiên cứu. Một tháng trước khi đoàn công tác đầu tiên khởi hành, hai nhà khoa học đã đến Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo về ý tưởng bảo vệ môi trường, trực tiếp triển khai thí điểm. Lắng nghe tâm huyết, tình cảm của hai “chiến binh” đã cao tuổi, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn quyết định bổ sung danh sách, mời hai ông ra biển, đảo. 

Ấn tượng của đoàn công tác về hai nhà khoa học là tinh thần trẻ trung, năng động nhưng rất chỉn chu trong sinh hoạt, công việc. Mỗi người triển khai một đảo. Kỹ sư Bùi Công Khê phun khử khuẩn ở khu chuồng trại đảo Trường Sa Đông. PGS, TS Phạm Ngọc Khái phun vi sinh bên đảo Trường Sa. Họ đeo chiếc bình phun mang từ đất liền ra, pha chế, trực tiếp phun. Chỉ huy các đảo phân công cán bộ chuyên môn chuyên ngành hóa sinh, chăn nuôi hỗ trợ phối hợp, kiểm tra ngay. Hai công nghệ đều thành công trên đảo, khử hết mùi hôi, mầm bệnh khu chăn nuôi. PGS, TS Phạm Ngọc Khái còn triển khai mô hình đào sẵn hố trồng cây, dồn hết lá rụng xuống, tưới chất ATY-TP để phân hủy thành mùn. Mùn đất trên đảo rất quý, góp phần nuôi dưỡng những mầm xanh. 

Sau chuyến đi đó, các nhà khoa học vẫn tiếp tục ủng hộ Trường Sa sản phẩm bảo vệ môi trường. Kỹ sư Bùi Công Khê còn tự tay đánh máy một đề án tâm huyết về môi trường biển, đảo, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong lúc chờ xét duyệt, ông lại xin đi Trường Sa, thử nghiệm giai đoạn hai. Trải nghiệm sinh hoạt trên tàu cấp hàng Trường Sa - 12 chật chội, nóng nực, thiếu nước, ông vẫn lạc quan ngồi ăn mì tôm cùng bộ đội trên ca-bin, áp dụng bài tập chống lại cơn say sóng. Tàu cấp hàng nên mũi tàu nuôi lợn để cấp cho các đảo. Ông xin được triển khai phun chế phẩm sinh học, xử lý mùi hôi đang lan khắp tàu. Không đơn giản để nhà khoa học thuyết phục được bộ đội. Tàu cấp hàng cần bảo đảm lợn khỏe mạnh, không ốm chết để hoàn thành nhiệm vụ cấp đủ nguồn thực phẩm tươi. Sau một hồi thuyết phục, bộ đội đồng ý. Kết quả, toàn tàu hết mùi, sinh hoạt trong không khí sạch sẽ và vật nuôi vẫn khỏe mạnh. Chuyến công tác lần thứ hai đó, kỹ sư Bùi Công Khê ở trên đảo Trường Sa một tuần để thực hành, kiểm tra kỹ lưỡng. Bộ đội luôn kính trọng và cảm thấy thú vị với hình ảnh một cụ ông 75 tuổi đeo bình phun, cặm cụi trong chuồng trại. Lợn, ngan… chạy trước, người đuổi theo sau. 

Đam mê, nhiệt huyết của nhà khoa học vốn đã khiến họ quên mình, nhưng đặt vào một lý tưởng cao cả cho biển, đảo quê hương thì lại thêm nhiều điều thiêng liêng và gần gũi hơn nữa. Bây giờ, khi nhắc về “bác Khê”, “bác Khái”, các cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn lưu luyến. Thương hai nhà khoa học tuổi đã cao mà suốt những chuyến đi không một lời phàn nàn, dù chế độ sinh hoạt thời điểm ấy còn nhiều khó khăn. Điều các nhà khoa học trăn trở là công nghệ đã được chứng minh phù hợp nhưng để ứng dụng trên toàn quần đảo và dài hạn thì cần khoản kinh phí lớn, khoảng hai tỷ đồng trong một năm. Khoản kinh phí ấy một vài cá nhân chưa đáp ứng được. 

Chung quan điểm trên, kỹ sư Trần Thành cũng bày tỏ mong muốn, các đoàn công tác có thể hướng tới hành động thiết thực để cải thiện môi trường biển, đảo. Hòa nhịp hành động đó, một số địa phương như huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vài năm nay đều tặng Trường Sa cây, hoa, giá thể trồng rau để phủ xanh quần đảo. Năm nay, xã Phụng Công của địa phương sẽ tặng cả mẫu đơn. Theo các nhà khoa học, các giống cây tự nhiên trên đảo như: tra, phong ba, bàng quả vuông, bão táp… cần khoảng 20 năm mới lên được tầng xanh. Điều kiện thời tiết càng khắc nghiệt, càng cần bổ sung những giống cây mới để trong thời gian ngắn nhất đảo có bóng mát. Tỉnh Hưng Yên đã tặng nhiều quất cảnh, Bình Định tặng cây lá giang, Bến Tre tặng dừa. Cả nước tặng phi lao. Những năm gần đây, ở nhiều trường học đã phát động mỗi em học sinh bớt một bữa sáng gửi mầm xanh ra đảo. Kinh phí không lớn, chỉ 10 nghìn đồng/cây, nhưng có trường 400 em học sinh ủng hộ 400 cây đã đủ hy vọng về ngày mai xanh cho đảo nhỏ.

Thanh Khê

Nguồn: Báo Nhân dân