UBND thành phố vừa ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 với 31 tiêu chí, 51 nhiệm vụ, dự án, công trình, phi công trình với tổng kinh phí khái toán 15.546 tỷ đồng. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, về các vấn đề liên quan đến đề án này.
Tiếp cận nhiều mục tiêu các nước tiên tiến đã thực hiện
* Cơ sở triển khai đề án với nhiều nhiệm vụ để đạt mục tiêu sớm hoàn thành việc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường là gì, thưa ông?
- Cách đây 12 năm, vào năm 2008, sự ra đời đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” của UBND thành phố là quyết định mạnh dạn, sáng tạo, thể hiện quyết tâm cao về bảo vệ môi trường của thành phố.
Việc tổ chức thực hiện đề án sau 12 năm đã có những kết quả như: cấp nước đô thị đạt 99%; 100% nước thải tại các khu công nghiệp được thu gom, xử lý, thực hiện quan trắc tự động, liên tục; giải quyết cơ bản 13/15 điểm nóng về môi trường; hơn 80% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 95%...
Đặc biệt, cán bộ, nhân dân và các đơn vị đóng chân trên địa bàn thành phố đã tham gia tích cực công tác bảo vệ môi trường thông qua phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, mô hình trường học xanh, khu dân cư thân thiện môi trường, phụ nữ sống xanh, 195 CLB môi trường của Hội Cựu chiến binh các cấp...
Những kết quả đạt của thành phố Đà Nẵng được Trung ương, tổ chức quốc tế, cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều giải thưởng như: Thành phố bền vững về môi trường (ASEAN); Thành phố carbon thấp (APEC); Thành phố phong cảnh châu Á; Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi; giải thưởng môi trường Việt Nam; Thành phố xanh quốc gia...
Để đạt được những kết quả cơ bản trên, thành phố trân quý sự hỗ trợ, đồng hành, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể người dân thành phố đã chung tay trong 12 năm qua.
Nhằm kế thừa và phát huy các kết quả đạt được, trên tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045..., UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 2-4-2021 phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030.
Việc thực hiện đề án nhằm tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các mục tiêu xây dựng thành phố môi trường đã thực hiện trong 12 năm qua; phấn đấu đến năm 2025, thành phố đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng...
Việc thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển thành phố trở thành đô thị sinh thái vào năm 2030. Trong ảnh: Đô thị Đà Nẵng phát triển hài hòa khu vực hai bên sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Xuân Tư
* Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” được UBND thành phố ban hành năm 2008 và thực hiện đến năm 2020 chỉ có 10 tiêu chí nhưng đề án này trong giai đoạn 2021-2030 lại có đến 31 tiêu chí. Điều này có ý nghĩa gì?
- Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ rất quan trọng mà Bộ Chính trị đặt ra cho thành phố Đà Nẵng là sau năm 2030, thành phố tiếp cận mô hình đô thị sinh thái; đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 đã tiếp cận rất nhiều mục tiêu mà hiện nay các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu đã thực hiện, nhất là việc xử lý môi trường nước, không khí, rác thải..., bảo đảm các tiêu chuẩn cao nhất và quan tâm đến bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài các tiêu chí về chất lượng môi trường như trước đây, đã bổ sung các tiêu chí thể hiện hành động thực thi của các ngành, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Đề án vừa ban hành có 31 tiêu chí chia thành 4 nhóm, tăng 21 tiêu chí so với nội dung đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” được phê duyệt vào năm 2008. Theo đó, nhóm tiêu chí phòng ngừa và kiểm soát có 7 tiêu chí, nổi bật là đến năm 2030 có ít nhất 3 khu công nghiệp sinh thái, 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện trên tổng số xe buýt đang hoạt động trên địa bàn thành phố; tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo đến năm 2030 giảm 5-7%...
Nhóm tiêu chí cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm có 13 tiêu chí, trong đó, 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% dân số nông thôn được cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn đến năm 2030 đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định đến năm 2030 đạt hơn 97%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%; các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để...).
Nhóm tiêu chí bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 4 tiêu chí, đáng chú ý là giữ vững và khuyến khích việc gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo đảm duy trì diện tích đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học; bảo đảm bố trí diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị đạt 9m2/người vào năm 2030, xây dựng mô hình các khu đô thị sinh thái...
Nhóm tiêu chí tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường có 7 tiêu chí. Theo đó, bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường hơn 3%; tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt 100% vào năm 2030, tỷ lệ trường học triển khai phân loại rác tại nguồn đạt 100% vào năm 2025; 100% các phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường của người dân được giải quyết kịp thời...
Ảnh: Nguyễn Xuân Tư - Đồ họa: Tuyết Anh
Hướng đến đô thị sinh thái
* Để hướng đến đô thị sinh thái vào năm 2030 trong điều kiện Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đang có mức phát triển trung bình, chúng ta cần làm gì?
- Trên thế giới có nhiều mô hình xây dựng đô thị sinh thái, đặc biệt là ở các nước phát triển nhưng phần lớn là đặt ra việc xây dựng đô thị sinh thái trên nền kinh tế phát triển, trong khi thành phố Đà Nẵng đang phát triển ở mức trung bình. Tuy vậy, Đà Nẵng có khát vọng và rất mong muốn đặt nền móng để tương lai trở thành đô thị sinh thái.
Để thực hiện 31 tiêu chí nói trên và tiếp cận mục tiêu hướng đến đô thị sinh thái vào năm 2030, đề án đề ra 51 nhiệm vụ, dự án, công trình, phi công trình với tổng kinh phí khái toán thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 là 15.546 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 5.436 tỷ đồng, nguồn vốn ODA 3.200 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa 6.910 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện đề án vào thời gian tới, thành phố cần sự hỗ trợ, phát triển những giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường như xây dựng, phát triển hệ thống giao thông thông minh; xây dựng các công viên trong đô thị, bảo tồn các khu vực bảo tồn thiên nhiên, khu vực đất ngập nước…; cải thiện cảnh quan môi trường các hồ sinh thái, hồ thủy lợi, kênh mương…
Bên cạnh đó, phối hợp, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế xanh tạo nên đặc trưng của thành phố môi trường; kiểm toán chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm và các mô hình quản lý tiên tiến khác…
Về công tác quản lý chất thải, thành phố cần các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư về tái chế và xử lý rác thải tại Đà Nẵng, đặc biệt đối với các loại như rác thải nhựa, rác thải thực phẩm; hợp tác, hỗ trợ thành phố trong công tác tuyên truyền, truyền thông về phân loại rác thải và thực hành phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố; xây dựng chuỗi quản lý rác tái chế bền vững hơn cho thành phố với sự tham gia của doanh nghiệp, cơ sở tư nhân liên quan đến hoạt động thu gom, phân loại, tái chế...
* Từ thực tiễn thực hiện đề án này từ năm 2008-2020 cho thấy, cộng đồng có vai trò và đóng góp rất quan trọng. Cộng đồng sẽ làm những gì để thực hiện đề án này trong giai đoạn 2021-2030?
- Vai trò, nhiệm vụ của cộng đồng là rất quan trọng và được cụ thể hóa trong 1 nhóm tiêu chí và 1 nhóm nhiệm vụ chính là tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Theo đó, duy trì các hoạt động hưởng ứng phong trào, mô hình bảo vệ môi trường trong toàn thể nhân dân, doanh nghiệp (phong trào Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp, Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...). Huy động, kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần...
Thành phố cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành thói quen, đi sâu vào nếp sống của mọi tổ chức, người dân và hướng tới thành phố sinh thái, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, đề án nhấn mạnh đến việc đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, người dân, doanh nghiệp về chất lượng môi trường, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Như vậy, đề án có thực hiện thành công hay không, ngoài nỗ lực thực hiện, còn được phản ánh thông qua kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, người dân, doanh nghiệp về chất lượng môi trường, công tác bảo vệ môi trường.
* Xin cảm ơn ông!
Hoàng Hiệp thực hiện