Với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden kích hoạt lại những ưu tiên cho vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), bàn cờ kinh tế và địa chính trị giữa các nước lớn những năm tới sẽ có nhiều thay đổi mang tính chất nền tảng. Khi Mỹ và châu Âu cùng hòa nhịp trong dàn hợp xướng BĐKH, Nga, Trung Quốc và các nước Trung Đông cũng sẽ có những toan tính của mình. Các nền kinh tế nhỏ, mới nổi như Việt Nam sẽ phải chuẩn bị như thế nào?
Tầm quan trọng của BĐKH
Qua các nghiên cứu, giới khoa học đã cảnh báo vấn đề BĐKH rất nghiêm trọng với nhân loại, cần nhanh chóng thực hiện “chuyển đổi xanh”.
Các nhà kinh tế cũng đưa ra viễn cảnh khác nhau về kinh tế thế giới và các nước bị ảnh hưởng BĐKH trong các kịch bản của mình: mức độ thiệt hại ít hay nhiều tùy thuộc vào các hành động. Còn công nghệ đã phát triển nhanh chóng các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi xanh là hoàn toàn khả thi.
Và vấn đề cốt lõi của BĐKH ảnh hưởng đến bàn cờ kinh tế và địa chính trị của các nước lớn, là năng lượng chuyển đổi từ việc sử dụng hóa thạch sang các dạng tái tạo. Đơn cử, đã từ lâu nguồn năng lượng của nhiều nước EU phụ thuộc vào Nga.
Vì thế, năng lượng luôn là lá bài tẩy hữu hiệu của Nga trong việc đàm phán với EU về nhiều vấn đề khác. Trước việc vào mùa đông năm 2006 và 2009, Nga ngưng cung cấp gas cho một số nước Đông Nam Âu, EU đã tập trung ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch chủ yếu từ Nga.
Nếu nhu cầu của EU và các nền kinh tế khác về năng lượng hóa thạch giảm, đây là thách thức rất lớn với Nga, vì nền kinh tế Nga hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu này.
Tương tự, Trung Quốc là nước nhập khẩu năng lượng hóa thạch nhiều, đồng thời chiếm hơn 1/4 lượng khí thải toàn cầu, nên việc thực hiện chuyển đổi xanh của các nước còn lại là thách thức lớn đối với Trung Quốc.
Sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc mấy chục năm qua có phần đóng góp lớn là chi phí môi trường thấp. Nếu thực hiện chuyển đổi xanh trong thời gian ngắn chi phí vô cùng tốn kém, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng. Chính vì vậy Trung Quốc đề nghị cân bằng khí thải vào năm 2060, đạt đỉnh vào năm 2030, trong khi EU thì lại muốn sớm hơn vào năm 2025.
Câu chuyện nữa và quan trọng nhất là Mỹ và đồng minh thân cận của mình ở Trung Đông là Ả-rập Xê-út. Mỹ có nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch lớn, nên việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không phải là lựa chọn sống còn của họ.
Ở vị thế hoàn toàn chủ động về năng lượng, từ tài nguyên, nguồn lực tài chính và công nghệ, Mỹ lệch về bên nào cán cân sẽ lệch về bên đó. Cái khó của Mỹ trong việc chuyển đổi năng lượng này là mối quan hệ với Ả-rập Xê-út, khi sợ rằng nếu nhu cầu dầu mỏ giảm, khó khăn sẽ đến với đất nước này, dẫn đến sự bất ổn định của cả khu vực Trung Đông.
Nếu coi Nga, Trung Quốc là một trục và trục còn lại là EU, Mỹ là yếu tố quyết định trong ván cờ năng lượng và chuyển đổi xanh này. Thật vậy, khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi cam kết COP21 Paris, các chuyển động của kinh tế xanh, năng lượng tái tạo đều bị chậm lại.
Chỉ với Tổng thống Joe Biden, các vấn đề này được hâm nóng, tăng tốc khi ông Biden tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trong 2 ngày, cũng như ký một số sắc lệnh quan trọng về kinh tế, ủng hộ kinh tế xanh.
Khi năng lượng tái tạo được thúc đẩy, giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng địa chính trị của các nước lên những tuyến đường vận tải quan trọng cũng thay đổi toàn diện. 2 thí dụ quan trọng nhất là tuyến vận chuyển qua eo biển Hormuz và eo biển Malacca.
Ảnh hưởng của các nước lớn trên thế giới một cách trực tiếp hay gián tiếp sẽ qua quyền kiểm soát 2 eo biển này. Vì vậy, nếu tầm quan trọng của 2 eo biển này giảm, chiến lược và sách lược của các nước lớn cũng thay đổi theo.
Các nước nhỏ làm gì để thích ứng?
Trong ván cờ của các nước lớn từ BĐKH, Việt Nam cần có chiến lược thu hút nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng phù hợp với định hướng của mình tương thích với kinh tế xanh. “Đừng bơi ngược những con sóng lớn” là nguyên tắc bất di bất dịch, càng đúng trong các vấn đề ngoại giao, kinh tế, và địa chính trị. Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế mới nổi khác dĩ nhiên đã thấy được những nước đi quan trọng của Mỹ gần đây.
Như vậy Mỹ sẽ “cùng chèo” với EU trong vấn đề BĐKH, năng lượng tái tạo do đó sẽ thay đổi rất nhiều lĩnh vực kinh tế liên quan đến năng lượng, khí thải.
Trung Quốc cũng đã thấy được vấn đề và có những nhượng bộ nhất định, nhưng vẫn giữ lại một số miếng đàm phán quan trọng. Trong đó, có thể kể đến là nguồn cung tấm năng lượng mặt trời, pin và một số nguyên liệu thô hiếm cần thiết cho một số lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Nhưng đây cũng không thể xem là con bài tẩy quan trọng, bởi điều này không giống khủng hoảng năng lượng những năm 1970. Khi nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn đột ngột, kinh tế rơi vào khủng hoảng lập tức.
Còn bây giờ, nếu Trung Quốc cắt đột ngột nguồn cung không thể gây ảnh hưởng thế giới được như vậy. Chưa kể, kinh tế Trung Quốc cần duy trì hoạt động liên tục, nếu gián đoạn từ trong nước sẽ tạo bất ổn lớn.
Vấn đề của các nước nhỏ như Việt Nam là sự lựa chọn và thích ứng. Trong việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ có 3 xu hướng: tiếp nhận công nghệ cũ từ các nước phát triển với phần bù rủi ro cao trong giai đoạn đầu, hoặc đầu tư để tham gia chuỗi giá trị mới, hoặc kết hợp cả hai. Trên cơ sở đó, sẽ có chiến lược thu hút nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng phù hợp với định hướng của mình.
Cụ thể, Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Nhưng trong số này, cần ưu tiên những doanh nghiệp xuất hàng đi EU hay Mỹ, vì họ đã biết cần làm gì để vào EU, Mỹ. Về thu hút nhà đầu tư EU hay Mỹ, các chuẩn bị để tương thích với kinh tế xanh, năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, Việt Nam có lẽ nên lựa chọn phương án “quá độ”, nghĩa là vừa đầu tư để tham gia chuỗi giá trị mới do EU và Mỹ dẫn dắt, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực của các dự án thế hệ cũ nhưng mang lại lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.
TS. Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global