Với tỷ lệ che phủ rừng đạt 68%, quảng bình tự hào là địa phương xếp thứ hai cả nước.
Nhưng phải đến lúc đặt chân lên khu Dự trữ thiên nhiên (khu DTTN) Động Châu - Khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy, ngắm thảm rừng nguyên sinh trùng điệp với độ che phủ đạt 98%, cảm giác tự hào mới thật sự ngập tràn trong tim. nếu ví rừng Động Châu - Khe Nước Trong như một thực thể sống, thì hàng nghìn loài động, thực vật chính là "trái tim" của rừng. và những người giữ rừng, với tất cả tình yêu và trách nhiệm, đang mỗi ngày giữ cho "trái tim" ấy nhịp đập mạnh mẽ, khỏe khoắn, để rừng ngày càng thêm xanh!
Dưới tán rừng "thường xanh"
“Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, giáp với biên giới Việt - Lào và Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Khu DTTN Động Châu - Khe Nước Trong là một trong những khu vực có diện tích rừng tự nhiên liên tục rộng lớn nhất ở Việt Nam và chỉ còn thấy tồn tại ở một số khu vực dọc biên giới Việt - Lào. Đặc biệt, khu vực này còn bảo tồn được một diện tích lớn kiểu rừng nhiệt đới thường xanh còn tính chất nguyên sinh trên vùng đất thấp. Kiểu rừng này đã trở nên rất hiếm ở Việt Nam do bị tác động mạnh và đã bị thu hẹp ở các vùng khác; là một trong những khu vực có giá trị cao về đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn, được nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đánh giá cao”.
Đó là một đoạn trích trong nội dung báo cáo của Ban Quản lý Khu DTTN Động Châu - Khe Nước Trong tại buổi làm việc với đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng vào cuối tháng 2/2021. Trước buổi làm việc, đoàn công tác đã đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến tận điểm tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị để ngắm nhìn thảm rừng dày với nhiều sắc màu đan xen nhau.
Trên nền xanh không đồng nhất của khu rừng, lộc non phớt đỏ xen lẫn mầm xanh nhú lên trong nắng. Vài loài cây rụng lá vươn cành in lên nền trời ngày mùa xuân cùng những bông hoa rừng không biết tên, đã tạo nên những bức họa lớn giữa thiên nhiên.
Giải thích về rừng “thường xanh”, đồng chí Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, rừng “thường xanh” là một thuật ngữ chuyên môn để chỉ những khu rừng bốn mùa xanh màu cây lá. Sự đa dạng của rừng nguyên sinh với hàng nghìn loài thực vật có đặc điểm sinh trưởng khác nhau đã tạo nên rừng “thường xanh”. Khi loài này rụng lá, loài kia đang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, loài nữa đang ra hoa, kết trái... Nhờ thế, nên rừng Động Châu - Khe Nước Trong “thường xanh” dù ở bất cứ mùa nào.
Được che chở bởi những khu rừng “thường xanh” với hàng nghìn loài cây bản địa, trong đó có nhiều cổ thụ cùng với độ cao từ 700m đến 1.000m so với mực nước biển, nhiệt độ ở rừng Động Châu - Khe Nước Trong chênh lệch rõ nét với nhiệt độ ở đồng bằng huyện Lệ Thủy. Từ trạm bảo vệ rừng Cầu Khỉ, chúng tôi bắt đầu hành trình len lỏi dưới tán rừng, ngược suối về nơi khởi nguồn của Khe Nước Trong. Đúng như tên gọi, nước lòng khe trong vắt, mát lạnh, soi rõ từng hòn cuội nhỏ. Sau chừng 30 phút đi bộ và lội suối, chúng tôi được chiêm ngưỡng gốc Trường cổ thụ vươn cao tỏa bóng xuống một vùng rừng rộng lớn.
Có lẽ, hầu hết thành viên đoàn công tác đều chưa từng bắt gặp gốc cổ thụ lớn như thế bao giờ. Nên vừa chụp ảnh, mọi người vừa ước lượng về độ lớn và chiều cao của cây. Bức ảnh 9 người nắm tay nhau chỉ vừa đủ một mặt của gốc cây là bức ảnh đáng nhớ nhất trong chuyến đi bởi những di sản của rừng Động Châu - Khe Nước Trong và niềm tự hào lan tỏa trong trái tim mỗi người.
Dưới tán rừng "thường xanh" Động Châu - Khe Nước Trong là thế giới kỳ thú của hàng nghìn loài động, thực vật, cả thảm lá dưới chân cũng tỏa ra thứ mùi ngai ngái mát lành, tiếng muông thú gọi nhau cũng bình thản, an nhiên bởi chúng đang được sống trong sự bảo vệ nghiêm ngặt và tình yêu của những người giữ rừng.
Chuyện của người giữ rừng
Với tổng diện tích trên 22.128ha thuộc 26 tiểu khu, tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị và nước bạn Lào, Khu DTTN Động Châu - Khe Nước Trong được bố trí 5 trạm bảo vệ rừng và 6 tổ chốt. Nếu các trạm bảo vệ rừng nằm trên đường Hồ Chí Minh thì các tổ chốt phải nằm sâu trong rừng. Với 23 cán bộ, bình quân mỗi trạm, chốt bảo vệ rừng chỉ 2 người.
Mỗi tổ, chốt bảo vệ rừng sẽ luân phiên nhau trực mỗi ca từ 7 đến 10 ngày, mỗi người chỉ được nghỉ 4 ngày/tháng. Hầu hết thời gian trực và tuần tra ở giữa rừng sâu, nơi điều kiện sinh sống rất vất vả và nguy hiểm. Hành trang mang theo của người giữ rừng là đầy đủ những vật dụng cá nhân nhưng luôn đơn sơ, gọn gàng để có thể cơ động lên đường bất cứ lúc nào.
Với lòng yêu rừng, tâm huyết với nghề, họ đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Rừng Động Châu - Khe Nước Trong được bảo vệ an toàn. Đơn vị đã thực hiện hiệu quả các phương án, kế hoạch tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng; phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi khai thác gỗ nhóm I và săn bắt động vật rừng.
Năm 2020, đơn vị tổ chức 72 đợt tuần tra truy quét, mỗi đợt dài 5 ngày, phát hiện 49 tuyến bẫy, tháo gỡ, thu gom 3.374 bẫy các loại; phối hợp với Hạt kiểm lâm Lệ Thủy tuần tra, kiểm tra phát hiện 6 vụ không có chủ nhận với khối lượng 8,58m3 gỗ. Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân nắm và hiểu được tầm quan trọng của rừng nói chung và rừng Động Châu - Khe Nước Trong nói riêng để chung tay gìn giữ.
Những năm qua, việc nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học bước đầu được thực hiện với việc đặt bẫy ảnh, ghi nhận, thống kê, khái quát về loài động, thực vật phân bố trong khu vực, trong đó, có nhiều loài quý hiếm, như: gà lôi lam mào trắng, sao la...
Không để lại gì ngoài những dấu chân
"Không để lại gì ngoài những dấu chân, không mang gì về ngoài những bức ảnh đẹp” là câu slogan quen thuộc của những người yêu và có trách nhiệm với thiên nhiên. Trong hành trình về với rừng Động Châu - Khe Nước Trong, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã nhắc lại câu slogan này như một lời hứa của cán bộ và nhân dân Quảng Bình với rừng nói chung, Khu DTTN Động Châu - Khe Nước Trong nói riêng.
Cùng với việc chụp rất nhiều hình ảnh, nắm thông tin về Khu dự trữ, chúng tôi đã được trải nghiệm những cảm giác tuyệt vời khi được dạo bước dưới tán rừng nguyên sinh tịch mịch, ngắm cây rừng trổ hoa, chồi non phớt hồng lung linh trong nắng hay những cội cây già trầm tư bên bờ suối. Lắng nghe câu chuyện của những người giữ rừng, chúng tôi càng khâm phục sự nỗ lực cố gắng và tình yêu của họ dành cho rừng để có thể giữ được màu xanh bền bỉ. Nhờ những khu rừng "thường xanh'', so với các tỉnh trong khu vực, Quảng Bình ít bị ảnh hưởng bởi sạt lở, đặc biệt là trong đợt mưa lũ tháng 10-2020.
Với tỷ lệ che phủ 98%, sự đa dạng sinh học và phong cảnh tuyệt đẹp của rừng Động Châu - Khe Nước Trong, nơi đây hứa hẹn là điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm lý tưởng. Dù chỉ mới thành lập từ tháng 6/2020 và phải đối mặt với nhiều khó khăn của giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan” nhưng những gì Ban quản lý Khu DTTN Động Châu - Khe Nước Trong làm được đã đã mở ra những kỳ vọng mới cho rừng nơi đây.
Chia sẻ với những khó khăn của những người giữ rừng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đồng thời gửi lời cảm ơn những đóng góp quan trọng của họ để “trái tim" của rừng tiếp tục đập những nhịp đập mạnh mẽ, khỏe khoắn, để rừng Động Châu - Khe Nước Trong giữ được màu xanh nguyên sinh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh và các sở, ban, ngành sẽ đồng hành, hỗ trợ Ban quản lý Khu DTTN Động Châu - Khe Nước Trong thực hiện những kế hoạch dài hơi, như: quy hoạch đề án du lịch sinh thái; điều tra nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học; làm giàu đa dạng sinh học trên diện tích bị suy thoái sinh học; xây dựng mô hình phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm; xây dựng trung tâm cứu hộ và tái thả động vật hoang dã... cùng nhiều hoạt động quan trọng khác nhằm bảo vệ an toàn cho rừng Động Châu - Khe Nước Trong, giữ gìn di sản cho thế hệ tương lai.
Bài: Diệp Đồng - Ảnh: Diệp Đồng - Viet Nature
Thiết kế & Đồ họa: Xuân Hoàng