Hà Tĩnh: Vườn Quốc gia Vũ Quang - nơi “hồi sinh” động vật hoang dã

Cập nhật: 13/05/2021
“Chúng tôi luôn nỗ lực để những cá thể động vật hoang dã được chăm sóc, cứu hộ ở đây có điều kiện, sức khoẻ tốt nhất trước khi đưa chúng về môi trường tự nhiên” – Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ khẳng định.

Trong lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang

Năm 2020, Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang tiếp nhận 551 cá thể động vật hoang dã do các tổ chức và cá nhân bàn giao để cứu hộ và phục hồi bản năng tự nhiên nhằm tái thả chúng trở lại với thiên nhiên.

4 tháng đầu năm 2021, vườn cũng đã tiếp nhận 23 cá thể động vật hoang dã từ các cá nhân đã bắt được ngoài tự nhiên hoặc nuôi với mục đích làm thú cưng, làm cảnh, hoặc những mục đích khác.

Gia đình ông Phan Văn Túc, trú tại TDP Hợp Tiến, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh vừa tự nguyện giao nộp cho Vườn Quốc gia Vũ Quang 1 cá thể khỉ đuôi lợn có trọng lượng khoảng 5kg để chăm sóc, cứu hộ

Những con số thống kê trên cho thấy việc nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã còn diễn ra ở nhiều nơi dưới các hình thức và mục đích khác nhau. Tuy nhiên, vì mục đích gì thì việc nuôi nhốt cũng là nguy cơ chủ yếu cho sự suy giảm quần thể các loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên đồng thời tạo nên mối nguy hiểm tiềm tàng cho con người.

Giám đốc VQG Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ cho biết, hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động vật nguy cấp quý hiếm đã được đơn vị triển khai một cách sâu rộng thông qua các kênh truyền thanh, báo chí, các cuộc họp dân… hướng tới nhiều đối tượng như cộng đồng dân cư vùng đệm, các em học sinh... đã có những kết quả rõ rệt.

Trong 3 năm trở lại đây, gần 800 cá thể động vật nguy cấp quý hiếm được người dân và các cơ quan chức năng lựa chọn VQG Vũ Quang là địa điểm tin cậy để gửi chăm sóc, theo dõi trước khi tái thả về môi trường tự nhiên.

Những động vật thuộc nhóm IB như: Khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, vượn đen má trắng, khỉ vàng, cu li nhỏ, cầy vòi mốc, cầy vòi hương, rùa hộp trán vàng, rùa núi viền… đã được đưa về vườn chăm sóc, theo dõi trước khi thả về tự nhiên.

VQG Vũ Quang tổ chức hoạt động ngoại khóa giáo dục môi trường cho các em học sinh các trường: THCS Phan Đình Phùng, Tiểu học - THCS Sơn Thọ, Tiểu học - THCS Quang Thọ (Vũ Quang).

Theo ông Trần Đình Anh - chuyên gia chăm sóc, cứu hộ động vật của vườn, những cá thể hoang dã bị nuôi nhốt thường thay đổi tập tính và gây nên những nguy cơ tiềm tàng cho người nuôi. Do không được ở trong môi trường sống tự nhiên nên con vật bị căng thẳng, trở nên hung dữ hoặc buồn bã, và chúng sẵn sàng tấn công bất cứ ai, kể cả người nuôi chúng.

“Động vật hoang dã cũng tiềm tàng nguồn gây bệnh cho con người do tiếp xúc với chúng. Nhiều bệnh từ động vật hoang dã đã trở thành đại dịch mà điển hình là dịch Covid - 19. Vì vậy, chúng ta cần chung tay bảo vệ và đưa động vật hoang dã về với thiên nhiên nơi mà chúng được sinh ra và phát triển khỏe mạnh để duy trì sự phong phú, đa dạng của các loài sinh vật trong môi trường tự nhiên” – ông Anh cho hay.

Trăn gấm (Python reticulatus) nặng 7kg, dài 1,6m được VQG Vũ Quang chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên

Việc hợp tác, phối hợp trong công tác cứu hộ, tái thả động vật hoang dã với các tổ chức, các VQG khác trên cả nước thời gian qua cũng được VQG Vũ Quang thực hiện nhằm tạo hiệu quả trong công tác bảo tồn như: Phối hợp với Trung tâm cứu hộ và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng liên – Lào Cai) tiến hành khảo sát và tái thả 12 cá thể linh trưởng vào khu vực VQG Vũ Quang; chuyển giao cá thể cò mỏ thìa quý hiếm cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) để tái thả về vùng phân bố; chuyển giao cá thể già đẩy Java cho Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) hay bàn giao cá thể vượn đen má trắng cho Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).

Ông Nguyễn Danh Kỳ (bên phải) - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang tham dự hội nghị và nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN cho Vườn Quốc gia Vũ Quang từ hội đồng AHP. (Ảnh chụp tháng 10/2019)

Những nỗ lực của cán bộ, nhân viên VQG Vũ Quang trong việc cứu hộ, tái thả động vật hoang dã đã làm phong phú, “dày” thêm hệ sinh thái, động thực vật của một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, xứng danh là “Vườn di sản ASEAN”.

Chà vá chân nâu được mệnh danh là nữ hoàng linh trưởng đang bị săn bắt ở mức độ cao tại Vườn Quốc gia Vũ Quang

Bá Tân – Sang Trang

Nguồn: Báo Hà Tĩnh