Giữ xanh “đảo ngọc” Cù Lao Chàm - Bài 1: Chuyện ở miền Cù Lao

Cập nhật: 13/05/2021
“Ta đem lòng yêu biển Từ thuở nằm trong nôi Rì rào lời mẹ kể Là tiếng sóng ru hời Ta uống từng giọt mặn Từ bầu sữa biển trời Giọt muối nào đằm thắm Trong lời cha ra khơi…” (Thơ Đỗ Hương).

Có những người con của biển suốt cuộc đời sinh ra, lớn lên chỉ quẩn quanh bên chân sóng, chưa từng vượt “biên giới làng”. Hạnh phúc, mưu sinh, nhọc nhằn, yêu thương… cũng gắn liền với biển. Từ hoang sơ, biển đã bao dung nuôi dưỡng con người. Và họ yêu biển như yêu mẹ từ trong tiềm thức…

Cù Lao Chàm - đảo xanh không rác thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

Mỗi cư dân là một nhà bảo tồn

Cách đô thị cổ Hội An khoảng 15 hải lý về phía Đông, Cù Lao Chàm nổi tiếng là hòn đảo với cảnh sắc thiên nhiên thuần phác, nguyên sơ. Chuyện Cù Lao Chàm giữ đảo xanh, tôi đã nghe nhiều, nhưng lần đầu tiên tôi biết mỗi ngư dân, cư dân của đảo đều là những nhà bảo tồn qua lời kể của lão ngư Nguyễn Liền.

Cũng như hàng nghìn làng chài dọc bờ biển dài hơn 3.000 cây số của nước ta, ngư dân ở Cù Lao Chàm mưu sinh chủ yếu bằng nghề biển. Do thuyền nhỏ nên người dân ở đây chỉ đánh bắt gần bờ. Lượng hải sản cứ thế mà trở nên cạn kiệt, nhiều người dân còn lấy san hô lên đất liền để bán làm đá vôi. “Biển bạc” mất dần cá và “bạc bẽo” trở lại với con người.

Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước. “Giờ đến con cua cũng được ngư dân nâng niu, có bắt được mà còn nhỏ cũng được thả về với tự nhiên” - lão ngư Nguyễn Liền kể. 

Vừa dẫn chúng tôi về homestay của gia đình, lão ngư Nguyễn Liền khoe từ ngày làm du lịch, nỗi niềm phải luôn bám biển quanh năm bằng mọi giá để mưu sinh đã vơi nhẹ bớt trong mỗi gia đình các ngư dân nơi đây. Hồi chính quyền vận động chuyển vùng đánh bắt ra khỏi bãi san hô, bà con ai cũng lo lắng rồi từ đây sẽ mưu sinh bằng gì? Rồi khi mô hình du lịch sinh thái cộng đồng được đưa ra, bà con cũng dè dặt liệu họ có làm được không, bởi quanh năm bám biển, chỉ biết con tôm, con cá, những kỹ năng hoạt động du lịch mới mẻ như nấu ăn, giao tiếp… lạ lẫm quá! Vậy mà thấm thoát cũng chục năm, mỗi người dân ở Cù Lao Chàm giờ đã trở thành những sứ giả du lịch thuần hậu, làm lan tỏa vẻ đẹp và giá trị của biển quê hương.

Mùa hè, những sứ giả này đưa khách đi tham quan đảo; mùa đông, họ lại trở về vai ngư dân đánh bắt cá ở ngoài bãi san hô theo quy định. Con cá có thời gian, có rạn để sinh sản, đến khi đã lớn thì bơi ra ngoài, lúc đó ngư dân có thể đánh bắt. Sản lượng cá vì vậy năm nào cũng “ngon lành”.

Với người dân Cù Lao Chàm, việc dùng túi cước, hay bao xác rắn... để đi chợ đựng thực phẩm đã trở thành thói quen thường nhật

Bây giờ, hỏi bất kỳ ngư dân kiêm lái tàu du lịch nào, ai ai cũng nắm rõ từng cột mốc khu vực cấm đánh bắt, từng bãi san hô cần được nâng niu. Trước đây, nhiều người vi phạm, có người vi phạm bị phạt tới 5 - 7 triệu đồng. Bữa nay thì ai cũng hiểu nhờ sự bảo tồn này mà hàng trăm hộ dân Cù Lao Chàm đều kiếm được chén cơm manh áo. Như người làm nông phải cấy cày vất vả, chăm cây, bón đất thì mới có ngày cho quả ngọt, ngư dân bám biển cũng phải cho biển có khoảng thời gian hồi sinh để gieo “mầm sống” cho những vụ thu hoạch sau.

“San hô giống như loại cây cảnh lâu năm. Một năm sinh trưởng chỉ được một vài cm. Nếu san hô chết, sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể phục hồi như trước. Mà khi san hô chết thì những loài sinh vật cư trú trong các rặng san hô do bị nhiễm độc cũng chết theo. Làm gì còn biển mà đánh bắt với làm du lịch. Vậy nên giữ gìn san hô và đánh bắt theo kỳ là cách giữ biển tốt nhất mà người dân chúng tôi đang thực hiện”. Thông thạo như một nhà bảo tồn sinh vật biển, câu nói của lão ngư Nguyễn Liền khiến mọi người đều ngỡ ngàng.

Cù lao không túi ni lông

Cù Lao Chàm mùa này, nước biển xanh trong đến tận đáy, cát trắng trải dài và gió thổi lồng lộng mang vị mặn mòi của biển. Dạo một vòng quanh đảo, từ bãi Ông đến bãi Làng, từ bến tàu, âu thuyền đến những bãi tắm đông người vẫn sạch bóng, chỉ có cát trắng biển xanh, sóng vỗ lao xao đêm ngày.

Bước đến thôn bãi Làng, tôi dừng ở tiệm bánh Cô Hương - một tiệm làm bánh su sê lâu đời ở đảo. Khách hàng mua bánh sẽ được chủ hàng đựng vào túi giấy báo tự làm. Cả tiệm bánh không có chiếc túi ni lông nào. Cứ thế mà ký ức chợ quê chợt ùa về trong tôi. Lá chuối gói muối hạt, gói kẹo đậu phộng, bánh ít sắn... Mỗi một gói lá chuối mà chúng tôi mở ra đều chứa đựng bao yêu thương đong đầy của mẹ. “10 năm nay, người dân ở đây không sử dụng túi ni lông nữa. Lá chuối, lá bàng, túi báo đều được tận dụng để bảo vệ môi trường” - chị Nguyễn Thị Hương - chủ tiệm bánh chia sẻ.

Các bạn trẻ trên đảo gấp túi giấy, báo cũ để thay thế túi ni lông

Quả thật, ghé thăm chợ nhỏ Tân Hiệp, có “vạch lá tìm sâu” chúng tôi cũng không tìm ra được chiếc túi ni lông nào. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ cô bán rau đến chị bán cá, cả những sạp hàng bánh ít lá gai, bánh su sê đặc sản đất Quảng ở Cù Lao Chàm ai ai cũng cầm trên tay những chiếc túi giấy, túi lưới, túi lát đủ kích cỡ. Và, trẻ em ở Cù Lao Chàm rảnh tay, thay vì chơi đùa, các em đều phụ cha mẹ gấp túi giấy dự trữ vào những ngày cuối tuần. Nói không với túi ni lông đã không còn là khẩu hiệu, trên panô mà đã ăn sâu vào nếp nghĩ, hành động của người dân nơi đất đảo một cách tự nhiên.

Bàn tay của tạo hóa đã ưu đãi cho Cù Lao Chàm mang trong mình sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây càng làm cho Cù Lao Chàm trở nên quyến rũ và mê hoặc du khách hơn. Trước thời gian năm 2009, khách du lịch tới đảo đạt khoảng 32.000 người một năm, nhưng gần 10 năm nay, lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm luôn đạt từ 3.000 - 4.000 người/ ngày (trừ thời điểm dịch Covid-19), thu nhập của người dân cũng vì thế được cải thiện hơn.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An không giấu niềm tự hào khi được hỏi về “xã đảo nói không với túi ni lông”: “Tất cả là nhờ sự đồng lòng của cán bộ xã đảo cũng như sự ủng hộ từ mỗi người dân. Tân Hiệp hiện tại là địa phương cấp xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh. Thời gian tới, bên cạnh việc hướng đến không sử dụng phát nhựa dùng một lần. Chúng tôi còn đang tính đến việc tái chế rác nhựa không sử dụng được ở Cù Lao Chàm đưa nơi đây trở thành đảo không rác” - ông Hùng cho hay.

Trong từ điển Tiếng Việt, danh từ “cù lao” có hai nghĩa khác nhau. Một nói về hình thái địa lý, một là nói về tình cảm con người. “Cù lao” nghĩa là khoảng đất nổi lên ở giữa nước biển hoặc nước sông. Ngoài ra, “cù lao” còn có nghĩa là công nuôi dưỡng vất vả của cha mẹ. Như trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: “Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?”. Vậy nên, tôi ghép cả 2 nghĩa này cho Cù Lao Chàm là “Ốc đảo yêu thương”. Ở Cù Lao Chàm, những người con của biển luôn ngập tràn yêu thương, trân quý quê hương, đoàn kết, cùng nhau xây dựng nên một “đảo ngọc” hoang sơ và thanh bình.

Trần Lan Anh (P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng)

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường