Người dân Hà Tĩnh nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã

Cập nhật: 18/05/2021
Nạn săn bắt và buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã tại Hà Tĩnh thời gian qua đã làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều giống, loài quý hiếm, đồng thời gây mất cân bằng sinh thái và môi trường sống.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các hoạt động, quyết tâm bảo vệ, thúc đẩy quản lý bền vững các loài động vật. Đặc biệt, nhờ ý thức tự nguyện giao nộp của người dân, nhiều loài thú quý hiếm đã được thả về với môi trường sống tự nhiên.

Những hành động nhỏ

Từ năm 2018 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận được 6 động vật quý hiếm, gồm 5 cá thể khỉ và 1 cá thể rùa do người dân tự nguyện giao nộp. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận 2 cá thể khỉ đuôi lợn và khỉ mốc của gia đình ông Lê Quang Hòa (thôn Yên Trung, xã Tân Lâm Hương) và chị Trần Thị Phương (thôn Liên Phố, xã Thạch Hội).

Theo đó, ngày 23/3/2021, trong lúc đang làm vườn, ông Lê Quang Hòa (thôn Yên Trung, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) phát hiện và bắt được một con khỉ đuôi lợn. Thông tin này nhanh chóng được nhiều người biết đến và đưa ra mức giá từ 4 - 10 triệu đồng để mua lại. Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm, mọi cuộc thương thảo đều bất thành khi ông Hòa tuyên bố sẽ giao nộp chú khỉ cho ngành chức năng để thả về với môi trường tự nhiên.

Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà và các ngành chức năng đã xác định cá thể khỉ đuôi lợn nặng 9 kg, thuộc nhóm động vật nguy cấp quý hiếm nên đã bàn giao cho Vườn Quốc gia Vũ Quang để thả về thiên nhiên hoang dã. Tại thời điểm bàn giao, cá thể khỉ có sức khỏe ổn định.

Ngư dân Võ Quang Hoà thả rùa biển quý hiếm về môi trường tự nhiên (Ảnh Phan Trâm)

Tiếp đó, rạng sáng ngầy 27/3, trong khi thả lưới ở vùng biển Cửa Nhượng, ngư dân Võ Quang Hoà (thôn Đông Tây Xuân, xã Cẩm Hà, Cẩm Xuyên) đã bắt được một con rùa biển quý hiếm. Anh Hoà đã liên hệ với chính quyền địa phương để thả con rùa biển về với môi trường tự nhiên. Theo cơ quan chức năng, con rùa biển nặng 5,2 kg, mai màu đỏ, dưới bụng màu vàng, là động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Bên cạnh việc bắt được động vật hoang dã và tự nguyện giao nộp lại thì còn có người bỏ tiền mua lại thú rừng từ những kẻ chuyên săn bắt để giao nộp cho lực lượng kiểm lâm. Đơn cử như năm 2018, trên đường đi làm về, anh Nguyễn Đình Tuệ (trú phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) phát hiện một người dân đang bán một cá thể khỉ vàng (thuộc nhóm 2B) với giá 2 triệu đồng nên đã mua để giao nộp lại cho lực lượng kiểm lâm.

Mang ý nghĩa lớn

Việc tự nguyện giao nộp động vật hoang dã về môi trường tự nhiên của người dân đã góp phần quan trọng vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 560 cá thể gồm khỉ, rùa, trăn… từ người dân. Trong số những cá thể người dân tự nguyện giao nộp, có rất nhiều động vật mang giá trị cao về mặt kinh tế. Điều đó cho thấy, khi ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân ngày càng được nâng cao, công tác tuyên truyền càng đạt hiệu quả”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật rừng, động vật hoang dã nguy cấp luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm, thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, nhận thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ động vật hoang dã ngày càng được nâng lên. Năm 2019 đến nay, đơn vị đã tổ chức 68 lượt giao nhận giữa người dân với lực lượng kiểm lâm và chủ rừng với tổng số 625 cá thể; trong đó có 97 cá thể là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, IIB, như voọc, khỉ, cu li, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, trăn gấm, rắn hổ chúa, chim già đẫy, chim cò mỏ thìa, đại bàng, rùa; 528 cá thể động vật hoang dã thông thường như hon, dúi, chim chào mào...

Bảo Bình - Nguyên Hồng

Nguồn: Tạp chí Môi trường