Đà Nẵng, 1 trong 3 địa phương của cả nước sẽ tham gia Dự án “Đô thị giảm nhựa”, đặt mục tiêu năm 2022, giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa. Đặc biệt xây dựng 1 mô hình thí điểm “Chợ không sử dụng túi nilon” - mô hình đang nhận được rất nhiều kỳ vọng để tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hành động nói không với túi nilon.
Đi chợ trong dịch Covid-19.
Một chiếc làn cỏ - loại bỏ túi nilon
4 năm nay, Thùy Dung, một cô gái trẻ đang sống tại Hà Nội đã không sử dụng túi nilon mà thay vào đó là một chiếc làn cói vừa thời trang vừa bền chắc. Dung cũng là chủ một dự án có tên rất ngắn gọn là “Làn”. Gần 1 năm hoạt động với gần 10.000 chiếc làn được bán ra đã giúp môi trường bớt phải gánh chịu hàng trăm nghìn túi nilon. Theo lời Dung, dù việc kinh doanh hiện nay vẫn chỉ ở mức lấy công làm lãi, nhưng em – một người trẻ vẫn tiếp tục cần mẫn thực hiện dự án vì tâm niệm, khi một sản phẩm đã gắn bó với cuộc sống thường ngày của mọi người, việc lan tỏa tinh thần sống xanh sẽ trở thành điều tự nhiên, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Hiện nay, tính trung bình mỗi hộ gia đình thải ra khoảng 2 túi nylon mỗi ngày đồng nghĩa với việc môi trường phải gánh chịu hàng triệu túi nylon. Thịt, cá, dưa, cà, mắm, muối…vạn thứ đều có thể đựng bằng túi nilon. Chỉ từ 40-50.000đồng/1kg túi nilon, nên nó được miễn phí cho người mua hàng. Và trung bình một người đi chợ mỗi ngày sẽ phải sử dụng ít nhất là 5 túi nilon. Tiện lợi, không mất phí – đó chính là lý do túi nilon xuất hiện mọi lúc, mọi nơi cùng với đó là những hệ lụy khôn lường cho môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Chính vì thế, những mô hình, những dự án “nói không với túi nilon” đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Mô hình nói không với túi nilon đã gây được ấn tượng rất mạnh tại Chợ Nhớn (TP Bắc Ninh) nơi có khoảng 270 tiểu thương kinh doanh. Mỗi gian hàng trong chợ đều trưng biển “Tại đây không sử dụng túi nilon”, “Khuyến khích khách hàng tự mang hộp đựng đồ ăn”... Mặc dù khi kinh doanh, ai cũng muốn coi khách hàng là thượng đế, tuy nhiên, những tiểu thương ở đây cho biết họ coi sức khỏe và việc gìn giữ môi trường là quan trọng nhất. Mặc dù khi nói không với túi nilon họ sẽ chịu không ít thiệt thòi bởi không phải người tiêu dùng nào cũng chia sẻ với hành động bảo vệ môi trường này. Nhưng, họ vẫn chấp nhận và tin rằng, dần dần ý thức của người dân sẽ được nâng lên.
Thời gian qua, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng nói không với túi nilon bằng cách mang theo làn nhựa, hộp nhựa để đựng thực phẩm khi đi chợ thay vì sử dụng túi nilon như mọi khi. Để động viên các hội viên tham gia và triển khai mô hình “Đi chợ không túi nilon”, các cán bộ Hội phụ nữ ở địa phương tích cực tuyên truyền sâu rộng đến phụ nữ và nhân dân về tác hại của túi nilon đối với sức khỏe, môi trường sống.
Song song với tuyên truyền là việc tặng làn nhựa cũng như vận động chị em hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày, thay vào đó là nên dùng làn, hộp nhựa khi đi chợ; đồng thời, thực hiện tốt việc phân loại rác thải, tái sử dụng túi nilon…
Rác thải nhựa đủ để phủ kín 4 lần diện tích trái đất
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện mỗi năm trên toàn thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ chai nhựa, hơn 500 tỷ túi nilon. Lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín gấp 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương.
Tình trạng sử dụng túi nilon một cách dễ dãi, không kiểm soát, không chỉ gây lãng phí mà còn tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý rác thải và ảnh hưởng nặng nề, lâu dài tới môi trường mà còn gây hại cho chính sức khỏe của mỗi người. Mỗi sản phẩm từ nhựa cần từ 100 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Trong khi chờ các sản phẩm này phân hủy con người sẽ phải sống cùng rác thải nhựa và đưa các chất độc hại từ nhựa thông qua chuỗi thức ăn. Thực phẩm được đựng trong các túi nilon, các hộp nhựa tái chế thì hóa chất từ các túi, hộp đó sẽ thôi nhiễm vào thức ăn sau đó được hấp thụ vào cơ thể con người. Theo thời gian, các hóa chất này có thể gây ưng thư, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe.
Còn khi rác thải nhựa, nilon được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc. trong đó có dioxin và furan - những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là gây ung thư khi phơi nhiễm thường xuyên. Ngoài ra, khi túi nilon thải ra môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng với nguồn đất, nguồn nước và đối với hệ thủy sinh.
Mặc dù gây hại cho cả môi trường và sức khỏe con người nhưng ý thức, thói quen dùng túi nilon, đặc biệt là túi nilon dùng 1 lần của người tiêu dùng chưa có sự cải thiện. Một phần là do giá thành rất rẻ, trong khi đó túi nilon thân thiện với môi trường thì đắt hơn và bất tiện cho sử dụng.
Để giảm thiểu thấp nhất việc thải túi nilon cũng như rác thải nhựa ra môi trường có lẽ còn quá nhiều việc phải làm. Nhưng trước hết hãy bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa và túi nilon hàng ngày. Và những phiên chợ “Nói không với túi nilon” là một cách làm rất hay.
Ngọc Anh