Tháng 5, gió cao nguyên lồng lộng. Chúng tôi có chuyến trở về những buôn làng trên miền đất nam Tây Nguyên, mang theo biết bao cảm xúc tươi mới. Những vùng đất ngày xưa nhuốm màu cỏ úa, giờ đã dệt những miền xanh thanh bình và ấm áp.
Ðồng bào các dân tộc nam Tây Nguyên cùng vui trong một ngày hội buôn làng.
Gần 500 già làng, người có uy tín trong các dân tộc anh em năm tỉnh Tây Nguyên đã tham dự Ðại hội Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, tháng 3-2006, tại Gia Lai. Hướng tới tương lai tươi sáng của Tây Nguyên và của đất nước, đại diện đồng bào các dân tộc trên miền đất bazan, các đại biểu đã thể hiện ý chí và nguyện vọng qua “quyết tâm thư”, như kim chỉ nam cho các hoạt động.
“Quyết tâm thư của Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên à, mình còn nhớ mà. Qua các ngày hội lớn của buôn làng, ngày hội đại đoàn kết hằng năm, mình đều đọc cho bà con buôn làng nghe. Ðọc cả lời dạy của Bác Hồ về tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em nữa”, già làng K’Diệp, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, Lâm Ðồng, bày tỏ. Theo già làng K’Diệp, trong quyết tâm thư có nội dung mà bà con ở các buôn làng luôn ghi nhớ: Ðồng bào các dân tộc Tây Nguyên bày tỏ niềm tin son sắt và mãi mãi đi theo con đường mà Ðảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn như mãi mãi đi theo ánh sáng mặt trời. Quyết tâm ghi tạc và nguyện thực hiện tốt nhất lời dạy của Bác Hồ: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Dải núi Ðăng PòtCàl, Ðăng Trinh dệt những miền xanh, ôm ấp những buôn làng người Mạ, Cơ Ho... Trong mạch nguồn câu chuyện, già K’Diệp nói: “Cách nay chừng mươi, mười lăm năm, xã Lộc Bắc còn nghèo khó lắm, cuộc sống bà con chủ yếu nhờ lộc rừng. Ðược sự quan tâm của Ðảng, nhà nước và sự đồng lòng của bà con buôn làng, giờ xã sắp cán đích nông thôn mới rồi, vui lắm. Quyết tâm thư nói rồi: “Người Tây Nguyên thề trước thần linh và trời đất, nguyện cùng đồng bào cả nước mãi mãi gìn giữ trọn vẹn và làm giàu vùng đất thiêng của Tổ quốc”.
Nam Tây Nguyên nắng vàng mật, xuyên qua những cánh rừng già trên quốc lộ 27, chúng tôi có chuyến trở về với huyện “30a” Ðam Rông, Lâm Ðồng. Không biết từ bao giờ, ở xứ sở quanh co nối dài những buôn xa, người Cơ Ho, Mnông… đã quần tụ sinh sống. Giờ đây, từ đỉnh núi xa, đã thấy mầu xanh của cà-phê, cây ăn trái, lúa nước ôm trọn những buôn làng. Xứ “nghèo chồng nghèo” một thuở đã đổi thay mạnh mẽ bên dòng Krông Nô huyền thoại.
Ðường về xã Ðạ K’Nàng đã trải nhựa lâu rồi. Trong ngôi nhà truyền thống, già làng Kon Sơ Ha Wớp nhớ chuyện xưa: Ngày ấy, để đến được Ðam Rông, phải đến tận “vùng biên” cầu Krông Nô, sang địa phận Ðắk Lắk, rồi trở lại đất Lâm Ðồng bằng thuyền độc mộc, đi bộ hơn hai giờ nữa mới đến trung tâm huyện. Nhiều đôi chân không dám vượt núi, ngược xuôi Ðam Rông gặp toàn rừng le, lồ ô; cuộc sống bà con rất khó khăn. “Ngày mới thành lập huyện, cách đây 16 năm, hộ nghèo của huyện chiếm hơn nửa số hộ dân. Ðược sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Lâm Ðồng, bộ mặt của huyện đã đổi thay đáng kể, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã mình cũng cơ bản hoàn thành chương trình nông thôn mới rồi và huyện phấn đấu cán đích nông thôn mới vào năm 2023”, già làng Ha Wớp chia sẻ.
Theo già làng Ha Wớp, cả huyện Ðam Rông hiện có 53 thôn, đồng nghĩa với 53 già làng, người có uy tín. Với vai trò và uy tín của mình, họ đã cùng với các tổ chức đảng, chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con buôn làng đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống mới; một lòng tin tưởng đường lối, chính sách, chủ trương của Ðảng, nhà nước; đồng lòng thực hiện quyết tâm thư của Ðại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, lời dạy của Bác Hồ trong thư gửi Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền nam tại Pleiku năm 1946, xây dựng quê hương, buôn làng phát triển vững chãi như dãy Trường Sơn, như ngọn Chư Yang Sin, Ngọc Linh, Bidoup - Núi Bà sừng sững giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
Có thể nói, Lâm Ðồng hiện không còn nơi nào thật sự để gọi là vùng sâu, vùng xa nữa. Bởi hệ thống giao thông chất lượng tốt đã phủ khắp, các xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô-tô đến trung tâm; tất cả các thôn đã có điện lưới quốc gia, y tế, được phủ sóng truyền hình; các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và tất cả trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Toàn tỉnh có ba huyện và 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 71,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 3,58%. “Ðạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ T.Ư và các bộ, ngành; sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, ý thức tự vươn lên của người dân, đã mang lại diện mạo mới ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Ðồng”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Ðồng Bon Yô Soan cho biết.
Tỉnh Lâm Ðồng có 47 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 25,7% dân số. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác trong thư gửi Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền nam tại Pleiku và thực hiện “quyết tâm thư”, già làng, người có uy tín trên vùng đất nam Tây Nguyên luôn nêu gương sáng, tích cực tuyên truyền, vận động bà con buôn làng nghe theo cái hay, làm theo cái đúng. Họ là những người “truyền lửa”, tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh chính trị và cuộc sống bình yên cho buôn làng.
Bài và ảnh: Mai Văn Bảo