Sau rất nhiều cố gắng, khi Cù Lao Chàm đã xanh trở lại, người dân nơi đây tiếp tục “bắt tay” cùng với các chuyên gia bảo tồn xây dựng ngôi nhà cho “rùa biển” như một việc làm trả ơn biển. Và hòn đảo nhiều năm vắng bóng rùa, bỗng một ngày, hàng trăm chú rùa theo đàn tỏa ra đại dương bao la trong niềm vui khôn xiết của những cư dân ngụ cư tự bao đời ở hòn đảo nhỏ bé này…
Cuộc di cư từ trong trứng nước
Trong ký ức của ngư dân Phạm Bảy, suốt cả thập kỷ, người dân xã đảo chọn đánh bắt rùa như một kế sinh nhai. Rùa được chế biến thành món ăn, hiện diện thường xuyên như một lẽ thường tình trong mâm cơm của cư dân đảo. Người lớn nghiễm nhiên bắt rùa không thương tiếc. Trẻ con cũng vô tư lùng khắp các bãi để tìm trứng mang về luộc. “Cũng vì kém hiểu biết mà bà con giết hại rùa biển quý giá. Chúng tôi cứ nghĩ rùa biển là vô tận nên cứ tha hồ đánh bắt. Nào ngờ, vài năm mới giật mình nhận ra, rùa không còn xuất hiện nhiều trên đảo nữa. Nếu không tìm cách bảo tồn, chắc vĩnh viễn con cháu mình chỉ biết đến rùa qua sách báo thôi” - lão ngư Phạm Bảy trăn trở.
Lắng nghe tiếng lòng của ngư dân Phạm Bảy cũng là mong mỏi của nhiều bà con xứ đảo cù lao, anh Nguyễn Văn Vũ (lúc bấy giờ đang giữ chức vụ Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác, Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm) quyết tâm lao vào hành trình đưa rùa về đảo Cù Lao Chàm.
Nghĩ là làm, đề tài mang tên “Phục hồi, bảo tồn rùa biển” của Nguyễn Văn Vũ, với sự trợ giúp đắc lực của “vua rùa” Côn Đảo Lê Xuân Ái đã vượt qua nhiều “cửa” thẩm định. Đến đầu tháng 8/2017, “cặp bài trùng” Lê Xuân Ái và Nguyễn Văn Vũ dẫn đầu nhóm kỹ thuật của Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, vượt quãng đường gần cả nghìn cây số từ Quảng Nam ra Côn Đảo để học từ ấp trứng, chăm sóc rùa và thực hiện cuộc “chuyển vị” trứng rùa lịch sử.
“Đó là cuộc “chuyển vị” đầy thử thách. Bản thân tôi và người đàn anh (Lê Xuân Ái - PV) có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên nỗi gian nan mà mình vấp phải” - anh Vũ nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Vũ cùng những chú rùa mới nở
Không chỉ khó khăn về thủ tục, vì rùa biển thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo pháp luật, mà phương án làm sao để trứng rùa được an toàn trên suốt hành trình gần ngàn cây số cũng khiến mọi người đau đầu. Trải qua hành trình dài đầy khó khăn, 500 trứng rùa đầu tiên chính thức về đến Cù Lao Chàm và được đưa vào Khu ấp trứng ở bãi Bấc - bãi cát trắng xóa yên bình nằm cách khu dân cư tầm 4 - 5 cây số. Rồi những ngày ấp trứng lại là những đêm trường thức trắng của các thành viên Ban Quản lý và nhóm tình nguyện viên để quan sát, canh đo nhiệt độ trong lòng ổ ấp trứng cũng như bảo vệ trứng rùa khỏi sự tấn công của các loài vật như kỳ đà, khỉ, rắn…
Những con số 1.000 km đường xa, 18 ngày canh trứng đã không còn là gian nan, vất vả nữa. Thay vào đó là niềm vui khôn xiết của những người làm công tác bảo tồn và hàng nghìn cư dân ở hòn đảo bé nhỏ này khi những “trứng nước” từ Côn Đảo xa xôi đã nên “hình hài” trên bãi Bấc Cù Lao Chàm. Tỷ lệ 90% trứng rùa nở thành công trong 6 đợt “chuyển vị” đã minh chứng tính khả thi của bảo tồn rùa biển ở cự ly xa, mở ra cánh cửa hy vọng bảo tồn, phục hồi rùa biển ở Cù Lao Chàm.
Viết chương mới trong ngôi nhà mới
3 năm trong hành trình “chuyển vị” rùa biển ở Cù Lao, hình ảnh người đàn ông đội mũ tai bèo, nói chất giọng lơ lớ miền Nam không còn xa lạ với cư dân nơi đây. Bà con ở Cù Lao vẫn thường gọi ông bằng cái tên đầy thân thuộc, trìu mến - ông Ái “rùa” khi nhắc về Thạc sĩ Lê Xuân Ái - cố vấn kỹ thuật Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nguyên là Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo.
“Vua rùa” Côn Đảo Lê Xuân Ái
Lê Xuân Ái (SN 1963) vốn là người con của Núi Thành, Quảng Nam. 21 năm gắn bó với Côn Đảo, với rùa biển, giờ đây ông Ái “rùa” lại trở về chính quê hương của mình để viết tiếp chương mới trong hành trình bảo tồn loài động vật quý hiếm này. “Muốn rùa sinh sôi phải thuận theo tự nhiên, cho rùa được vùng vẫy ngoài biển cả bao la. Phải ưu tiên dành những bãi cát xa khu dân cư, du khách không lui tới để rùa mẹ có thể lên bờ sinh sản. Theo thuộc tính, rùa rất kỵ tiếng ồn và ánh sáng. Đó là lý do vì sao rùa không bao giờ tìm đến những môi trường như vậy để đẻ trứng”, ông Ái chia sẻ.
Suốt 3 năm qua, những câu chuyện xoay quanh loài động vật quý hiếm này được ông Ái cần mẫn chia sẻ cùng cư dân bản địa. Để rồi, bà con dần dà ngộ ra tầm quan trọng cốt lõi của việc bảo tồn rùa biển. Trước đây, người dân Cù Lao Chàm hễ bắt được rùa là lấy trứng ăn, xẻ thịt rùa, bây giờ không ai làm vậy nữa. Gặp rùa mắc lưới, điều đầu tiên bà con làm là báo cho Ban Quản lý Khu bảo tồn. Hay như lần phát hiện rùa đẻ trứng dưới nước vào năm 2017, người dân đã tự nguyện đưa trứng rùa đến Ban Quản lý để đem tới bãi ấp.
Trong kế hoạch dài hơi, để bảo tồn rùa biển, sinh vật chỉ thị cho tiềm năng, sức khỏe của các hệ sinh thái biển trong khu vực, Hội An đã chọn phía Đông Bắc Cù Lao Chàm gồm khu vực Bãi Bấc, đảo Hòn Lao và các đảo hòn Dài, hòn Lá… nằm trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển. Nơi này hoàn toàn không có hoạt động kinh tế, sinh kế và được khoanh định là ngôi nhà mới an toàn cho rùa. Người dân khai thác thủy sản ở đây sẽ chuyển sang vùng biển khác để rùa có thể từ biển bơi vào đẻ trứng. Đây là một chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm của TP. Hội An trong việc tập trung nâng cao nguồn lực và năng lực cho công tác quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái biển trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phục hồi các loài rùa biển cho Cù Lao Chàm.
Khoảnh khắc thả rùa biển ở Cù Lao Chàm
Tháng 5, cái nắng đầu hè trút nóng hầm hập. Con nước Cù Lao Chàm phẳng lặng và cuộn tròn những ngọn sóng dập dìu tưới mát lòng người dịu êm trước tiết trời oi ả. Nhìn về phía biển, “vua rùa” Lê Xuân Ái trầm ngâm: “Một số nhà khoa học trên thế giới cho rằng, rùa dù có di cư đến đâu thì khoảng 20 năm sau, chúng cũng sẽ tìm về nơi mình nở để sinh sản. Bởi lẽ, khi rùa con nở ra và tự bò xuống biển, nó có thể ghi nhận trọng trường, mùi vị của cát, nước biển. Điều kỳ diệu này chưa một chuyên gia nào giải mã chứng minh một cách rõ ràng. Nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng, một ngôi nhà tốt luôn đồng nghĩa với một lời mời gọi quay về”.
Có lẽ “vua rùa” Lê Xuân Ái, anh Vũ hay các cư dân ở hòn đảo nhỏ bé đều tin vào điều kỳ diệu ấy, rằng một ngày của 20 - 30 năm nữa, thế hệ rùa được ấp nở hôm nay sẽ quay trở về nơi chúng chào đời, sẽ sản sinh ra đàn đàn, lớp lớp rùa mới. Và trong tương lai không xa, ngôi nhà Cù Lao Chàm sẽ trở thành “thiên đường” của rùa biển.
Trần Lan Anh (P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng)