"Cùng giữ màu xanh của biển": Để Trường Sa mãi xanh

Cập nhật: 27/05/2021
Trong rất nhiều câu chuyện cảm động về Trường Sa, một số đại biểu vẫn nhắc nhớ tới hình ảnh người chiến sĩ quê ở Bình Dương. Năm 2015, anh đi công tác Trường Sa trong vai trò một cây văn nghệ của đoàn văn công, cảm động trước màu xanh đầy sức sống của cây cối đang vươn lên giữa mùa khô khắc nghiệt, năm sau anh tình nguyện lên đường nhập ngũ, trở thành lính đảo.

Trồng cây cho mai sau

Màu xanh nơi tiền tiêu của Tổ quốc là biểu tượng cho sức sống, chủ quyền và chạm tới cảm xúc con người một cách gần gũi nhất. Trong các cuộc gặp gỡ, Chỉ huy Trưởng các đảo thường chung chia sẻ, một cây trên đảo trồng xuống, nếu sống được cũng phải qua 10 đến 15 mùa thay quân thì bộ đội mới được hưởng cảnh quan, bóng mát. Vì thế, tất cả những cây tra, bàng vuông, phong ba, bão táp… đều là thành quả kết tụ từ tình yêu biển đảo của bao thế hệ đi trước.

Bộ đội đảo xa không trồng cây cho mình mà còn cho đất liền và thế hệ mai sau. Riêng ở đảo đá chìm và Nhà giàn DK1, cán bộ, chiến sĩ tận dụng tăng gia trên từng chút đất chuyển ra từ đất liền, cho nên họ tiết kiệm, nâng niu hết mức. Nơi đây, chỉ cần một cơn sóng lớn tung nước biển lên cao rồi bất thình lình đổ xuống cũng đủ làm rũ chết cả vườn rau chứ chưa nói giông bão.

Bộ đội Trường Sa chăm sóc vườn rau thanh niên

Trên đảo đá chìm, hàng chục, hàng trăm thùng rau dịch chuyển theo mùa gió. Cảnh bộ đội bê cây chạy quanh đảo tránh sóng là rất thường tình. Nơi đảo xa, sức sống không đến từ ngẫu nhiên tạo hóa mà phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí, trách nhiệm của bộ đội. Nhiều đồng chí chỉ huy đảo tự tay ươm trồng từng quả bàng vuông, cùng các chiến sĩ kiểm soát tất cả quả xanh trên cây, đếm quả to để làm rọ thép bảo vệ, tránh rụng rơi thất thoát. Một điều khá đặc biệt ở Quần đảo Trường Sa là mỗi khi bộ đội tăng gia trên biển, gặp quả bàng vuông trôi nổi đều vớt đưa về ươm. Nhờ lớp vỏ dày, kết cấu hạt khá đặc biệt cùng bàn tay nâng niu, chăm sóc của những người lính, vài tháng sau quả bàng vuông ngấm mặn vẫn bật chồi khỏe khoắn.

Có những thời điểm sáu bảy tháng liên tục, Quần đảo Trường Sa không có mưa. Mọi thứ khô khốc, nóng nực đến chật chội. Nước ngọt điều chỉnh từ 12 lít xuống còn 9 lít mỗi người một ngày, rồi nhỏ giọt xuống còn 5 lít nước. Đến bàng quả vuông cũng cho hoa và quả bé bằng một nửa so với mùa mưa. Ấy vậy mà ở đảo Sơn Ca, hai cây quất Văn Giang vẫn sum suê. Mỗi ngày, Sư trụ trì chùa Sơn Ca đều dùng phần nước ngọt hiếm hoi của mình tưới cho cây. Chúng tôi từng chứng kiến một người lính trên đảo An Bang, khi trông thấy cây quất cảnh từ xuồng đưa lên đảo, anh đã chạy ào đến, nâng lên như bế vào sân đảo. Gặp ai anh cũng khoe: “Quê hương tôi đấy, quất xuân Văn Giang quê tôi đấy!”.

Chuyển cây lên đảo

Trên những nhà giàn chông chênh, bộ đội thường kể chuyện về những nhành phong lan mảnh mai, dù điều kiện khắc nghiệt vẫn trổ hoa như cánh bướm. Từ đất liền ra làm nhiệm vụ, quân tư trang nặng trĩu trên vai, bộ đội chỉ có thể gói ghém một nhành lan nhỏ. Ra tới nơi, phải nâng niu, chăm chút kỹ lắm thì nhành cây cấy trên khúc gỗ mục kia mới có thể sống sót, đơm hoa. Khí hậu quá khắc nghiệt nên nhành lan đó chật vật mãi không sinh sôi thêm. Tuy nhiên hi hữu, vẫn có những nhà giàn có chậu phong lan to, nhiều nhánh hoa rực rỡ để đón xuân, đó là món quà của Hiệp hội hoa Đà Lạt gửi tặng. Ở đất liền, có thể chúng ta sẽ cảm thấy rất bình thường trước một mầm cây, một bóng mát che đầu. Nhưng nơi đảo xa, đó không chỉ là môi trường trong lành mà là cả quê hương đang hiện hữu.

Cây nối đảo xa gần lại

Theo các nhà khoa học, các giống cây tự nhiên trên đảo như: tra, phong ba, bàng quả vuông, bão táp… cần khoảng 20 năm mới lên được tầng xanh. Điều kiện thời tiết càng khắc nghiệt càng cần bổ sung những giống cây mới để trong thời gian ngắn nhất đảo có bóng mát. Vài năm trở lại đây, một số địa phương như huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đều tặng Trường Sa, Nhà giàn DK1 cây, hoa, giá thể trồng rau để phủ xanh đảo. Năm nay, xã Phụng Công của địa phương tặng đảo cả mẫu đơn. Hưng Yên mang ra đảo rất nhiều quất cảnh, Bình Định tặng cây lá giang, Bến Tre tặng dừa, nhiều địa phương ven biển tặng phi lao. Nhiều trường học đã phát động mỗi em học sinh bớt một bữa sáng gửi mầm xanh ra đảo. Kinh phí không lớn, chỉ 10 nghìn đồng/cây, nhưng mỗi trường 400 em học sinh ủng hộ 400 cây đã đủ hy vọng về ngày mai xanh cho đảo nhỏ.

Bên cạnh cây cho bóng mát, đảo xa thường ưu tiên trồng rau gia vị. Năm 2018, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương vận động ủng hộ 1,5 tấn sấu và gần 2.000 cây lá giang ra đảo. Ý tưởng ấy bắt nguồn khi đoàn công tác cùng ăn bữa cơm với bộ đội, chẳng thấy có gì là chất chua để những món ăn như cá, đồ hộp dễ ăn hơn, trong khi đó, cây lá giang chịu được khô, nóng, mọc nhiều ở vùng đất nắng gió quanh năm như Bình Định. Món quà quý từ đất liền qua bàn tay chăm bón của bộ đội, bữa ăn được cải thiện hơn, thêm một chút vị chua dịu mát lành, rõ ràng là khác nhiều so với món ăn sử dụng dấm. Hơn nữa, khi từng mầm cây vươn lên, những người lính đang làm nhiệm vụ nơi xa luôn có cảm giác quê hương ở ngay bên mình. Còn người trong đất liền khi mang cây ra đảo cũng sẽ ấm lòng khi hình dung cây như chiếc cầu nối đảo xa gần lại.

Vườn quất người dân Hưng Yên chăm sóc để tặng cho Trường Sa

Vừa qua, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), một địa phương vùng trung du không có biển, đảo và đường biên giới đã khai trương 25 mô hình cột mốc Trường Sa với tỷ lệ tương đương như cột mốc trên đảo. Đặc biệt, có tới 80 điểm trường, tính cả trường mầm non của địa phương đều đang trồng và chăm sóc cây bàng quả vuông đưa về từ Trường Sa. Có lẽ đây là một trong số ít địa phương có nhiều cây bàng quả vuông được trồng ở các trường học nhất. Hình ảnh loài cây biểu tượng của đảo xa mang đến cho nhiều thế hệ học sinh cảm xúc về vùng biển, đảo thân thương, tuy xa cách về địa lý nhưng rất gần gũi về tình cảm. Vậy là sau nhiều năm miệt mài tặng cây ra Trường Sa, sắc xanh từ nơi đầu sóng ngọn gió lại trở về với đất liền, gói trọn trong đó bao tình cảm, trách nhiệm của bộ đội. Các cán bộ, chiến sĩ tâm sự, dù mầm xanh trên đảo vô cùng quý giá nhưng niềm vui đó sẵn sàng được chia sẻ với đất liền. Chúng tôi còn nhớ, mùa hè năm 2019, trên đảo Trường Sa Đông, bộ đội tận dụng mọi loại khay, chậu, vỏ chai để ươm bàng quả vuông. Toàn đảo còn bao nhiêu quả trên cây, bộ đội đều nắm rõ. Và cũng chính chuyến công tác ấy, nhiều đại biểu may mắn có được món quà đặc biệt là những quả bàng đã già và khô, có thể ươm thành cây.

Trồng bàng quả vuông tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ

Sau khi những mô hình cột mốc Trường Sa được khánh thành và từng cây bàng quả vuông mỗi ngày thêm vươn cao, các em học sinh ở vùng trung du Phú Thọ đã có thể đọc rõ tọa độ đảo Trường Sa, dễ dàng hình dung và tự hào về chủ quyền Tổ quốc. Đặc biệt, như những nhà khoa học nhỏ, các em học sinh từ cấp mẫu giáo đã hiểu rằng một quả bàng vuông già, ươm xuống đất ẩm, cần thời gian ba tháng để nảy mầm; Có những chú bộ đội như chú Vũ Quang Minh, Chính trị viên đảo An Bang đã rất nổi tiếng với việc đếm từng quả trên cây, làm rọ thép bọc lại mới có những loài cây Trường Sa được trở về đất liền. Và như vậy, trong bài học bảo vệ môi trường của các em, nâng niu mầm xanh từ đất liền tới đảo xa là một trong những việc làm vô cùng ý nghĩa.

Mai Lữ - Báo Nhân dân

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường