Ngày Đại dương thế giới 8-6 do Liên hiệp quốc (LHQ) thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương.
Chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm 2021 là “Đại dương: Sự sống và sinh kế”, với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất.
Để bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái biển, một trong những vấn đề nan giải hiện nay là chống rác thải, nhất là rác thải nhựa ở đại dương. Ước tính có khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào đại dương mỗi năm, gây hậu quả nặng nề cho sinh vật biển cũng như các hệ sinh thái ven biển. Diễn đàn Kinh tế thế giới từng dự báo, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục sẽ có nhiều nhựa hơn cá trên các đại dương vào năm 2050.
Nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6) và Ngày Đại dương thế giới (8-6), Bộ Hàng hải Hy Lạp đã nêu bật tình trạng ô nhiễm nhựa trên biển, đồng thời khởi động dự án làm sạch 8 cảng biển của nước này. Dự án trên được thực hiện theo Chiến dịch dọn sạch biển của LHQ, với sự kết hợp của Enaleia - một doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương hoạt động trong lĩnh vực tái chế và thu gom rác thải nhựa trên biển từ năm 2016.
Mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân hành động chống ô nhiễm nhựa trên biển. Theo đó, các thùng rác tái chế đã được lắp đặt trên khắp các cảng biển và rác thải thu về sẽ được tái chế thành các sản phẩm hữu ích. Trong chiến dịch dọn sạch cảng biển được tiến hành ở cảng Rafina, cách thủ đô Athens khoảng 30km về phía Đông, nhiều thợ lặn đã lặn sâu xuống biển để thu gom rác, từ lốp ô tô, nhựa và cả khẩu trang.
Tại cuộc tranh luận chuyên đề cấp cao về đại dương và mục tiêu phát triển bền vững diễn ra tuần qua, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir khẳng định: “Nói một cách đơn giản, mối quan hệ của chúng ta với đại dương phải thay đổi”.
Trong bối cảnh các hoạt động của con người đe dọa phá hủy sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái đại dương, ông khẳng định rằng chúng ta không thể sống trên một hành tinh không có đại dương. Đại dương là nơi hỗ trợ giá trị dinh dưỡng, kinh tế và xã hội cho hàng tỷ người trên thế giới.
Ông Bozkir nhấn mạnh: “Xây dựng một nền kinh tế đại dương bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất và là cơ hội lớn nhất của thời đại chúng ta”, đồng thời kêu gọi các chính phủ, các ngành công nghiệp, xã hội dân sự và cá nhân “hợp lực để phát triển và thực hiện các giải pháp bảo vệ đại dương”.
Khánh Minh