Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch Lai Châu

Cập nhật: 09/06/2021
Tỉnh Lai Châu đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống. Trong đó, một hướng đi mới mà địa phương này hướng tới là gắn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với phát triển du lịch. Đây được coi là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp, vừa phát triển kinh tế, giúp người dân thay đổi tư duy, cải thiện thu nhập.

Người Dao thực hành Lễ Tủ Cải- Đây là nghi lễ tín ngưỡng tâm linh quan trọng, chứng nhận người đàn ông Dao trưởng thành. Ảnh: Bích Nguyên

Nhiều di sản văn hóa bị mai một

Lai Châu có 20 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ tạo nên một Lai Châu đa sắc màu, đặc sắc và hấp dẫn. Tuy nhiên, do tác động của đời sống hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số (DTTS) Lai Châu bị mai một dần, hoặc bị mất đi vĩnh viễn, thể hiện rõ nhất là những di sản văn hóa vật thể như kiến trúc nhà ở, trang phục, đồ dùng sinh hoạt...

Về nhà ở, do thiếu nguồn nguyên liệu và chịu ảnh hưởng tập quán làm nhà của người Kinh, nên hầu hết các DTTS ở nhà sàn, nhà trình tường hay một số kiến trúc nhà ở truyền thống khác đều có xu hướng làm nhà theo kiến trúc nhà ở của người Kinh. Không gian văn hóa cư trú, các kiểu làng truyền thống cũng mất đi, kéo theo đó là một số hình thức kiến trúc gắn với tín ngưỡng cũng thay đổi.

Cùng với đó, trang phục vốn là tiêu chí để nhận diện tộc người trong xã hội cổ truyền cũng đang đứng trước sự mai một. Rất ít DTTS còn giữ lại đầy đủ bộ sắc phục dân tộc mà phần lớn đã bị pha tạp, thậm chí có dân tộc có nguy cơ bị đồng hóa hoàn toàn như: Dân tộc Khơ Mú, Kháng. Hiện, trang phục DTTS chỉ còn thấy trong các nghi lễ, phong tục của cộng đồng. Sự thay đổi này đã kéo theo sự mai một của nghề thủ công truyền thống như: Trồng bông, trồng lanh, nuôi tằm, dệt vải, nhuộm, thêu, tạo hình trang phục và các sản phẩm từ nghề dệt, nghề chạm bạc... vốn rất phong phú và đạt tới trình độ nghệ thuật cao.

Trong dòng chảy của đời sống đương đại, văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở Lai Châu cũng có nhiều biến đổi và dần mất đi vai trò, vị trí cũng như tầm ảnh hưởng trong cộng đồng các DTTS. Trong đó, tiếng nói của một số ít dân tộc/nhóm địa phương không phát triển mà mai một, nghèo nàn dần, quên hẳn tiếng dân tộc mình như dân tộc Khơ Mú, dân tộc Kháng.

Về chữ viết, hiện nay chỉ còn chữ viết của dân tộc Thái, Dao, Mông còn được sử dụng, lưu truyền, tuy nhiên, đối tượng sử dụng chủ yếu là những người trung, cao tuổi, chủ yếu dùng trong nghi thức, nghi lễ, ghi chép văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc. Giới trẻ đa số không còn biết và viết được chữ viết của dân tộc mình. Cùng với đó, nghệ thuật trình diễn dân gian đã và đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, trong những năm qua đã tiếp nhận, sưu tầm được 1.880 hiện vật dân tộc; sưu tầm, bảo tồn tri thức dân gian của 2 dân tộc: Hà Nhì, Dao và 6 làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc: Thái, Si La, Lự, Mông, Hà Nhì. Đồng thời thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 13/13 dân tộc cư trú thành cộng đồng với 1.199 di sản, trong đó 474 di sản được duy trì bảo tồn trong cộng đồng, 725 di sản đã bị mai một.

Và nỗ lực bảo tồn

Đến nay, tỉnh Lai Châu đã xây dựng 5 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xây dựng 2 hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã tổ chức 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc, phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu của các DTTS; duy trì tổ chức thường niên 40 lễ hội. Đến nay, Lai Châu có 13 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Một động thái khác mang tính chất dài hơi hơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”.

Theo đề án, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung vào nhiệm vụ nâng tầm quy mô tổ chức, nghiên cứu bổ sung, các hoạt động phần hội trên cơ sở văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc, tốt đẹp, lợi thế của từng địa phương gắn với các hoạt động sự kiện và hoạt động du lịch cộng đồng như: Lễ hội Nhảy lửa (dân tộc Dao); Lễ hội Then Kin Pang (dân tộc Thái); Lễ hội Xòe Chiêng (dân tộc Thái); Lễ hội Bun Vốc Nặm (dân tộc Lào)...

Khung cảnh buổi chiều ở bản Sin Suối Hồ, một điển hình thành công trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Thúy Hằng

Cùng với đó, thực hiện nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các tài liệu có liên quan đến các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của các dân tộc như chữ viết, nghệ thuật ẩm thực... Thống kê lập danh sách người nắm giữ và thực hành di sản, đồng thời tổ chức các lớp truyền dạy trong cộng đồng.

Song song với hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ bảo tồn kiến trúc nhà ở và công trình phụ trợ các hộ dân làm homestay đạt tiêu chuẩn đón khách; duy trì thường niên lễ hội Nhảy lửa và Lễ Tủ cải; xây dựng vườn thuốc nam, điểm tắm thuốc nam, tạo thương hiệu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe từ tri thức dân gian về y dược học... Phát huy tiềm năng các bản du lịch cộng đồng như: bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường gắn với du lịch mạo hiểm; bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp; bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng.

Ngoài ra, địa phương này sẽ đầu tư phát triển các dịch vụ trải nghiệm du lịch mạo hiểm. Trong đó, đầu tư xây dựng điểm bay dù lượn quốc tế và hàng năm tổ chức biểu diễn dù lượn, chinh phục đỉnh Putaleng, khám phá bản Bình Luông - thác Tác tình - bản Sì Thâu Chải - ruộng bậc thang - cánh đồng dong riềng; trải nghiệm hoạt động thường nhật của đồng bào các dân tộc trong các bản (làm nương, nghề thủ công, hái thuốc nam...)./.

Bích Nguyên

Nguồn: Báo Biên Phòng