Quảng Ninh: Đến đảo Quan Lạn, nhớ chiến công xưa

Cập nhật: 11/06/2021
Giữa trùng khơi, đảo Quan Lạn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) không chỉ là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, mà còn là vùng đất có bề dày về văn hóa, lịch sử truyền thống ngàn đời. Trên đảo có rất nhiều đền, ngôi miếu thờ những nhân thần có công lao lớn trong công cuộc bảo vệ đất nước, trong đó có đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư - vị tướng có công lao to lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thời nhà Trần, cùng quân và dân Vân Đồn trấn giữ nơi tiền tiêu cửa biển Đông Bắc của Tổ quốc...

Đền thờ Trần Khánh Dư ở xã đảo Quan Lạn. Ảnh: Thanh Thuận

Đến với miền biển, đảo Quan Lạn xinh đẹp, du khách đều thích thú khi được khám phá, chiêm bái hệ thống tâm linh “đình - chùa - miếu - đền”, những ngôi đình, đền, miếu thờ những nhân thần có từ rất lâu đời trên đảo. Đền thờ Trần Khánh Dư là một điểm nhấn quan trọng của nhiều người trong hành trình đến với biển, đảo Quan Lạn.

Trần Khánh Dư quê ở huyện Chí Linh (Hải Dương), là một danh tướng đời nhà Trần. Ông là con trai của Thượng tướng Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt. Bởi thuộc dòng tôn thất nên Trần Khánh Dư được phong tước Nhân Huệ Vương. Trần Khánh Dư rất có tài về binh lược, từng lập được nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, ông được cử giữ chức Phó tướng trấn giữ Vân Đồn. Ông đã chỉ huy đội quân đánh tan binh thuyền chở lương thực, vũ khí của địch trong trận phòng tuyến Vân Đồn trên dòng sông Mang năm 1288, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân dân nhà Trần, đập tan âm mưu thôn tính Đại Việt của quân xâm lược Nguyên Mông.

Sau khi Trần Khánh Dư mất, ở nhiều nơi ven biển từ Móng Cái, Vân Đồn, Cẩm Phả (Quảng Ninh) đến Cát Bà (Hải Phòng), người dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của ông. Trong đó, nhân dân xã đảo Quan Lạn lập đền thờ và tôn Trần Khánh Dư là thành hoàng của làng. Họ tin tưởng ngài sẽ bảo vệ và phù hộ cho cuộc sống của người dân được yên ổn, mùa màng bội thu.

Ngôi đền thờ Trần Khánh Dư hiện tọa lạc tại bến Đình, xã Quan Lạn. Thời xưa, người dân đã lập đền thờ Trần Khánh Dư tại thương cảng cổ Cái Làng. Khi biển lùi, cát bồi, tàu bè không còn ra, vào buôn bán được nữa, người dân đã di dời cả làng về vị trí đồi cát phía trước, lập nên làng Quan Lạn. Đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư cũng được di chuyển, xây dựng lại tại địa điểm ngày nay. Dấu vết ngôi chùa cũ ấy nay còn tìm thấy ở Vụng Nghè trên đảo.

Theo các cụ cao niên tại xã Quan Lạn, đền thờ xưa khá khang trang, bề thế, kiến trúc theo kiểu chữ đinh, được xây dựng bằng gỗ lim. Chân cột có đường kính 35cm trở lên, trang trí và lắp đặt các kèo, xà, bẫy, côn đều được chạm khắc tinh vi, với các họa tiết rồng, mây, hoa lá, long, ly, quy, phượng, các đầu đao, mái cong đều chạm trổ đầu rồng cá chép.

Đền gồm 5 gian, trong đó, bái đường 3 gian đặt khám thờ và tượng Trần Khánh Dư, các đồ thờ cúng và là nơi để các vị chức sắc trong làng tế lễ; 2 gian bên phải, trái là nơi ngồi uống nước, chờ đến lượt vào lễ thần. Trong hậu cung có tượng Trần Khánh Dư ngồi trên ngai được đặt trong khám sơn son thiếp vàng, có bài vị và hộp đựng 19 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn. Trên đai áo giáp của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, chính giữa ghi 4 chữ: “Quốc Tộ Phúc Nhuần”, (tạm dịch là: Công đức tưới khắp muôn nơi)... Hai bên tả, hữu ngôi đền, mỗi bên được xây dựng một nhà 3 gian quay mặt vào sân đền, một nhà đựng cồng, chiêng, gươm giáo, một nhà để đồ dùng và làm bếp phục vụ nấu nướng trong những ngày đại sự.

Tuy nhiên, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, ngôi đền đã bị hư hại, đổ nát. Nhân dân đưa tượng Trần Khánh Dư về thờ ở đình làng. Đến tháng 9/1995, thể theo nguyện vọng của nhân dân trên làng đảo, MTTQ Việt Nam xã Quan Lạn đã vận động toàn dân ủng hộ công sức, tiền của, đặc biệt là các gia đình xa quê sống ở nước ngoài đóng góp xây lại ngôi đền tại địa điểm cũ. Ngôi đền mới được hoàn thành trên diện tích 60m2, có rất nhiều bức đại tự, câu đối treo ở các cây cột. Nhân dân xã Quan Lạn đã làm lễ rước tượng tướng Trần Khánh Dư về thờ tại đền. Người dân xã đảo yên tâm hơn vì tượng Trần Khánh Dư đã được đặt về nơi cũ, nơi mà linh hồn ngài đã từng gắn bó bao thế kỷ.

Năm 1990, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 575, công nhận đền thờ Trần Khánh Dư ở Quan Lạn là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trong đền vẫn bảo quản và lưu giữ được 19 sắc phong của các vị vua triều Nguyễn phong cho tướng Trần Khánh Dư vì đã có công lớn trong việc dẹp giặc xâm lược, bảo vệ, phát triển vùng Biển Đông của nước ta. Dân làng cũng phục chế lại bức đại tự: Hải Vân Linh Bảo (Đất linh thiêng luôn được bảo vệ giữ gìn), làm mới hai vế câu đối: Địa linh nhân kiệt đức quang huy/Quốc tộ dân phong phúc vĩnh trường (tạm dịch là: Đất linh thiêng, nhiều nhân tài. Đức độ luôn sáng trong, phúc đức được dài lâu)...

Ông Phạm Quốc Duyệt - nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đảo Quan Lạn cho biết: “Đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư ở Quan Lạn là ngôi đền rất linh thiêng, được nhân dân trong xã và đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái. Đền là một trong hai điểm trung tâm diễn ra Lễ hội Vân Đồn lịch sử hằng năm và những ngày lễ trọng đại trong năm ở xã đảo Quan Lạn. Hằng năm, cứ đến ngày 17/6 âm lịch, tại đây, dân làng đều tổ chức lễ hội đua thuyền kỷ niệm chiến thắng Vân Đồn năm 1287 của Phó tướng Trần Khánh Dư, đồng thời cầu cho nghề đi biển của ngư dân được bội thu, tôm cá đầy khoang”.

Đến với biển, đảo Quan Lạn, thăm thú những di tích gắn với tên tuổi và chiến công hiển hách của những vị anh hùng dân tộc, nhiều người càng thêm tự hào về lịch sử hào hùng của cha ông trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thanh Thuận

Nguồn: Báo Biên Phòng