Ca trù là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Thế nhưng ở Hà Nội, ca trù đang kể một câu chuyện đầy hy vọng. Nhiều đào nương ở độ tuổi “còn chửa biết cái chi chi” đang hằng ngày luyện phách, luyện ca. Chính những cô bé ấy đang góp phần quan trọng gìn giữ tương lai ca trù. Ở mảnh đất này, tình yêu với ca trù luôn có sẵn, được truyền qua các thế hệ. Cái cần là tạo điều kiện để những mầm xanh di sản ấy vươn lên...
Những đào nương “nhí” là “mầm xanh di sản”, đang nắm giữ tương lai của ca trù.
1. Đã đến giờ luyện phách, theo lịch tự đặt ra cho mình, cô bé Nguyễn Khánh Ly trải chiếu, ngồi xếp bằng, rải cỗ phách ra trước mặt. Quần soóc, áo phông trong ngày hè, nhưng xem ra, phong thái Khánh Ly vẫn nghiêm cẩn lắm, không khác bao nhiêu so với khi cô bé áo dài, vấn khăn, tóc đuôi gà lúc vào canh hát trên sân khấu. “Bà Ngoan dặn thế. Khi cầm cỗ phách, thì con thành đào nương. Mà đào nương, phải có phong thái đào nương”, cô bé tủm tỉm cười, nói. Mười hai tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, vẫn ham chơi đùa như lũ bạn đồng lứa, nhưng Khánh Ly trở nên dịu dàng mà đĩnh đạc hẳn khi đôi tay bắt đầu khua trên cỗ phách. Ngày hè oi ả, lại mùa dịch, không gian ngôi làng Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên) ven sông Hồng, càng trở nên vắng vẻ. Tiếng phách đổ giòn, ngỡ như âm thanh từ xa xưa vọng về...
Khánh Ly đã quen với cái điệu âm ư cái trầm đục “tùng dếnh tang tùng tang” của đàn đáy, của ca trù khi mới ba, bốn tuổi. Cụ nội Khánh Ly là nghệ nhân ca trù. Mới sáu tuổi, cô bé đã bắt đầu những buổi học đầu tiên. “Bà Ngoan”, như lời Khánh Ly, là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn Nguyễn Thị Ngoan, người dày công lưu giữ ca trù Chanh Thôn suốt mấy mươi năm. Chanh Thôn là một trong những cái nôi ca trù của xứ Sơn Nam Thượng. Bà gặp gỡ các nghệ nhân, gom nhặt những câu ca, giai điệu, động viên các lão niên truyền lại di sản. Bà cũng là người tình nguyện mở lớp ca trù. Bà bảo, phải tranh thủ thật nhanh, trước khi những kho báu cuối cùng về nơi thiên cổ. Bao năm miệt mài, nhưng bản thân bà không nghĩ có ngày ca trù “mở mày, mở mặt” như bây giờ. Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn hiện nay, riêng lứa dưới 15 tuổi đã có 13 em. “Chanh Thôn có ba ca nương trẻ nhưng đã gắn bó với ca trù nhiều năm. Đó là tương lai của ca trù chúng tôi”. Bà Ngoan tự hào bảo thế. Và một trong số đó chính là Khánh Ly.
Vẫn giọng hồn nhiên, pha chút nhí nhảnh, Khánh Ly bảo: “Mọi người bảo ca trù cổ, của người già. Nhưng mà con thích. Con thích cả câu ca lẫn âm điệu”. Sáu năm, Khánh Ly đã trải qua một quá trình học ca trù không hề ngắn. Bắt đầu là những bài gõ phách. Gõ phách thuần tay, các cụ, các bà mới cho học “ca đàn”, rồi học hát. Một đào nương theo “khuôn khổ”, phải sành cả phách, đàn, ca. Mười hai tuổi, Khánh Ly đã thạo hai thể cách mưỡu và hát nói. Đó là những nền tảng để chuyển sang những thể cách khó hơn, kỹ thuật cao hơn. Ngoài Khánh Ly, Chanh Thôn còn có những “vốn quý” khác như Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Thủy Tiên. Mấy năm trước, các em đều là những ca nương nhí, và giờ, sắp bước sang tuổi mười tám, đôi mươi. Nếu tiếp tục gắn bó với ca trù, chả mấy nữa, các em có thể làm lễ “mở xiêm áo”...
2. Mỗi khi nghe các đào nương trẻ tuổi dạo phách, với cái điệu âm ư của ca trù, tôi lại nhớ đến bài “Hồng hồng, tuyết tuyết”, ở đó, có câu ca về những cô gái trẻ tuổi, còn “chửa biết cái chi chi”. Nhưng mà, chính những đào nương ở độ tuổi ấy lại là những người đang nắm giữ tương lai của một di sản độc đáo, hàm chứa những nét thanh tao, những tinh hoa của cả văn học lẫn âm nhạc dân tộc. Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước đã hai lần tổ chức Liên hoan Tài năng trẻ ca trù. Mỗi kỳ đều có khoảng 50 ca nương, kép đàn tham dự, cho thấy sức sống của ca trù. Đồng trang lứa với Khánh Ly, ở cái nôi ca trù Lỗ Khê (huyện Đông Anh) có Nguyễn Thục Trinh; ở Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ có Nguyễn Thị Hà My. Thậm chí, ở lứa dưới mười tuổi, cũng có những tài năng sớm nở, như Phạm Ngọc Bích (Câu lạc bộ Ca trù Phú Thị)… Hầu hết các giáo phường, các câu lạc bộ trên địa bàn đều duy trì các lớp dạy ca trù. Nếu Khánh Ly là đại diện tiêu biểu của ca trù Sơn Nam Thượng, thì Thục Trinh là giọng ca ưu tú của mảnh đất Kinh Bắc xưa - Đông Anh hôm nay. Khi vừa bảy tuổi, Thục Trinh đã “bước ra ánh sáng” của sân khấu ca trù tại Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ nhất (năm 2016). Một cô bé bé xíu ngượng nghịu lên sân khấu Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Phía dưới là Ban Giám khảo - những nhà nghiên cứu và những nghệ nhân ca trù có tiếng của Hà Nội. Sau bẽn lẽn ban đầu, cô bé bắt đầu “vào giọng”. Nhiều người không giấu được nụ cười. Họ không chỉ vui mà còn vì bất ngờ, đến không tin nổi có một cô bé bảy tuổi, “dám” hát ca trù.
Thục Trinh giờ đã chín chắn hơn rất nhiều. Cô bé đã nhiều lần xuất hiện trên những sân khấu lớn, giọng hát cũng đã tròn vành, rõ chữ hơn. Mỗi khi nhả chữ, buông câu, bắt đầu thấy sức vang của âm thanh được ém hơi, rồi bật ra. Và như bất kỳ ca nương nào khác, miệng hát, nhưng tay phải hài hòa với nhịp phách. Hiện Thục Trinh đang trong dịp nghỉ hè. Nếu không có dịch bệnh, hằng tuần Giáo phường Ca trù Lỗ Khê đều tổ chức các buổi học tập trung, thì bây giờ, em phải luyện phách, luyện ca một mình. Em được cô giáo dạy mầm non, cũng chính là đào nương có tiếng của Lỗ Khê - Nghệ nhân Nguyễn Thị Mận, phát hiện năng khiếu và bồi dưỡng. So với độ tuổi, Thục Trinh đã sớm ra “chất” của ca trù và có độ đằm hơn trong suy nghĩ, ứng xử. Thục Trinh bắt đầu thẩm thấu ca từ ca trù - vốn là những tác phẩm thơ của các tài tử văn nhân thời trước như Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Tản Đà… và nhiều văn tài khác. “Lời ca trù cổ kính, trong đó, lại có nhiều câu chuyện văn hóa, lịch sử. Khi học ca trù, con thêm yêu lịch sử nước mình”. Chia sẻ của Thục Trinh cho thấy những lớp lang văn hóa của ca trù đang được bồi đắp. Có lẽ vì thế, khi cầm phách, nhả chữ buông câu, cảm giác Thục Trinh như “nhập” vào tâm trạng của nhân vật trong các bài thơ.
3. Những đào nương “chửa biết cái chi chi” rồi sẽ lớn dần theo năm tháng. Sẽ có kẻ dừng cuộc chơi, nhưng cũng sẽ có nhiều người đi tiếp. Có những đào nương ngây thơ thuở nào đến với ca trù, bây giờ đã là những tài năng sáng giá. Ở Chanh Thôn, đó là đào nương Thủy Tiên, Thu Phương; Giáo phường Ca trù Thái Hà (quận Tây Hồ) có ca nương Nguyễn Thu Thảo; Lỗ Khê có ca nương Đinh Thị Vân; Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức) có ca nương Chu Thị Hải Lý, Đặng Thị Hường... Trong đó, ca nương Đặng Thị Hường sau khi đoạt Giải B ở Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội lần thứ nhất, đã giành Giải A ở Liên hoan tiếp theo.
Trong số những ca nương trẻ, có lẽ, không ai “thấm” những thăng trầm của ca trù như Đặng Thị Hường, qua chính cuộc đời bà nội cô - cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Chúc. Cụ Chúc là ca nương tài danh bậc nhất một thời nhưng ca trù có những quãng thời gian bị rơi vào lãng quên. Bậc tài danh như bà cũng chỉ biết gói ghém nỗi nhớ canh hát trong vò võ thở than. Mãi sau này, vào tuổi xế chiều mới có người ngó ngàng đến... Hường ngấm những âm điệu ca trù từ thuở lên ba, lên bốn. Ngày nhỏ, Hường học tại Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức) và đã nổi danh với ca trù. Lớn lên, vẫn mê nghệ thuật, Hường theo học Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, chuyên ngành âm nhạc. Ra trường, cô quay lại đúng nơi mình lớn lên - Trường THCS Đông La, trở thành giáo viên âm nhạc, truyền lại tình yêu ca trù cho những em học sinh, thông qua giảng dạy xen kẽ cái hay, cái đẹp của ca trù trong những bài giảng. Ở tuổi 27, hơn hai thập kỷ gắn bó với ca trù, cô cũng ngấm những thăng trầm của nghề. Có lẽ vì thế, giọng ca của Hường giàu nội tâm, dễ truyền tải những tâm tư, tình cảm mà các văn nhân gửi gắm qua lời ca trù.
Câu chuyện của ca nương Đặng Thị Hường như một hình ảnh thu nhỏ cho những “vòng quay” mới. Bởi luôn có những ngọn lửa tình yêu ca trù đang được nhen lên trong những tâm hồn thơ bé, bởi một thế hệ ca nương mới. Ở mảnh đất này, tình yêu với ca trù, ả đào, hay hát cô đầu luôn có sẵn, được truyền thừa qua những thế hệ, cần được tạo điều kiện, môi trường để những mầm xanh di sản ấy vươn lên...
Bài và ảnh: Giang Nam