Quảng Trị là một vùng đất hiền lành, giản dị, nhưng rất đổi tự hào về một thời quá khứ hào hùng – nơi hội tụ ý chí khát vọng đấu tranh thống nhất của cả dân tộc Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Quảng Trị có vị trí địa chính trị – kinh tế quan trọng, nơi điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông – Tây về phía Việt Nam; nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia cả về đường bộ, đường sắt, đường biển; có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú và da dạng.
Xác định tiềm năng và lợi thế to lớn đó, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã khẳng định “Phát triển du lịch là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”(1). Đặc biệt, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 hình thành Khu Du lịch quốc gia Cửa Việt – Cửa Tùng – Địa đạo Vịnh Mốc – Đôi bờ Hiền Lương – đảo Cồn Cỏ. Đến năm 2025 hoàn thành về cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, nhất là tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; hình thành các tour, tuyến du lịch chủ đạo, xây dựng và khẳng định thương hiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đến năm 2030 hoàn thành về cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho giai đoạn tiếp theo nhằm thu hút khách du lịch, tăng thu nhập và tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Du khách đến viếng và dâng hương tại nghĩa trang Trường Sơn.
Tiềm năng, lợi thế
Nói đến du lịch Quảng Trị, trước hết phải kể đến hệ thống di tích lịch sử cách mạng đồ sộ và độc đáo như: Thành cổ Quảng Trị, Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Đường 9 – Khe Sanh; đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Nhà đày Lao Bảo, đảo Cồn Cỏ anh hùng… cùng với các Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, đã tạo nên tính đặc thù, độc đáo và hấp dẫn của hệ thống di tích chiến tranh của Quảng Trị. Đây cũng là cơ sở để khai thác loại hình du lịch văn hóa tâm linh mang màu sắc lịch sử cách mạng tại Quảng Trị. Với 602 di tích, cụm di tích lịch sử cách mạng và danh thắng, thì có đến 479 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh, 33 di tích và cụm di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia, trong đó có 4 di tích và cụm di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng là: Thành cổ Quảng Trị, Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Đường 9 – Khe Sanh; đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Địa đạo Vịnh Mốc.
Mặt khác, Quảng Trị là một vùng đất giàu lịch sử, văn hóa với rất nhiều lễ hội, trong đó có những lễ hội dân gian đã được hình thành từ xa xưa được gọi là lễ hội cổ truyền (Lễ hội bài chòi, Lễ hội Ariêu ping…), lễ hội cách mạng (Lễ hội Thống nhất non sông, Nhịp cầu xuyên Á, Huyền thoại Trường Sơn…), lễ hội liên quan đến các tôn giáo (Kiệu La Vang)… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Quảng Trị cũng được thiên nhiên ban tặng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, đa dạng với nhiều loại địa hình: rừng, núi, động, thác, sông, hồ, biển, đảo… Ở khu vực phía Bắc Quảng Trị có rừng nguyên sinh Rú Lịnh, phía Nam nổi tiếng với Trằm Trà Lộc. Khu vực phía Tây tập trung rất nhiều địa danh, là những khu du lịch sinh thái đang hình thành, tương lai trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách gần xa: Đồi Rockpile; Khe Gió; Khu danh thắng Đakrông; Suối nước nóng Klu; Thác Chênh Vênh; Thác Ồ Ồ; Thác Tà Puồng; Thác Luồi; Động Tà Puồng; Động Prai; Khu bảo tồn thiên nhiên Hướng Hóa… Đặc biệt, Thác nước Tà Puồng, Động Tà Puồng và Động Prai nằm liền kề nhau thuộc xã Hướng Lập, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa là điểm đến vô cùng thú vị cho những ai thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng, thác nước và hang động.
Đặc biệt, nhiều người tìm đến Quảng Trị bởi những bãi cát trắng mịn, trải dài với bờ biển thoai thoải, làn nước trong xanh. Các khu dịch vụ – du lịch biển đã được quy hoạch từ Cửa Việt đến Địa đạo Vịnh Mốc có tổng diện tích 1.222ha với các bãi tắm đẹp nổi tiếng như: bãi tắm Cửa Tùng, bãi tắm Cửa Việt, bãi tắm Gio Hải… là điểm đến lý tưởng cho du khách trong dịp hè.
Những kết quả và hạn chế
* Những kết quả đạt được
Nhận thức được tiềm năng to lớn từ ngành du lịch, vì vậy tỉnh Quảng Trị đã sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển. Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, trong những năm qua ngành du lịch đã có bước phát triển mới và đạt được những kết quả quan trọng; kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư; huy động được nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư phát triển du lịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách về lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng; công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao; công tác nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, danh thắng được chú trọng. Tỉnh đã phối hợp với các địa phương khác trong vùng, các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông – Tây tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch. Tiếp tục định hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của tỉnh như du lịch lịch sử cách mạng, du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, biển, đảo, mua sắm… từng bước hình thành một số tuyến, địa bàn, khu du lịch trọng điểm.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, triển khai đầu tư dự án với tổng số vốn đăng ký 6.500 tỉ đồng. Trong đó đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược như: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn AE, Công ty Cổ phần Tập đoàn Pacific Health Care, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Tập đoàn Châu Á – Thái Bình Dương… làm cho hoạt động đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, nhất là các khu du lịch ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt. Đặc biệt, trong năm 2019 đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương hỗ trợ 2 nhà đầu tư dự án là Khu đô thị sinh thái biển AE resort Cửa Tùng và Khu du lịch nghỉ dưỡng Biển Vàng khởi công, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày lập lại tỉnh. Đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược trong việc triển khai các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, việc tích cực thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư đã góp phần phát triển cơ sở vật chất, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó tạo nên diện mạo khởi sắc cho ngành du lịch của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị như: “Ký ức chiến tranh – Khát vọng hòa bình”, “Cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông – Tây”, kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”. Nhiều khu, điểm du lịch quan trọng cũng đã được hình thành và ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhiều sản phẩm du lịch mới được quan tâm phát triển nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Cùng với đó, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông – Tây và các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung luôn được coi trọng và phát huy.
Theo thống kế của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tốc độ tăng trưởng khách du lịch trung bình giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh là 7%/năm, trong đó khách quốc tế là 3,25%/năm, khách du lịch nội địa là 9%/năm (2). Nhiều sản phẩm du lịch mới được quan tâm phát triển nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch như: Tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm ở Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Khu Resort Sepon (Cửa Việt), chợ Lao Bảo; tổ chức đón tiếp và lễ viếng cho du khách vào buổi tối tại Thành Cổ Quảng Trị; tổ chức tuyến phố lễ hội ở thị xã Quảng Trị; Khu du lịch sinh thái Klu (Đakrông), trằm Trà Lộc (Hải Lăng), các bãi tắm Trung Giang, Gio Hải, Cang Gián, Thủy Bạn (Gio Linh) bước đầu được chỉnh trang trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ được đưa vào khai thác, mở ra hướng phát triển mới của du lịch biển, đảo với rất nhiều tiềm năng.
* Những hạn chế
Tuy nhiên, nhìn tổng thể ngành du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, còn nhiều dư địa phát triển chưa được khai thác hiệu quả. Một số quy hoạch, định hướng phát triển du lịch thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp xu thế phát triển và tình hình thực tế, thiếu tính khả thi. Công tác xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch còn chậm, quản lý quy hoạch còn hạn chế. Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch chưa đủ hấp dẫn, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các dự án quy mô lớn để đóng vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển. Một số di tích văn hóa, lịch sử tuy được quan tâm tu bổ, phục chế, nâng cấp nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với tầm vóc lịch sử. Còn thiếu các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, có sức hấp dẫn, lưu giữ khách du lịch; chất lượng các dịch vụ, kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả chưa cao. Các hoạt động lữ hành có quy mô nhỏ, còn hạn chế trong xây dựng các tour đưa khách du lịch đến địa phương. Sự cố ô nhiễm môi trường biển tháng 4/2016 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng.
Du khách đến dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị.
Một số giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến 2025 và tầm nhìn đến 2030
Xuất phát từ thực trạng đó, để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, là khai thác du lịch chất lượng cao đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, các cấp ủy, chính quyền, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tập trung đầu tư xây dựng quy hoạch, dự án trọng điểm về phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển du lịch, là cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư. Công tác xây dựng quy hoạch, dự án cần được thực hiện trước một bước, đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, nhất là chú trọng đầu tư phát triển du lịch lịch sử cách mạng, du lịch biển đảo, các công trình vui chơi giải trí, thể thao… Do đó, để có cơ sở cho các nhà đầu tư, trong thời gian tới Quảng Trị định hướng phát triển du lịch dựa trên bốn khu vực trọng điểm gồm: Khu vực thành phố Đông Hà sẽ phát triển dịch vụ lưu trú, đầu mối trung chuyển khách du lịch; Khu vực Khe Sanh – Lao Bảo phát triển du lịch lịch sử – cách mạng, du lịch biên mậu và quá cảnh; Khu vực Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ – Vịnh Mốc, phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch lịch sử – cách mạng và cuối cùng, Khu vực Thành cổ Quảng Trị – Khu kinh tế Đông Nam, phát triển du lịch lịch sử cách mạng và du lịch thương mại công vụ. Chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch, tăng khả năng cạnh tranh; coi trọng cả phát triển du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị là: “Ký ức chiến tranh, khát vọng hòa bình”, “Hành lang kinh tế Đông – Tây và con đường di sản”.
Hai là, tập trung đầu tư nguồn vốn ngân sách cho phát triển hạ tầng phục vụ du lịch đi cùng với xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng du lịch. Lòng ghép việc đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch với các mục tiêu khác nhằm tăng hiệu quả đầu tư, đồng thời tăng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch. Thực hiện liên kết giữa các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh trong việc phát triển sản phẩm du lịch; giữa các ngành trong việc xây dựng và thực hiện các dự án, các chương trình đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; giữa các doanh nghiệp du lịch nhằm xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh, trao đổi chia sẽ kinh nghiệm để có thể cùng nhau thành công trên thị trường; giữa các địa phương trong vùng xây dựng sản phảm du lịch, quảng bá xúc tiến và đào tào nguồn nhân lực; các điểm đến trong hành lang kinh tế Đông – Tây nhằm xây dựng các chương trình du lịch quốc tế hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao. Xây dựng chương trình quảng bá du lịch, thường xuyên cập nhật bổ sung kế hoạch phù hợp với nhu cầu thi trường và thực tế phát triển du lịch của địa phương.
Ba là, yếu tố con người luôn có vị trí quan trọng hàng đầu trong du lịch, quyết định phần lớn đến trải nghiệm của du khách. Do vậy, song song với quá trình nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình du lịch, cần nâng cao trình độ hướng dẫn viên, đội ngũ nhân viên dịch vụ hoạt đông trong ngành du lịch. Quá trình đào tạo có thể tiến hành tại chỗ hoặc liên kết với các trung tâm đào tạo lớn trong cả nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch bằng việc thu hút nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao và thực hiện chính sách chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ địa phương để từng bước tiếp quản công tác quản lý kinh doanh du lịch.
Bốn là, cần đổi mới, nâng cao nhận thức trong toàn cộng đồng, trong đó chú trong nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng và bảo vệ hình ảnh, môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng, không ngừng nâng cao uy tín thương hiệu và sức thu hút của du lịch Quảng Trị. Tuyền truyền nhân dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch; chung tay giữ gìn môi trường, an ninh trật tự tại nơi công cộng, bãi biển, khu di tích, điểm du lịch. Từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, ngoài việc xúc tiến quảng bá tại các thị trường trong nước, Quảng Trị cần chú trọng quảng bá các hoạt động du lịch đến các thị trường tiềm năng quốc tế, tập trung vào các thị trường trọng điểm trong khu vực như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… từng bước liên kết hợp tác du lịch với các nước trong khu vực và thế giới nhằm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương.
Trần Văn Toàn (Quảng Trị)
(1). Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
(2). Sở VHTT&DL, Báo cáo tổng kết năm 2020.