Ông Ðồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, vừa ký ban hành Quyết định số 1015/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng. Khu Bảo tồn rộng trên 2.800ha này không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của ÐBSCL mà còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay.
Ðề án xác định lung Ngọc Hoàng là nơi du lịch trọng tâm lớn nhất của tỉnh Hậu Giang gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên vùng đất ngập nước, dã ngoại cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ hè…
Chim cò Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng.
Khám phá thiên nhiên hoang dã
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách TP Cần Thơ khoảng 40km về phía Ðông Nam sông Hậu. Ðây là vùng đồng trũng ngập nước trải dài từ phía Tây sông Hậu đến tận vùng U Minh, di sản cuối cùng của hệ sinh thái tự nhiên được đánh giá đa dạng sinh học và sinh cảnh, “lá phổi xanh” rất quan trọng của môi trường sống toàn khu vực ÐBSCL.
Khu bảo tồn là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Nơi đây có đầy đủ các hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước, chiếm ưu thế có choại, lác, sậy, bồng bông... Thực vật thuộc hệ sinh thái trên cạn gồm trâm sắn, ngái lông, gáo trắng, gừa, đủng đỉnh, mua... Thực vật thuộc hệ sinh thái dưới nước có lục bình, bông súng, sen, các loại bèo… Hệ động vật khá phong phú với trên 200 loài thuộc các lớp bò sát, chim, thú và loài lưỡng cư. Lung Ngọc Hoàng hiện có đến hàng chục loài thú, trong đó có loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu là dơi chó, chồn mực, cáo mèo, rái cá, rái móng. Còn có rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang nằm trong Sách Ðỏ thế giới; 10 loài bò sát trong đó tiêu biểu có rắn mái gầm, rắn cạp nong… Có 135 loài chim nước trong đó có 9 loài quý hiếm được đưa vào Sách Ðỏ Việt Nam như bạc má, giang sen, già đẫy, cà cuốc, cò ốc, cò lạo xám, ác là, le le khoang cổ và nhiều nhất là vạc với mỗi bầy đến hàng ngàn con... Còn phải kể đến những tổ ong lớn trong rừng tràm.
Nói đến du lịch sinh thái tỉnh Hậu Giang không thể không nhắc đến Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng, bởi đây là nơi bảo tồn sinh vật bản địa, đặc biệt là động vật quý hiếm, nơi tái tạo các mẫu sinh cảnh cuối cùng còn sót lại của vùng đồng bằng ngập nước Tây sông Hậu, một địa chỉ du lịch sinh thái độc đáo của ÐBSCL, nơi du lịch sinh thái lý tưởng thích hợp cho cả nghiên cứu khoa học và nghỉ ngơi, giải trí…
Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác, phát triển du lịch ở lung Ngọc Hoàng còn hạn chế, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Mặt khác, những tác động từ phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu đang làm cho các thảm thực vật, động vật, các loại thủy sản… của khu bảo tồn bị suy kiệt. Do đó, cần có giải pháp khai thác, phát triển bền vững lung Ngọc Hoàng cũng như đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư.
Đầu tư xây dựng sản phẩm để du lịch hấp dẫn hơn
Theo đơn vị tư vấn quy hoạch: Hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể về hoạt động du lịch tại lung Ngọc Hoàng. Tuy nhiên, từ các số liệu, tài liệu đã có, qua làm việc với cơ quan quản lý nhà nước địa phương, hoạt động du lịch ở khu bảo tồn được đánh giá là chưa phát triển, du khách rất ít, chủ yếu là các cá nhân đơn lẻ và người địa phương. Khách du lịch chủ yếu tập trung tại khu vực phía Ðông khu bảo tồn, đã đầu tư đường giao thông chủ yếu để Ban quản lý tuần tra. Cơ sở hạ tầng du lịch chưa phát triển…
Hiện nay lung Ngọc Hoàng là điểm đến còn mờ nhạt của du lịch tỉnh, cũng như của vùng; dù tiềm năng rất lớn. Ðề án phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt đã xác định Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hậu Giang và có khả năng trở thành khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030.
Theo Phê duyệt Ðề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng mới đây của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, lung Ngọc Hoàng sẽ phát triển du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên gắn với hệ động thực vật; du lịch vui chơi giải trí; du lịch gắn với bản sắc địa phương. Cùng các sản phẩm bổ trợ: ẩm thực, sản phẩm lưu niệm…
Ðồng thời, đầu tư xây dựng các sản phẩm độc đáo: du lịch “con đường Tràm”; du lịch trải nghiệm, khám phá “thuần thiên nhiên”; du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường; du lịch trải nghiệm kết hợp dịch vụ sản xuất; du lịch trải nghiệm, mạo hiểm; du lịch tuần trăng mật; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái,…
Ðoàn khảo sát du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng.
Theo đó, du lịch sinh thái lung Ngọc Hoàng phân chia thành 4 tuyến. Tuyến 1 là Trung tâm Ðiều hành đón tiếp - Hệ sinh thái đất ngập nước - Ðiểm du lịch sinh thái lung Sen - lung Lớn - Mô hình canh tác nông nghiệp. Tuyến 2: Trung tâm Ðiều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Ðiểm nuôi động vật bán hoang dã - Ðiểm giáo dục môi trường - Ðiểm du lịch sinh thái lung Sen - lung Lớn. Tuyến 3 là Trung tâm Ðiều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Ðiểm câu cá - Khu vui chơi giải trí - Khu lâm viên - Mô hình canh tác nông nghiệp. Tuyến 4 là Khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Du lịch sinh thái khu bảo tồn chia thành 3 phân khu chức năng chính:
Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Tại khu vực phía Nam, quy mô khoảng 1.015,94ha, là không gian phát triển du lịch sinh thái. Ðịnh hướng phát triển chính là Ðiểm du lịch sinh thái lung Sen - lung Lớn, khu vực phía Ðông khu bảo tồn thiên nhiên. Nơi đây phát triển du lịch sinh thái, tham quan, ngắm cảnh lung Sen, cắm trại, picnic. Ðề xuất xây dựng trạm quan sát toàn cảnh (cao khoảng 20m), mở các tuyến du lịch bằng đường thủy (dựa vào hệ thống kênh, lung bàu hiện có), du lịch đường bộ để tham quan cảnh quan rừng, đất ngập nước tiêu biểu của khu bảo tồn. Phát triển tuyến du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, đặc biệt tham quan, nghiên cứu rừng tràm dựa trên các tuyến đường mòn hiện trạng. Phát triển các điểm giáo dục môi trường, chòi quan sát, biển chỉ dẫn bảo vệ môi trường kết hợp du lịch sinh thái… dọc tuyến đường du lịch trong phân khu (tuyến kết nối điểm du lịch sinh thái lung Sen - lung Lớn với Phân khu Phục hồi sinh thái). Các hạng mục chính: Trạm quan sát toàn cảnh (khu vực Ðiểm du lịch sinh thái lung Sen), chòi quan sát, lều nghỉ chân.
Phân khu Phục hồi sinh thái: tại khu vực phía Tây khu bảo tồn thiên nhiên, quy mô khoảng 937,11ha. Ðây là không gian phát triển du lịch sinh thái, với các điểm câu cá, cắm trại picnic… ven tuyến đường thủy số 1 và số 3; điểm nuôi động vật bán hoang dã tại khu vực phía Nam phân khu Phục hồi sinh thái. Mở tuyến du lịch bằng đường thủy (dựa vào hệ thống kênh hiện có), du lịch đường bộ...
Phân khu Hành chính dịch vụ: Trung tâm Ðiều hành đón tiếp tại vị trí trung tâm, thuộc khoảnh số 46, khoảng 8,75ha. Ðây là khu vực làm việc của Bản quản lý, điều hành, đón tiếp khách du lịch; không gian dịch vụ, ẩm thực, trưng bày, giới thiệu và buôn bán các sản phẩm, sản vật của địa phương; không gian tổ chức sự kiện, hoạt động ngoài trời và là không gian đầu mối giao thông đường thủy. Nơi đây có trung tâm hội nghị, trung tâm đón tiếp, nhà dịch vụ, vườn dạo, bến thuyền, bãi đỗ xe...
Khu nghỉ dưỡng sinh thái ở phía Ðông Bắc của khu bảo tồn, thuộc khoảnh số 79, khoảng 44,34ha. Ðây là không gian lưu trú, nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên, gắn với đa dạng các dịch vụ ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, vui chơi giải trí… Gồm khu dịch vụ, spa - trị liệu, vui chơi giải trí, nhà nghỉ bungalow, nhà nghỉ sinh thái…
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết vốn đầu tư thực hiện đề án khoảng 370 tỉ đồng; trong đó giai đoạn I khoảng 353 tỉ đồng, giai đoạn II khoảng 17 tỉ đồng. Nguồn vốn ngân sách và huy động từ nguồn xã hội hóa. Tỉnh Hậu Giang có nhiều giải pháp như: khuyến khích các tổ chức, cá nhân có chức năng kinh doanh du lịch, các hộ gia đình sống trong khu bảo tồn và lân cận đủ điều kiện để đầu tư. Ðẩy mạnh huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khai thác và phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; thúc đẩy xúc tiến đầu tư du lịch, tập trung mời gọi các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn có uy tín, đủ tiềm lực để đầu tư các khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái, khu vui chơi giải trí...
Kỳ vọng du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng sẽ phát triển tương xứng với lợi thế tiềm năng và theo tầm nhìn của UBND tỉnh Hậu Giang.
Huỳnh Biển