Tăng trưởng xanh (TTX) có thể coi là một trong những nội dung quan trọng nhất của phát triển bền vững đối với tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó có du lịch. Để đánh giá, giám sát thực hiện TTX cho điểm đến du lịch, việc hoàn thiện và ban hành hệ thống tiêu chí TTX là yêu cầu đặt ra.
Trong đó, những nhóm chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, quản lý tài nguyên, quản lý điểm đến, phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch… cần được lượng hóa thành tiêu chí nhằm đo lường chính xác mức độ tăng trưởng bền vững tại mỗi điểm đến, đồng thời đáp ứng nhu cầu phân loại, xếp hạng để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm đến du lịch và phù hợp với điều kiện, khả năng áp dụng trong thực tiễn trên phạm vi toàn quốc.
Cần có tiêu chí TTX cho điểm đến du lịch
Phát triển du lịch bền vững trên nền tảng TTX là yêu cầu xuyên suốt được đặt ra trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội là những nội dung đã được định hướng rõ trong Chiến lược. Hơn thế nữa, phát triển du lịch theo hướng TTX còn nhằm đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch trong xu thế phát triển toàn cầu; nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường sống và đóng góp hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Trong nhiều năm qua, còn ít các mô hình TTX trong ngành Du lịch được áp dụng trên thực tế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu các nhóm tiêu chí đo lường mức độ TTX phù hợp với các loại mô hình phát triển du lịch.
Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đặt ra yêu cầu tăng cường công tác xây dựng tiêu chuẩn nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch cũng như tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chất lượng hoạt động du lịch. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo định hướng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Để triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm “Phát triển du lịch theo hướng TTX”. Trong Chương trình trọng điểm này, một trong những nhiệm vụ quan trọng là Xây dựng bộ tiêu chí về TTX cho điểm đến du lịch ở Việt Nam với mục tiêu đề xuất hệ thống tiêu chí về TTX trong lĩnh vực du lịch, làm cơ sở cho các ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan và cộng đồng doanh nghiệp tham khảo, lựa chọn định hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững. Việc đánh giá hoạt động du lịch theo hướng TTX không chỉ hướng tới mục tiêu bảo đảm cho phát triển bền vững, phù hợp với xu thế quốc tế và cam kết quốc gia của Việt Nam mà còn phục vụ nhu cầu đánh giá, phân loại, xếp hạng năng lực cạnh tranh của các điểm đến du lịch trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, công tác đầu tư và quản lý điểm đến của cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch.
Bộ tiêu chí về TTX cho điểm đến du lịch ở Việt Nam
Bộ tiêu chí TTX trong lĩnh vực du lịch được xây dựng dựa trên yêu cầu, nguyên tắc phát triển du lịch theo hướng TTX; đồng thời có khả năng tính toán hoặc điều tra được ở mức độ cao nhất có thể trong điều kiện thực tế. Nội hàm của Bộ tiêu chí phán ánh đúng các vấn đề trọng tâm của phát triển du lịch theo hướng TTX, đáp ứng xu thế của quốc tế và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về TTX của đất nước. Để xác định đối tượng đánh giá, nhóm nghiên cứu đề xuất đề xuất 02 nhóm đối tượng điểm đến du lịch, gồm điểm đến du lịch cấp tỉnh (đơn vị hành chính là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và khu, điểm du lịch địa phương đã được công nhận. Đồng thời, để xác định thang điểm đánh giá, nhóm nghiên cứu đề xuất giá trị điểm số đánh giá thông qua trọng số tiêu chí, phạm vi đánh giá theo tiêu chí và tầm quan trọng, mức độ chi phối của các yếu tố, các tiêu chí và nhóm tiêu chí đánh giá về: tăng trưởng của các chỉ số chuyên ngành du lịch; sức hấp dẫn của tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch xanh; bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch, công tác quản lý, định hướng phát triển theo hướng TTX, xử lý nước, rác thải; ứng dụng công nghệ để nâng cao khả năng khai thác tài nguyên; tăng trưởng số lượng lao động địa phương; sự hài lòng của khách du lịch và cộng đồng địa phương về sản phẩm và chất lượng dịch vụ... Nếu coi điểm đánh giá TTX của một khu, điểm du lịch là 100% thì mỗi nhóm tiêu chí và mỗi tiêu chí đánh giá sẽ chiếm một tỷ lệ điểm nhất định dựa vào tầm quan trọng và mức độ chi phối của tiêu chí hoặc nhóm tiêu chí đó. Các tiêu chí nào có vai trò quan trọng hơn, thể hiện sự tăng trưởng theo hướng bền vững, tạo sức hấp dẫn của điểm đến thì điểm đánh giá sẽ chiếm tỷ lệ cao và ngược lại. Đối với tiêu chí mang nhiều tính chất định tính, ví dụ như tiêu chí Sự hài lòng của khách du lịch về sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ tại địa phương được tính toán dựa trên số lượng phương thức chia sẻ sự hài lòng của du khách thông qua các hình thức như tin, đơn, thư, email...
Trên cơ sở nghiên cứu những cơ sở lý luận về kinh tế xanh, TTX, tiêu chí TTX, điểm đến du lịch và các bộ tiêu chí TTX trong lĩnh vực du lịch đã được các tổ chức trong nước và quốc tế xây dựng; các bộ tiêu chí ở những lĩnh vực khác có liên quan, nhóm nghiên cứu đề xuất 02 Bộ tiêu chí áp dụng đối với điểm đến là tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ tiêu chí áp dụng cho các khu, điểm du lịch đã được công nhận. Cụ thể, Bộ tiêu chí áp dụng đối với điểm đến là tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương gồm 42 tiêu chí cụ thể được chia là 7 nhóm: i) Nhóm tiêu chí tăng trưởng du lịch, gồm 5 tiêu chí; ii) Nhóm tiêu chí tài nguyên du lịch, gồm 4 tiêu chí; iii) Nhóm tiêu chí quản lý điểm đến, gồm 4 tiêu chí; iv) Nhóm tiêu chí sản phẩm và dịch vụ, gồm 10 tiêu chí; vi) Nhóm tiêu chí cơ sở hạ tầng, gồm 6 tiêu chí; vii) Nhóm tiêu chí việc làm, gồm 5 tiêu chí; viii) Nhóm tiêu chí vai trò của cộng đồng, gồm 4 tiêu chí. Trong đó, số tiêu chí phát triển du lịch theo hướng TTX gồm 32 tiêu chí (chiếm 76%) với tổng điểm tối đa là 72 điểm; số tiêu chí đảm bảo chất lượng tăng trưởng gồm 10 tiêu chí (chiếm 24%) với tổng điểm tối đa là 28 điểm. Đối với Bộ tiêu chí áp dụng cho các khu, điểm du lịch đã được công nhận, gồm 7 nhóm tiêu chí giống như điểm đến du lịch là các tỉnh, thành phố để bảo đảm tình thống nhất, nhưng số lượng tiêu chí chỉ là 36 vì một số tiêu chí đánh giá về định hướng, chính sách được lược bỏ; một số tiêu chí xác định yếu tố đánh giá cụ thể hơn do. Trong Bộ tiêu chí áp dụng cho các khu, điểm du lịch đã được công nhận, số tiêu chí đánh giá về phát triển du lịch theo hướng TTX là 31 (chiếm 86%), số tiêu chí đánh giá về bảo đảm chất lượng tăng trưởng du lịch là 5 (chiếm 24%). Căn cứ số liệu được cung cấp theo mẫu phiếu từ thông tin thống kê hàng năm của cơ quan quản lý du lịch địa phương và ban quản lý khu, điểm du lịch đã được công nhận, cơ quan quản lý du lịch cấp trên tổ chức đánh giá, phân hạng và công bố cho các điểm đến du lịch trực thuộc. Thang điểm đánh giá với tổng điểm tối đa là 100 điểm và căn cứ số điểm kết quả theo tiêu chí, tổng điểm sẽ được so sánh để thể hiện mức độ đánh giá theo 04 mức: cao, khá, trung bình và thấp. Bên cạnh đó, sẽ có 2 lớp đánh giá, phân loại điểm đến du lịch: cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương đối với các địa phương (tỉnh/thành) và cơ quan quản lý du lịch ở địa phương đối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Bộ tiêu chí đánh giá phát triển du lịch theo hướng TTX là công cụ không chỉ nhằm phản ánh khá đầy đủ nội hàm hành động TTX của ngành Du lịch mà còn giúp ngành Du lịch cũng như từng điểm, khu du lịch tự thay đổi để cải thiện hình ảnh và đảm bảo phát triển bền vững theo xu hướng chung của thế giới. Các tiêu chí đánh giá về TTX cho các điểm đến là hệ thống tiêu chí đánh giá lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam. Do vậy, trên cơ sở hệ thống tiêu chí này, với mỗi đối tượng sử dụng khác nhau, mục đích đánh giá khác nhau có thể rút gọn, cơ cấu lại các tiêu chí, xác định lại quy trình đánh giá cho phù hợp với thực tiễn.
Tiêu chuẩn hóa đang trở thành xu hướng và nhu cầu đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Du lịch Việt Nam sẽ phát triển bền vững nếu hoạt động du lịch được phát triển trên nền quản lý chất lượng thông qua hệ thống những tiêu chí phù hợp, trên cơ sở đó hướng tới việc hình thành những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Ngành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch cũng như hướng tới mục tiêu đến năm 2030, đưa Du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017
2. Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012
3. Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014
4. Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, 2019 – 2020
5. https://moitruongdulich.vn/index.php/item/14996
6. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-cac-tieu-chi-danh-gia-va-nhung-nhan-to-tac-dong-den-phat-trien-du-lich-ben-vung-tai-viet-nam-74313.htm
|
Hoàng Hoa Quân - Nhóm nghiên cứu