Bình Định: Quan trắc đánh giá rạn san hô và nguồn lợi thủy sản vịnh Quy Nhơn

Cập nhật: 25/06/2021
Vừa qua, Chi cục Thủy sản Bình Định phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Hiệp hội Thủy sản tổ chức hoạt động quan trắc đánh giá rạn san hô và nguồn lợi thủy sản tại các khu vực biển được giao cho Tổ chức cộng đồng quản lý bảo vệ thuộc khu vực biển vịnh Quy Nhơn.

Hoạt động quan trắc của Tổ chức cộng đồng khu vực biển phía Tây Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải, khu vực biển Bãi Dứa, xã Nhơn Lý và khu vực biển Hòn Nhàn, phường Ghềnh Ráng của TP. Quy Nhơn được sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật của 2 chuyên gia về giám sát rạn san hô đến từ Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 với những sáng kiến từ Trung ương đến địa phương” do MCD chủ trì thực hiện, triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định. Tại Bình Định, Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở 3 xã/phường Nhơn Lý, Nhơn Hải và Ghềnh Ráng.

Quan trắc thực tế trên vùng rạn

Tham gia hoạt động quan trắc có 18 quan trắc viên là thành viên Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn 3 xã/phường nói trên Tại Hội thảo quan trắc các học viên được hướng dẫn lại kỹ thuật

Hoạt động được tiến hành theo phương pháp Reefcheck và thực hiện trên 3 vùng rạn: Khu vực biển Bãi Dứa xã Nhơn Lý (ngày 14/6/2021); khu vực biển phía Tây Hòn Khô Nhỏ xã Nhơn Hải (ngày 15/6/2021) và khu vực biển Hòn Nhàn, phường Ghềnh Ráng (ngày 16/6/2021).

Tại mỗi vùng rạn, ghi lại những thông tin về 3 nhóm chính: Hợp phần đáy (san hô cứng, san hô mềm, rong, san hô chết, đá, bùn);  động vật đáy (tôm, cầu gai đen, trai tai tượng, sao biển gai) và cá rạn (cá mú, cá dìa, cá mó, cá thia). Qua đây sẽ đánh giá được độ phủ san hô trên vùng rạn tại các khu vực biển trên cùng những sinh vật đi kèm. Hoạt động này cần thiết nhằm hỗ trợ cho Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương đánh giá hiệu quả quản lý bảo vệ rạn san hô tại khu vực biển được giao, phục vụ tốt cho công tác quản lý về sau.

Số liệu thu được sẽ góp phần đánh giá nguồn lợi hàng năm, đánh giá hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rạn san hô và nguồn lợi thủy sản đối với từng vùng và so sánh dữ liệu san hô, sinh vật với những vùng rạn khác trong Khu vực biển Vịnh Quy Nhơn hoặc trong mạng lưới giám sát tại 6 điểm thuộc dự án. Từ đó điều chỉnh công tác quản lý để đảm bảo bảo vệ tốt hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản.

Phương Linh

Nguồn: Tạp Chí Môi Trường