Sau hai năm thử nghiệm, từ năm học 2021 - 2022, TP Hội An sẽ đưa bộ tài liệu Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An vào chương trình tiểu học.
Học sinh lớp 1 sau buổi tìm hiểu và trải nghiệm tại di tích chùa Cầu.
Thích thú với không gian văn hóa
Bộ tài liệu Giáo dục di sản trong học đường dành cho cấp tiểu học ở Hội An - Quảng Nam (gọi tắt: BTL GDDS) do Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (QLBT DSVH Hội An) chủ trì biên soạn, phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hội An triển khai thử nghiệm tại một số trường học trên địa bàn thành phố hai năm qua.
Từ năm học 2017 - 2018, bộ tài liệu này được dạy thí điểm trong năm khối lớp của Trường tiểu học Phù Đổng với 10 chủ đề: “Chùa Cầu ở Hội An”, “Đình ở Hội An” (Lớp 1); “Giếng cổ ở Hội An”, “Hội quán ở Hội An” (Lớp 2); “Chùa ở Hội An”, “Múa thiên cẩu ở Hội An” (Lớp 3); “Lăng Ông ở Hội An”, “Nhà thờ tộc ở Hội An” (Lớp 4); “Nhà cổ ở Hội An”, “Làng nghề truyền thống ở Hội An” (Lớp 5). Mỗi chủ đề gồm ba tiết học, trong đó có một tiết học trải nghiệm thực địa tại di tích, bảo tàng.
Học sinh (HS) được nghe thuyết minh và tận mắt chứng kiến về không gian nhà cổ; tìm hiểu về nghề nông, nghệ thuật hô hát bài chòi; trình diễn thư pháp, dán lồng đèn, chuốt gốm; tham gia các trò chơi dân gian truyền thống. Sau mỗi buổi học, các em ghi lại những dòng cảm xúc, suy nghĩ về hoạt động nhận diện, hiểu biết di sản.
Các thành viên, đơn vị chức năng trực tiếp tham gia đã đánh giá cao tính trực quan sinh động, sự hấp dẫn của hình thức trải nghiệm. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết của HS về di sản văn hóa Hội An. Ông Đinh Phú Đông, Trưởng ban Tuyên giáo TP Hội An đánh giá: Chương trình “Giáo dục di sản trong học đường” và hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” đã phát huy sức hấp dẫn của lịch sử văn hóa địa phương ở các cấp học tiểu học và THCS. Cùng với đó, là các hoạt động chung tay chăm sóc di tích; Đi tìm địa chỉ đỏ do các ngành văn hóa, giáo dục, Đoàn Thanh niên phối hợp thực hiện, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về di sản văn hóa trong thế hệ trẻ, trong học đường”.
Em Ngô Gia, HS lớp 5 (Trường tiểu học Phù Đổng) chia sẻ: “Em rất thích thú khi được trải nghiệm tại di tích trong khu phố cổ Hội An, tận mắt nhìn những hiện vật trong bảo tàng và nghe kể lại những điều từ xa xưa của ông bà tổ tiên, về văn hóa, những làng nghề truyền thống của Hội An ngày xưa”.
Gợi hướng khai thác bảo tàng hiệu quả
Học ở bảo tàng là một trong số những lựa chọn tối ưu khi đưa chương trình giáo dục di sản vào học đường tại các nước trên thế giới. Tại Hội An, từ trước khi bộ tài liệu nói trên được đưa vào dạy thử nghiệm tại khối lớp 1, Trung tâm QLBT DSVH Hội An đã phối hợp Phòng GD&ĐT triển khai hoạt động ngoại khóa thường xuyên “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” để HS tiểu học, THCS trải nghiệm di sản. Qua đó bồi dưỡng kiến thức về lịch sử - văn hóa, ươm mầm ý thức giữ gìn di sản bằng những hoạt động tương tác giữa bảo tàng với HS. Bà Lê Thị Tuấn, Trưởng phòng Bảo tàng - Trung tâm QLBT DSVH Hội An cho biết, từ năm 2014, vào sáng thứ bảy hằng tuần, các em HS tiểu học được tham quan bảo tàng theo các chuyên đề như sinh hoạt dân gian, nghề truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian… của Hội An.
Hơn hai năm qua, nhóm chuyên viên của hai đơn vị biên soạn một hệ thống giáo án để triển khai dạy thí điểm ở một số điểm trường. Trong thời gian triển khai thí điểm vừa qua, những kiến thức về lịch sử hình thành, phát triển di sản được truyền tải đến học sinh qua hình thức tranh ảnh trực quan, video clip. Bên cạnh đó, HS được tham quan thực tế các di tích của Hội An. Các giáo viên, chuyên viên tham gia cũng được tập huấn về phương thức giảng dạy nhằm phát huy tố chất của HS, khơi gợi tình yêu di sản và ý thức tự thân của chính các em về bảo vệ di sản. Qua đó, bộ tài liệu Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An dần hoàn thiện cả nội dung chương trình, hình ảnh, video clip để chính thức đưa vào triển khai giảng dạy ở cấp tiểu học trong năm học 2021 - 2022 này.
Cô Huỳnh Thị Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng nhận xét: “Bài học được đưa ra cho các em không phải là những lý thuyết mô phạm mà là những hoạt động vui chơi, thực hành để các em trực tiếp khám phá di sản văn hóa quê hương. Đồng thời mở ra một cách “thực hành lịch sử” qua góc nhìn di sản thú vị cho các em. Thông qua những tiết học như thế, việc tiếp thu kiến thức về văn hóa, lịch sử, tuyên truyền về việc giữ gìn và bảo tồn giá trị di sản của địa phương vì thế cũng trở nên nhẹ nhàng hơn”.
Mong rằng, chương trình sẽ không chỉ giáo dục HS tìm hiểu, yêu mến di sản Hội An, mà còn thí điểm tạo ra một phương thức mới để nhà trường, ngành giáo dục khai thác có hiệu quả nhất các bảo tàng, di tích.
Bài & ảnh: Ninh Nguyễn, Khiếu Hoài