Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam vừa trình UBND tỉnh đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đề án này, tỉnh Quảng Nam sẽ thu hồi, mua lại 30 ha rừng đang là nương rẫy của người dân nhằm bảo đảm có tối thiểu 60 ha sinh cảnh sống cho đàn voọc. Ngoài ra, vùng xung quanh phạm vi này với tổng diện tích khoảng 90 ha rẫy trồng keo của người dân sẽ trở thành vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái nhằm hạn chế các tác động đến vùng lõi và tạo thêm không gian sống cho loài voọc chân xám. Khu vực này sẽ được đồng quản lý giữa nhà nước và cộng đồng với định hướng kết hợp bảo tồn gắn liền du lịch sinh thái để cải thiện sinh kế cho người dân.
Chú thích: Voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Ảnh: Trung tâm GreenViet
Xã Tam Mỹ Tây hiện có khoảng 70 con voọc thuộc 6 đàn. Đây là quần thể voọc duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên. Vì thế, tỉnh Quảng Nam có cơ hội lớn để bảo tồn đàn voọc và phục vụ cho sự phát triển bền vững, thông qua mô hình du lịch sinh thái, văn hóa địa phương. Tuy nhiên, hiện khu vực đàn voọc sinh sống chỉ có khoảng 30 ha, thuộc rừng nghèo, hẹp trên núi đá, chiều ngang dao động khoảng 50-150 m. Việc mở rộng diện tích rừng tự nhiên cho voọc sẽ giảm thiểu mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể, gồm cả yếu tố tự nhiên như thiếu thức ăn, nơi ở, nước uống, khó chống chịu lúc thời tiết quá nóng hoặc lạnh; nguy cơ thoái hóa nguồn gien do giao phối cận huyết; tác động từ con người như săn bắn, bẫy bắt, cháy rừng, lấn chiếm rừng làm rẫy, khai thác lâm sản...
Tr.Thường