Là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thị xã Sa Pa đang nỗ lực đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm đặc thù. Nhiều đơn vị trên địa bàn thị xã đang thực hiện những dự án khôi phục giống hoa bản địa, trong đó có Dự án “Khôi phục một số giống hoa bản địa có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển du lịch tại Sa Pa, Lào Cai” của Công ty TNHH Phát triển đô thị Phú Minh.
Từ bảo tồn...
Hoa hồng cổ Sa Pa và địa lan Trần Mộng Xuân là 2 loài hoa quý hiếm, đặc trưng của “xứ sở sương mù”. Tại Sa Pa trong những năm gần đây, hồng cổ và địa lan được trồng với mục đích bán thương mại và phục vụ du lịch. Tuy nhiên, việc đưa vào sản xuất 2 giống hoa này còn hạn chế do công nghệ, kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo quản chưa phù hợp khiến năng suất và chất lượng hoa thương phẩm không cao.
Tham quan mô hình trồng địa lan Trần Mộng Xuân tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.
Nói về hồng cổ Sa Pa, loài hoa này chủ yếu được trồng tự phát, việc lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu, phát triển nguồn gen ít được quan tâm nên ngày càng bị lẫn tạp và thoái hóa. Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Công ty TNHH Phát triển đô thị Phú Minh đã xây dựng mô hình nhân giống hoa hồng cổ Sa Pa bằng phương pháp chiết cành, áp dụng trên quy mô 5.000 m2 tại tổ 1, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa. Sau hơn 1 năm triển khai, cây hoa hồng cổ Sa Pa của công ty ít bị sâu, bệnh hại, cây sinh trưởng khỏe mạnh hơn so với cách trồng thông thường. Từ đó, kỹ thuật nhân giống hoa hồng cổ Sa Pa mới có triển vọng để trồng rộng rãi tại Sa Pa hoặc các vùng có điều kiện khí hậu tương tự.
Tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, việc phát triển cây địa lan Trần Mộng Xuân rất được chú trọng. Hiện cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao, tổng doanh thu từ cây địa lan của xã ước đạt 10 - 12 tỷ đồng/năm. Theo bà Lại Thị Nga, Giám đốc Hợp tác xã hoa địa lan Tả Phìn, mặc dù địa lan Trần Mộng Xuân có giá trị cao nhưng do áp dụng phương pháp sản xuất cũ nên cây giống dễ bị thoái hóa, tỷ lệ cây thương phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất bán dịp tết Nguyên đán thấp.
Đó cũng là trăn trở của các nhà vườn trên địa bàn những năm gần đây. Năm 2020, được sự giúp đỡ của Công ty TNHH Phát triển đô thị Phú Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh đã phối hợp đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về canh tác địa lan Trần Mộng Xuân cho người dân xã Tả Phìn. Hiện nay, Hợp tác xã đã nhân giống được hơn 6.000 chậu địa lan Trần Mộng Xuân bằng phương pháp tách nhánh, đồng thời có hơn 10.000 m2 sản xuất địa lan Trần Mộng Xuân thương phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao gần gấp đôi so với trước đây.
Bên cạnh nghiên cứu phương pháp nhân giống hoa hồng cổ Sa Pa và địa lan Trần Mộng Xuân, Công ty TNHH Phát triển đô thị Phú Minh còn tiến hành các thí nghiệm để hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản 2 loại hoa này.
... đến phát triển du lịch
Vườn hồng Mộng Mơ của gia đình anh Đỗ Phú Chính (tổ 2, phường Ô Qúy Hồ, thị xã Sa Pa) cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 10 km theo Quốc lộ 4D hướng đi Lai Châu rộng hơn 2 ha có vẻ đẹp rất riêng. Dựa vào địa thế tự nhiên, khu vườn khiến ai đến đây cũng ngỡ như lạc vào xứ sở thần tiên trong truyện cổ tích. Từ vườn hồng cổ Mộng Mơ, du khách có thể ngắm đỉnh Fansipan hùng vĩ, bản Sín Chải thơ mộng phía xa, kết hợp tham quan vườn quả, đồi chè Ô long hoặc thác Bạc, cổng trời... Chính từ những lợi thế trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1455 ngày 22/5/2020 công nhận vườn hồng Mộng Mơ là điểm du lịch thuộc Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Liên…
Ông Đỗ Phú Chính, chủ vườn hồng Mộng Mơ, phường Ô Quý Hồ cho biết: Nắm rõ những giá trị mà hoa hồng cổ Sa Pa mang lại, chúng tôi đã bắt tay xây dựng khu vườn với nhiều loại hoa hồng cổ đặc trưng của Sa Pa, tạo không gian thật ấn tượng đối với du khách. Trong triển khai mô hình, chúng tôi được Công ty TNHH Phát triển đô thị Phú Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh phối hợp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới về canh tác, nhân giống, phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây hoa hồng cổ Sa Pa. Đến nay, khu vườn đã có hơn 80.000 cây hoa hồng cổ, mỗi năm thu hút hàng nghìn khách du lịch tới tham quan.
Bà Lại Thị Nga, Giám đốc Hợp tác xã hoa địa lan Tả Phìn cũng cho rằng, phát triển sản xuất gắn với du lịch là tiền đề để hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chính vì vậy, việc xây dựng được “thiên đường” hoa địa lan tại Tả Phìn được coi là bước đột phá của ngành du lịch địa phương. Đây là hướng đi mới giúp du khách đến gần hơn với thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Du khách tới tham quan, ngoài ngắm hoa còn được trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch hoa tại vườn, tìm hiểu về hoa và lưu lại những hình ảnh ấn tượng.
Chia sẻ thêm về Dự án “Khôi phục một số giống hoa bản địa có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển du lịch tại Sa Pa, Lào Cai”, ông Phạm Hữu Ánh, Chủ nhiệm dự án, Công ty TNHH Phát triển đô thị Phú Minh cho biết: Dự án được thực hiện từ tháng 9/2019, hiện đã xây dựng 2 mô hình sản xuất hồng cổ Sa Pa, địa lan Trần Mộng Xuân thương phẩm gắn với phát triển du lịch và mô hình sơ chế, đóng gói, bảo quản hoa với diện tích 500 m2 tại xã Tả Phìn.
Hiệu quả ban đầu của dự án góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch Sa Pa.
Thanh Huệ