Các nhà khoa học thành công trong việc tái sinh hàng loạt động vật đã tuyệt chủng trong tự nhiên.
Từ năm 1995-1997, 41 con sói xám đã được tái sinh ở Công viên Quốc gia Yellowstone sau 70 năm vắng mặt. Ảnh: AFP
Những con sói đỏ Bắc Carolina, hải ly Á-Âu và ngựa hoang Mông Cổ có điểm chung là tất cả chúng đã tuyệt chủng trong tự nhiên, và tất cả chúng đều quay trở lại nhờ các chương trình tái sinh.
Theo CNN, các nhà khoa học bảo tồn sử dụng phương thức chuyển vị và sinh sản nuôi nhốt để thiết lập lại các quần thể động vật đã chết trong tự nhiên - tuyệt chủng toàn bộ hoặc ở một số khu vực nhất định.
Hồi sinh động vật hoang dã đã tuyệt chủng trở lại lãnh thổ bản địa của chúng có thể là một chiến thắng kép, vừa giúp phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, vừa tăng dân số của các loài này.
Trong thế kỷ 20, số lượng báo cheetah sụt giảm 93% do bị săn bắn và mất môi trường sống, tuyệt chủng ở nhiều vùng lãnh thổ lịch sử như Ấn Độ và Châu Phi. Năm 2017, chương trình tái sinh ở Công viên Quốc gia Liwonde, Malawi đưa loài này trở lại lần đầu tiên sau 20 năm. Ảnh: AFP/Getty
Nhà sinh thái học Natasha Robinson tại Đại học Quốc gia Australia, người chuyên về các loài động vật hoang dã bị đe dọa, cho biết, trước khi tái sinh một loài nào đó, các nhà bảo tồn phải đánh giá mức độ đe dọa (đối với loài và từ loài này) cũng như vai trò của nó đối với hệ sinh thái. Ở những nơi mà các quần thể hoang dã đã chết gần đây có nhiều cơ hội thành công hơn.
“Thời gian trôi qua càng ít, môi trường đó càng có nhiều khả năng giống như khi loài này tuyệt chủng. Nhưng vẫn cần phải giải quyết lý do nó tuyệt chủng trong môi trường đó" - bà Robinson giải thích.
Tái sinh ngựa hoang Mông Cổ là một trong những câu chuyện tái sinh thành công mang tính biểu tượng. Loài này đã bị tuyệt chủng trong tự nhiên vào những năm 1960 và đã được hồi sinh năm 1985. Ảnh: TASS/Getty
Động vật được tái sinh có thể có tác động tích cực đến môi trường, nhưng điều này xảy ra nhanh như thế nào phụ thuộc vào loại động vật và mức độ tàn phá của môi trường.
Robinson cho biết, động vật ăn cỏ có thể tạo ra một sự thay đổi đáng kể tương đối nhanh chóng, ví dụ như chuột gộc bandicoot - loài thú có túi nhỏ như chuột chù, chuyên đào và phân phối lại "lượng nhiên liệu" dễ cháy như lá khô, có thể làm giảm nguy cơ cháy rừng, cũng như tăng khả năng đào xới đất và cải thiện sự phát triển của cây con.
Tuyệt chủng ở Trung Âu từ những năm 1800, mèo rừng Á Âu đã trở lại ở một số nước gồm Thụy Sĩ, Pháp, Italia, Áo và Đức nhờ chương trình tái sinh bắt đầu từ những năm 1970. Ảnh: AFP
Trong khi đó, những động vật săn mồi có xu hướng được tái sinh một cách chậm rãi và cẩn thận. Robinson cho biết, mặc dù chúng có thể hữu ích trong việc quản lý các loài sinh vật gây hại, nhưng các nhà bảo tồn phải đảm bảo chúng không săn lùng quá mức hoặc đe dọa các động vật dễ bị tổn thương khác.
Năm 2020, quỷ Tasmania trở lại New South Wales, Australia. Ảnh: Aussie Park
Một nghiên cứu năm 2020 đã nhấn mạnh việc hồi sinh các loài là một trong những cách hiệu quả nhất để cứu các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu không có những dự án này, các loài như ngựa hoang Mông Cổ và chim Guam rail gần như chắc chắn sẽ bị tuyệt chủng trong tự nhiên.
Bị săn lùng để lấy thịt, da sống và sừng, linh dương sừng kiếm Arab đã biến mất khỏi tự nhiên vào những năm 1970 nhưng sau đó được tái sinh ở Israel, Oman, Saudi Arabia, Jordan và UAE. Ảnh: AFP.
Nghiên cứu ước tính rằng hoạt động bảo tồn từ năm 1993 đến năm 2020 đã cứu được 48 loài chim và động vật có vú khỏi nguy cơ tuyệt chủng, và tốc độ tuyệt chủng sẽ cao hơn 3-4 lần, trong giai đoạn đó, nếu không có những nỗ lực này.
Khánh Minh