Thời gian vừa qua, việc Rạp xiếc Trung ương nói "không" với biểu diễn xiếc thú hoang dã và chuyển giao bốn con gấu cuối cùng cho Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Ðảo đã được dư luận hoan nghênh, ủng hộ.
Hai cá thể gấu con ở Rạp xiếc Trung ương được cứu hộ. Bác sĩ thú y khám sức khoẻ cho hai gấu sau gây mê. Ảnh năm 2019.
Từ sự việc này, có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc các công viên, vườn bách thú hiện nay nên sớm xây dựng lộ trình phù hợp để trả thú hoang về môi trường tự nhiên. Bởi về bản chất, "công việc" của thú hoang dã tại các rạp xiếc và vườn thú không khác nhau là bao. Người xem đều phải trả tiền để được ngắm nhìn chúng, thậm chí trong vườn thú độ thân thiện, hấp dẫn còn thua xa rạp xiếc.
Dạo một vòng quanh Vườn thú Hà Nội sẽ thấy tình trạng nuôi nhốt thú khác nhau. Các loài dữ dằn như hổ, báo, gấu, sư tử… hoặc những loài có thể gây nguy hiểm cho con người như khỉ, vượn… bị nhốt trong những cái chuồng bao quanh bằng nhiều lớp lưới mắt cáo, chẳng khác gì "sống sau song sắt". Những loài hiền lành như voi, hươu, nai, ngựa vằn, đà điểu… cũng phải ngăn cách bằng tường hào hay những hàng rào kim loại bởi chúng là… thú hoang.
Ðã có thời người ta quan niệm, vườn thú là nơi tham quan, giải trí và mang chức năng nghiên cứu khoa học, bảo tồn động vật hoang dã, tham gia vào việc giáo dục gìn giữ môi trường thiên nhiên. Nhưng giờ đây, quan niệm này đã thay đổi ở nhiều nước trên thế giới, thậm chí bị coi là phản cảm trong giáo dục các em nhỏ. Ðến Vườn thú Hà Nội ở những thời điểm khác nhau, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh những con khỉ nằm hớ hênh bắt rận trong lồng lưới sắt ken dày, chật hẹp. Lũ hà mã thì trốn biệt dưới ao nước láng xi-măng khá bé so với thân hình ục ịch của chúng để tránh nắng. Những con đà điểu thở hổn hển, những con voi buồn bã bứt rứt đu đưa thân hình khổng lồ, tiếng xích sắt kêu lẻng xẻng. Rõ ràng nhìn rất phản cảm.
Một em bé đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một con voi to lớn ở nước ngoài chỉ bị "xích" chân bằng một sợi dây thừng mà vẫn ngoan ngoãn đứng yên trong khu vực của nó. Bởi lúc còn bé, người quản thú buộc chân nó bằng sợi dây thừng này. Nó đã nhiều lần cố giật đứt sợi dây nhưng không được. Khi là một con voi trưởng thành nó vẫn nghĩ sẽ không bao giờ thoát khỏi sợi dây đó nên người ta không cần phải thay bằng dây xích sắt. "Cháu không muốn trở thành con voi như thế và sẽ không bao giờ tới đây nữa". Một số em khác tỏ thái độ khó chịu trước tình trạng "giam giữ" những con thú lẽ ra phải thuộc về rừng xanh. Rõ ràng, các em nhỏ thế hệ "Z" đã có suy nghĩ, hiểu biết, nhận thức rất khác chúng ta, như trong trường hợp này, chức năng "giáo dục" của vườn thú vô tình trở thành phản giáo dục.
Một vườn thú hoang nằm trong khu vực nội đô dân cư đông đúc còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Chức năng công viên - nơi nhiều người đến nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn và chức năng vườn thú - nơi sinh sống của động vật hoang dã có thể xung đột với nhau về mặt vệ sinh môi trường. Người ta còn nhớ, cuối năm 2011, dư luận từng xôn xao khi một con hổ ở Vườn thú Hà Nội suýt vượt qua hàng rào bảo vệ thoát ra ngoài…
Ðã đến lúc cần phải có những công viên động vật hoang dã hoặc bán hoang dã dành cho các loài thú đang bị nuôi nhốt hiện nay ở Vườn thú Hà Nội và Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh. Nơi ấy nên xa trung tâm thành phố, có đồi núi, thảm cỏ, môi trường tự nhiên phù hợp với các loài thú hoang dã khác nhau. Nhiều nước trong khu vực có điều kiện tương đồng với nước ta đã rất thành công khi xây dựng các Night Safari (vườn thú đêm) - những công viên hoang dã thật sự, vương quốc do con người tạo ra cho các loài thú. Những nơi ấy mới mang ý nghĩa giáo dục người xem, đặc biệt là trẻ em, về sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, về thái độ ứng xử bình đẳng giữa muôn loài trên hành tinh. Chưa kể, đây cũng là nơi hấp dẫn, thú vị để tham quan, khám phá dành cho du khách và đem lại những nguồn lợi kinh tế đáng kể.
Mới đây cuốn truyện tranh thiếu nhi Chang hoang dã - Gấu (Nhà xuất bản Kim Ðồng) của Trang Nguyễn - một nhà bảo tồn động vật hoang dã trẻ tuổi, kể về hành trình của một cô bé giúp một con gấu chó bị thợ săn bắt, sau đó được giải cứu và đưa trở về với rừng, đã thu được thành công lớn. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu với số tiền tác quyền lớn, điều hiếm thấy đối với tác phẩm của tác giả trong nước. Ngoài giá trị của cuốn sách thì điều này cho thấy, bảo vệ động vật hoang dã là chủ đề mang tính toàn cầu và luôn nhận được sự quan tâm quốc tế.
Cách đây nhiều năm, Vườn thú Hà Nội trong Công viên Thủ Lệ vốn chỉ là nơi nuôi giữ thú hoang tạm thời, về lâu dài sẽ chuyển tới vị trí thích hợp theo quy hoạch chung của thành phố. Sự "tạm thời" ấy đã kéo dài gần 40 năm. Vì vậy, tiếp theo nỗ lực giải phóng động vật hoang dã khỏi việc biểu diễn sân khấu rạp xiếc, cần sớm hiện thực hóa việc trả thú hoang về vườn thú thiên nhiên của chúng. Ðây là những giá trị mới, đời sống mới mà chúng ta có thể mang lại cho các loài thú hoang, cho môi trường tự nhiên và cho chính các thế hệ tương lai của chúng ta.
Hữu Việt