Y Hlạng nói rằng, chị yêu nghề dệt thổ cẩm của người Xê Đăng như cái cách dân tộc chị yêu nhà Rông, bến nước. Chị yêu những vẻ đẹp của những người đàn ông, phụ nữ khoác lên mình bộ áo quần thổ cẩm rồi cùng nhau đánh chiêng, múa xoang trong hương men rượu cần bên bếp lửa bập bùng mỗi mùa lễ hội. Vì vậy, bằng mọi cách, chị đã vực dậy nghề dệt thổ cẩm ở làng Pu Tá nói riêng và xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nói chung để lưu giữ bản sắc dân tộc.
Chị Y Hlạng truyền dạy nghề dệt truyền thống cho lớp trẻ. Ảnh: Thùy Dung
Nỗ lực giữ nghề dệt truyền thống
Chúng tôi đến Măng Ri sau 3 giờ đồng hồ xuất phát từ thành phố Kon Tum. Chuyến công tác này, chúng tôi tìm về nhà chị Y Hlạng, ở làng Pu Tá. Chị là một trong những hạt nhân tiểu biểu trong việc giữ gìn nghề dệt truyền thống của người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông.
Từng có duyên gặp chị Y Hlạng trong nhiều lần về Măng Ri, lần này, chúng tôi đến nhưng không hẹn trước, thật may chị Y Hlạng ở nhà. Trên nếp nhà sàn, chị vẫn miệt mài dệt vải. Chị nhanh chóng nhận ra và vui mừng đón chúng tôi vào nhà. Với tay bật chiếc quạt rồi tăng số cao nhất để xua bớt cái nóng nực của tiết trời bên ngoài, chị rót chén nước trà và chia sẻ với chúng tôi về cái duyên đến với nghề dệt truyền thống.
Chị Y Hlạng kể: “Nghề dệt thổ cẩm của người Xê Đăng đều do người phụ nữ trong gia đình truyền lại cho con cái trong nhà. Ngày xưa, mỗi người con gái ở làng mình lớn lên đều được mẹ dạy cho những nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, ủ rượu cần... Và mình cũng vậy, mình lớn lên bên tiếng kẽo kẹt của khung cửi, khoác lên chiếc áo mẹ dệt, vì vậy mà mình yêu nghề dệt từ lúc nào không hay”.
Những tưởng nghề dệt vẫn tiếp tục được duy trì nhiều đời, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội và gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” mà có thời gian nghề dệt ở làng Pu Tá đứng trước nguy cơ mai một. Đôi mắt chị Hlạng thoáng buồn, rồi chị trăn trở: “Từ lúc tôi ý thức được sự quan trọng của việc giữ gìn nghề dệt thì nghề đã đứng trước nguy cơ thất truyền. Những người có tay nghề giỏi, am hiểu những nét hoa văn cổ thì đã già, phần lớn đã “đi về với ông bà”. Còn những người trẻ thì không mặn mà với nghề nữa, họ bị thu hút bởi những bộ quần áo bán sẵn. Vì vậy, năm 2005, tôi đã đi khắp làng để kêu gọi chị em học nghề dệt, đồng thời tìm đến những người có tay nghề cao để học hỏi”.
Ngắt lời, chị Hlạng vội chạy vào phòng, chị mang ra một tấm vải dệt với họa tiết hoa văn cổ do người mẹ quá cố của chị để lại. Chị xem nó như kỷ vật và cất cẩn thận, chỉ mang ra để cho những người tìm hiểu về văn hóa dệt xem. Mân mê tấm vải dệt, chị Hlạng tiếp tục kể về một dấu ấn khiến cho chị quyết tâm phải làm cho văn hóa của dân tộc mình phát triển hơn.
Chị Hlạng kể: “Năm 2015, tôi được đi tham quan ở các tỉnh phía Bắc. Tôi thấy đồng bào phía Bắc phát huy rất tốt các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong số đó có trang phục. Khi về làng Pu Tá, nhiều đêm tôi trằn trọc suy nghĩ, mong muốn dân làng mình cũng như bà con nơi khác biết phát triển văn hóa và tôn vinh vẻ đẹp của đồng bào mình. Đồng thời, từ nét đặc sắc này, biết đâu mai sau có thể phát triển được du lịch cộng đồng để giúp người làng hòa nhập và phát triển hơn. Từ những suy nghĩ, khát khao đó, tôi đã vận động các cháu trong làng học nghề dệt để gìn giữ nghề”.
“Trong công tác tuyên truyền, vận động người làng học dệt, khó khăn nhất là thay đổi tư duy của bà con. Người làng cho rằng, dệt vải vừa tốn thời gian, công sức lại mệt mỏi. Trong khi đó, quần áo bán sẵn đã về với dân làng. Chỉ cần có ít tiền cũng đã có quần áo mặc. Để chứng minh cho dân làng thấy việc giữ gìn nghề dệt là quan trọng, tôi cặm cụi bên khung cửi nhiều ngày liên tục quyết dệt được một tấm vải đẹp nhất, sau đó may thành váy áo để mặc cho bà con xem. Mình nói với người dân rằng, đồ dệt bằng tay sẽ bền và tốt hơn đồ mua sẵn. Thời gian đầu, bà con vẫn quyết không nghe nhưng sau này họ cũng xuôi vì thấy tôi nói đúng” - Chị Hlạng cho biết thêm.
Chị Hlạng nhớ mãi về kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021, chị bán được hơn 70 bộ đồ cho người dân các xã lân cận như Văn Xuôi, Ngọc Yêu... tới mua để đi dự đại hội. Tiếng lành đồn xa, nhiều đơn vị khác cũng liên hệ chị để đặt hàng. Vì số lượng hàng lớn, chị lại tiếp tục đi kêu gọi những người biết dệt đến để làm. Có tiền thì chia đều cho nhau, cứ mỗi bộ được 300 ngàn đồng. Nhiều chị em thấy lợi nhuận từ việc dệt thổ cẩm, cũng tìm tới xin chị Hlạng học dệt.
Nhân rộng nghề dệt và nâng cao thu nhập
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hlạng tỏ vẻ phấn khởi vì đã đóng góp được phần nào công sức để khôi phục nghề dệt thổ cẩm của người xưa để lại. Không chỉ nối dài văn hóa, từ nghề dệt truyền thống, chị em ở làng Pu Tá còn có thêm thu nhập khi nông nhàn. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của người dân cũng được cải thiện hơn ngày trước.
Năm 2018, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền làng Pu Tá được Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng 7 khung dệt theo Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Những khung dệt này được chị Hlạng giao lại cho các chị em chưa có điều kiện mua khung để họ được tiếp thêm động lực học nghề dệt truyền thống.
Không chỉ có công bảo tồn văn hóa dân tộc, chị Y Hlạng còn là tấm gương lao động giỏi ở xã Măng Ri. Ảnh: Thùy Dung
Chị Y Nhon, một trong những người học nghề dệt từ chị Hlạng cho biết: “Ngày trước, tôi không để ý đến nghề dệt, quần áo thường chỉ mua sẵn. Năm 2015, được sự kêu gọi của cô Hlạng, tôi và một vài chị em bắt đầu đến nhà cô để học. Sau nhiều năm được cô chỉ dạy, từ một người không biết làm đến nay, tôi đã thuần thục, những hoa văn khó cũng đã làm được. Nghề dệt tuy không mang lại nhiều thu nhập nhưng giải quyết được việc làm vào những ngày nông nhàn. Mình cũng có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống”.
Nhờ sự nỗ lực của Hlạng cùng với sự ủng hộ của chị em trong làng mà nghề dệt thổ cẩm ở Pu Tá đã từng bước được vực dậy. Đến nay, các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm của người dân làng Pu Tá đã được đông đảo các đơn vị, cơ quan, trường học đặt hàng và còn có các đoàn du lịch khi ghé thăm Măng Ri đã đặt mua. Ngoài ra, người dân ở làng Pu Tá nói riêng và Măng Ri nói chung cũng tích cực giữ gìn nghề đan lát, nấu rượu ghè, giữ gìn văn hóa cồng chiêng.
Ngoài những đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, chị Hlạng còn là một điển hình sản xuất kinh doanh giỏi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ mạnh dạn đưa cây sâm vào trồng đại trà ở xã Măng Ri. Hiện nay, chị là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Măng Ri. Với những đóng góp của mình, chị vinh dự được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng 2 Bằng khen và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum./.
Thùy Dung