Ninh Bình có 250 làng có nghề trong đó 75 làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công truyền thống. Làng nghề truyền thống là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng quý giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao gồm trong đó cả giá trị vật thể và phi vật thể, có đóng góp lớn làm cho tài nguyên du lịch của địa phương thêm đa dạng, phong phú, góp phần vào mục tiêu phát triển chung.
Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư đang dần lấy lại vị trí và ngày càng hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ qua từng sản phẩm.
Từ những sợi chỉ mảnh mai, những mảnh vải đủ màu, với đôi bàn tay tài hoa và lòng yêu nghề, các nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, đường nét tinh xảo, uyển chuyển, thanh tú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Sản phẩm của làng nghề đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, từ tranh thêu trắng, thêu màu nghệ thuật đến các sản phẩm ren rua có kỹ thuật, mỹ thuật cao, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Ý, Thụy Sĩ, Pháp, Hàn Quốc, Đức,…
Những năm gần đây, Văn Lâm không chỉ chú trọng đến các sản phẩm sản xuất theo đơn hàng lớn phục vụ xuất khẩu mà còn tập trung vào các sản phẩm nhỏ gọn làm hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ khách du lịch như: các loại sản phẩm túi ví thêu tay, áo váy thời trang thêu tay, túi xách du lịch, tranh thêu phong cảnh những điểm đến nổi tiếng ở Ninh Bình đủ các kích thước rất tiện dụng, dễ vận chuyển, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.
Với lợi thế là làng nghề thủ công truyền thống có lịch sử hình thành lâu đời, lại nằm trong vùng lõi Di sản thế giới, dọc các trục giao thông gắn liền với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, nguồn nhân lực tương đối ổn định, làng nghề Văn Lâm có rất nhiều thuận lợi trong việc duy trì và phát triển nghề thêu, tạo nguồn thu về du lịch, dịch vụ và thay đổi cơ cấu lao động địa phương. Văn Lâm đã tập trung phát triển sản xuất sản phẩm làng nghề gắn với khai thác du lịch. Ngoài việc tạo ra những sản phẩm đẹp, bắt mắt, nơi đây còn có những không gian trình diễn và trưng bày phù hợp để thu hút khách du lịch đến với làng nghề. Cơ sở vật chất kĩ thuật, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, các điểm đón tiếp du khách của Văn Lâm được nâng cấp xây dựng khang trang, hiện đại. Du khách có thể lưu trú dài ngày tại các hộ dân, được trực tiếp làm nghề và sản phẩm làm ra theo ý tưởng, mẫu mã thiết kế riêng của mình. Bên cạnh đó, khi tham gia vào quá trình sản xuất, du khách còn được tìm hiểu những nét tinh tế trong khâu chế tác hay khám phá những văn hóa truyền thống của vùng đất và con người nơi đây được chuyển tải qua từng tác phẩm.
Du lịch làng nghề truyền thống là một loại hình du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần làm phong phú thêm cho các sản phẩm du lịch. Xu hướng ngày nay là con người đi du lịch hướng về các giá trị văn hóa cổ xưa. Việc phát triển du lịch làng nghề là vô cùng cần thiết vì nó sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho cả hoạt động du lịch và sự phát triển của làng nghề khi đem lại những lợi ích về kinh tế, xã hội vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của nghề thêu ren truyền thống./.
Lê Hằng