Ca dao, dân ca các dân tộc Quảng Ninh là kho tàng di sản văn hoá phi vật thể phong phú, có nhiều giá trị về mọi mặt. Một khi những giá trị này được khai thác để biểu diễn phục vụ du khách thì đây chính là những sản phẩm du lịch bền vững.
Biểu diễn hát giao duyên tại Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long phục vụ du khách.
Ở Quảng Ninh hiện nay có nhiều loại hình dân ca tiêu biểu như: Hát chèo đường, hát đám cưới trên Vịnh Hạ Long; hát đúm ở Quảng Yên; hát chèo ở Đông Triều, hát nhà tơ - hát múa cửa đình ở Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn; hát soọng cô, soóng cọ, sáng cố, hát then, hát pả dung ở Hạ Long, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu...
Để lưu giữ, thực hành và truyền dạy nhiều làn điệu ca dao, dân ca đã có hàng loạt các nghệ nhân như: Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự ở Đầm Hà; các Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Lận, Nguyễn Thị Từ, Hoàng Thị Thảo, Nguyễn Thị Lộc ở TP Móng Cái với loại hình hát nhà tơ; các Nghệ nhân Ưu tú Ngô Đăng Nhuận, Phạm Thị Thành, Phạm Thanh Quyết, Phạm Thị Hợp với loại hình hát đúm ở TX Quảng Yên; Hà Thị Phương, Nông Thị Sin, Lương Thiêm Phú, Lương Thiêm Thành với hát then cổ ở huyện Bình Liêu; Nông Thị Hang hát then ở Tiên Yên; các nghệ nhân Bàn Thị Vinh, Trương Thị Hoa, Lý Văn Út, Bàn Văn Khương, Trương Thị Quý hát dân ca Dao ở TP Hạ Long v.v.. Họ cũng chính là những người đã xây dựng nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ ở các xã miền biển, miền núi vẫn đang hoạt động để giữ gìn và quảng bá ca dao, dân ca dân tộc, địa phương.
Những năm gần đây, nhiều loại hình ca dao, dân ca ở Quảng Ninh đang đứng trước nguy cơ biến đổi, lai tạp, thậm chí là mai một. Công việc bảo tồn và phát huy giá trị ca dao, dân ca ở Quảng Ninh đang đặt ra một yêu cầu cấp bách. Do đó, các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian thuộc Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, Sở Văn hóa - Thể thao đã sưu tầm, lưu giữ ca dao, phổ biến, phát huy vốn di sản ca dao dân ca bước đầu đã thu được những kết quả nhất định.
Từ năm 2014, Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh và Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh (nay sáp nhập thành Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh) đã xây dựng gói sản phẩm biểu diễn nghệ thuật dân tộc lấy tên là “Hoa muôn sắc” bao gồm 12 tiết mục ca múa đậm đà bản sắc dân tộc để phục vụ du lịch. Chương trình đã được du khách đón nhận và đánh giá cao. Tương tự, Khu du lịch Làng quê Yên Đức (TX Đông Triều) đã từng xây dựng gói sản phẩm trải nghiệm hát chèo cho du khách nước ngoài.
Những nghiên cứu, thể nghiệm nói trên đã chỉ ra rằng một số loại hình diễn xướng ca dao, dân ca có sức sống mãnh liệt dù phải chịu nhiều tác động của cái mới trong cuộc sống hiện đại. Nội dung của ca dao, dân ca Quảng Ninh tính giáo dục to lớn, góp phần bồi đắp tình cảm, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và là nguồn tài nguyên vô tận để phát triển du lịch bền vững.
Hát dân ca phục vụ khách du lịch tại Khu Du lịch Làng quê Yên Đức (TX Đông Triều).
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác để phát triển du lịch, bên cạnh việc duy trì và củng cố những giá trị văn hoá truyền thống, cần có sự bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp hơn với điều kiện hiện tại. Việc này chẳng những không làm mất đi di sản mà còn tăng thêm sự phong phú, đa dạng những giá trị văn hóa truyền thống. Trong xu thế đó cần chắt lọc, phục dựng, sân khấu hóa di sản dân ca Quảng Ninh để biểu diễn cho số đông người xem, có sử dụng micro và các đạo cụ, ánh sáng, trang phục phù hợp.
Song song với đó cần tránh những hiện tượng thương mại hóa thái quá làm biến dạng di sản, không sử dụng cách hát hiện đại của tân nhạc, trang phục lòe loẹt. Trên hết vẫn là việc làm thế nào để trả ca dao, dân ca về với môi trường diễn xướng dân gian, để nó thành nhu cầu tinh thần của người dân, được dân gian tự nguyện thực hành, kế thừa. Và cũng chính những người dân đó cùng với các câu lạc bộ văn nghệ dân gian của mình tham gia vào quá trình biểu diễn phục vụ du lịch thì di sản văn hóa phi vật thể quý báu của các dân tộc Quảng Ninh mới có sức sống lâu bền./.
Phạm Học