Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ có những cuộc họp quan trọng trong năm nay nhằm đưa ra những giải pháp cho các vấn đề khí hậu, thiên nhiên cũng như những thách thức trong phát triển bền vững, một nghiên cứu mới đây của WWF đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thừa nhận và tôn trọng các quyền, phương pháp quản trị và những nỗ lực bảo tồn của người dân bản địa và cộng đồng địa phương - những người chủ trông coi vùng đất của họ.
Phân tích này do khoảng 30 chuyên gia bảo tồn, người dân bản địa và các tổ chức về Quyền phối hợp thực hiện. Báo cáo Tình trạng các vùng đất và lãnh thổ của người bản địa và cộng đồng địa phương đưa ra các bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu sẽ không thể đạt được nếu như không có sự tham gia đầy đủ của người bản địa và cộng đồng địa phương, khi mà những vùng đất của họ chiếm ít nhất 32% diện tích đất của hành tinh; 91% trong số này có điều kiện sinh thái tốt hoặc khá tốt.
Đối với tình trạng các vùng đất và lãnh thổ của người bản địa và cộng đồng địa phương, Báo cáo phân tích không gian toàn diện đầu tiên, miêu tả phạm vi các vùng đất của người bản địa và cộng đồng địa phương trên toàn cầu, tình trạng sinh thái, sự đa dạng sinh học và giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất này, cũng như những áp lực mà chúng và người dân ở đó đang phải đối mặt. Các vùng đất của người bản địa và cộng đồng địa phương chiếm một phần ba tổng diện tích đất toàn hành tinh và ít nhất 36% trong số đó là những khu vực đa dạng sinh học trọng yếu – những nơi giúp duy trì sự sống của hành tinh này.
Người dân bản địa đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Qua bao thế hệ, những vùng đất này đã và đang được bảo vệ và bảo tồn bởi các cộng đồng sống trong và xung quanh đó. Tại những vùng đất này, có một mối liên kết chặt chẽ giữa hệ thống sinh thái - xã hội. Những kiến thức và hiểu biết lưu truyền ngàn đời giúp cộng đồng địa phương có thể quản lý các đồng cỏ, nguồn nước, điều hướng sự di chuyển của gia súc và động vật hoang dã. Mô hình chăn nuôi của cộng đồng không thể tách rời với môi trường tự nhiên, chính vì vậy cộng đồng địa phương đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì và tăng cường sức khoẻ hệ sinh thái. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn là vai trò thiết yếu của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong bảo tồn thiên nhiên trên toàn cầu thường bị xem nhẹ hoặc không coi trọng.
Trong bối cảnh các quốc gia chuẩn bị đàm phán một Khung chiến lược Toàn cầu mới về đa dạng sinh học vào cuối năm nay, Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi nhận vai trò của người dân bản địa và cộng đồng địa phương, đồng thời hỗ trợ họ trong việc duy trì, bảo vệ và khôi phục các vùng đất và lãnh thổ của họ như một phần của nỗ lực bảo tồn. Báo cáo cho thấy, hơn một phần tư diện tích đất đai của người bản địa và cộng đồng địa phương có thể phải đối mặt với áp lực phát triển cao trong tương lai.
Trong bảo tồn, áp dụng phương pháp tiếp cận dựa vào quyền sẽ giúp đảm bảo quyền sử dụng đất đai và tài nguyên của người bản địa và cộng đồng địa phương, tôn trọng sự lãnh đạo và quản trị của họ, đồng thời đảm bảo họ được cung cấp đầy đủ thông tin trước khi quyết định cho phép thành lập các khu bảo tồn. Bất kỳ một nỗ lực bảo tồn toàn cầu nào, bao gồm lời kêu gọi bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất, nước ngọt hay đại dương trên toàn cầu vào năm 2030, đều phụ thuộc vào sự tham gia của người bản địa và cộng đồng địa phương. Và các mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu thiếu họ.
Báo cáo kêu gọi những nhà ra quyết định đảm bảo quyền của người bản địa và cộng đồng địa phương ở các vùng đất, vùng nội thuỷ và các nguồn tài nguyên đã được công nhận và hợp thức hóa, đồng thời đảm bảo những đóng góp bảo tồn của họ được ghi nhận cũng như và nhận được sự hỗ trợ, bao gồm cả tài chính, cho những hoạt động đó. Các hình thức công nhận và sự hỗ trợ luôn phải do người bản địa và cộng đồng địa phương tự xác định và quyết định. Báo cáo cũng kêu gọi cần có thêm những nghiên cứu phối hợp với người bản địa và cộng đồng địa phương, bao gồm cả việc giám sát thực hiện hiệu quả Khung Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học sau năm 2020.
Vũ Hồng