Về Sơn La xem điệu xòe Thái

Cập nhật: 12/07/2021
Ở vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, ranh giới giữa người xòe và người xem xòe thường không phân biệt rõ ràng. Những người biểu diễn và người xem luôn hòa đồng, cộng cảm cùng nắm tay nhau để hòa chung vào nhịp xòe…

Vòng xòe ngày hội

Sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc gắn với tín ngưỡng đa thần. Trong các lễ hội, người Thái luôn cầu khấn các vị thần linh, tổ tiên trợ giúp cho cuộc sống con người khoẻ mạnh, sung túc; gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở; mùa màng tươi tốt bội thu. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, mọi người lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng. Những điệu xòe hình thành, phát triển và hoàn thiện, mô phỏng những bước đi của cha ông khai phá đất đai, làm nương, trồng lúa, lấy nước.

Theo tài liệu ghi chép, trước đây người Thái gọi nghệ thuật múa của mình là “xe”. Đến giữa thế kỷ XX, trong tiếng Việt, từ “xe” biến âm thành “xòe”. Ngày nay nghệ thuật múa, tác phẩm múa được Nhân dân quen dùng để gọi nghệ thuật xòe, điệu xòe, bài xòe. Dáng xoè, động tác xoè giàu tính tạo hình, đẹp đẽ về đường nét, duyên dáng về dáng vẻ và rất tinh tế trong nhịp điệu.

Ở vùng Tây Bắc, ranh giới giữa người xòe và người xem xòe thường không phân biệt rõ ràng. Những người biểu diễn và người xem luôn hòa đồng, cộng cảm cùng ùa vào nắm tay nhau để hòa chung vào nhịp xòe…

"Không xòe không tốt lúa
Không xòe thóc cạn bồ
Không xòe hoa sẽ tàn héo
Không xòe trai gái không thành đôi"

Dân ca Thái.

Đến với Tây Bắc mỗi dịp tết đến xuân về hoặc dịp khánh thành nhà mới, dựng vợ gả chồng, vui đón mùa màng bội thu…, du khách sẽ được hòa mình vào những vòng xòe bất tận, say mê. Nổi bật nhất là 6 điệu xòe cổ truyền thống gồm: “Khắm khăn mời lẩu”(nâng khăn mời rượu); Điệu “Phá xí” (bổ bốn); Điệu “đổn hôn” (tiến lùi); Điệu “Nhôm khăn” (tung khăn); Điệu “Ỏm lọm tốp mứ” (vòng tròn vỗ tay) và Điệu “khắm khen” (tức là nắm tay).

“Khắm khăn mời lẩu” (nâng khăn mời rượu) là điệu múa đầy chất trữ tình và ấm áp tình người, thể hiện lòng hiếu khách, giống như người miền xuôi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, làm cho con người gần nhau hơn, chan hòa, đoàn kết, chén rượu trở thành chén rượu tình, chén rượu nghĩa.

Điệu “phá xí” (bổ bốn) diễn tả tình đoàn kết của cộng đồng, dù ở bất cứ phương trời nào đều hướng về tổ tiên, quê hương. Điệu “đổn hôn”(tiến lùi) như muốn khẳng định dù đất trời có đổi thay, cuộc sống có thế nào thì ý trí và tình người vẫn luôn sắt son bền chặt, gạt đi mọi trở lực ở phía trước, vun vén, chắt chiu những thành tựu có được.

Điệu “nhôm khăn” (tung khăn) là điệu xòe tưng bừng nhất, hay dùng khi mùa vụ bội thu, đám cưới, lên nhà mới…thể hiện niềm vui vô bờ bến. Chiếc khăn piêu quàng trên cổ tung lên theo mỗi nhịp xòe như muôn sắc màu của cuộc sống, đồng thời cũng thành quả lao động sáng tạo của những người con gái Thái.

Điệu “ỏm lọm tốp mứ” (tức là vòng tròn vỗ tay) thể hiện niềm vui mừng khi gặp nhau hoặc đạt được thành quả lớn lao trong cuộc sống. Khi xòe, mọi người nhìn vào nhau như trao gửi niềm vui, hạnh phúc và tin yêu. Mỗi khi vòng tròn xòe đảo chiều thể hiện cuộc sống dù thay đổi đến đâu thì hạnh phúc, bình yên luôn là niềm tin và khát vọng.

Điệu “khắm khen” (tức là nắm tay) quanh đống lửa, mọi người nắm tay nhau nhảy múa vòng tròn theo chiều trái đất quay, cùng với nhịp giơ tay lên thì nhịp chân đưa chéo. Đây là điệu múa mang tính sơ khai, biểu lộ sự gắn kết cộng đồng, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc tròn vẹn theo quy luật phát triển tất yếu của cuộc sống. Dần dần, từ các điệu xòe cổ, các nghệ nhân dân gian phát triển thành 36 điệu xòe mang bóng dáng sinh hoạt ngày thường.

Điệu xòe tung khăn

Xòe Thái là di sản văn hoá quý giá của dân tộc Thái đã được phổ cập, tiếp thu có sức sống bền vững trong Nhân dân vùng Tây Bắc. Tại Sơn La, hiện nay toàn tỉnh có trên 3.000 đội văn nghệ thuộc các bản, trong đó phần lớn là các đội văn nghệ thuộc các bản dân tộc Thái được coi là hạt nhân để duy trì và phát triển nghệ thuật xòe. Với giá trị nghệ thuật và nhân văn, hiện nay các điệu xòe dân vũ được biên soạn và đưa thành bài học múa cơ bản, nhiều tiết mục xòe được đưa đi tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn cấp quốc gia đạt giải cao và được lưu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch coi trọng việc bảo tồn, khai thác và phát huy các di sản văn hóa tốt đẹp; tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học nhằm sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó triển khai Đề án "Sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hoá các dân tộc Sơn La”. Một số điệu xòe và nhạc xòe tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La đã được nghiên cứu, lựa chọn và phổ cập đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, ngày 8/6/2015, nghệ thuật xòe Thái đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện tại, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Người Thái có câu ca: Không xòe không tốt lúa/Không xòe thóc cạn bồ/Không xòe hoa sẽ tàn héo/Không xòe trai gái không thành đôi. Qua mỗi bước xòe, người ta như được gột rửa tinh thần, gần gũi chan hòa với nhau hơn để bước vào cuộc sống lao động với một niềm tin tươi sáng. Không phân biệt tuổi tác, lạ hay quen, mọi người tay nắm trong tay, thân ái, đoàn kết- xòe Thái chính là linh hồn của mỗi lễ hội, say mê, thấm đậm tình người Sơn La- Tây Bắc.

Hoàng Liên

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển