Đến huyện Ba Vì, ngoài các địa điểm du lịch nổi tiếng, du khách có thể ghé thăm Khu du lịch sinh thái Bản Coốc, nơi được ví như "khu bảo tồn sống” về văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Dao trên mảnh đất này.
Những nét văn hóa trong sinh hoạt đời thường của dân tộc Mường được bảo tồn tại Khu du lịch sinh thái Bản Coốc.
Bình yên Bản Coốc
Nằm ở sườn tây núi Ba Vì, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 70km, Khu du lịch sinh thái Bản Coốc (thôn Lặt, xã Minh Quang, huyện Ba Vì) mang vẻ bình yên, tách biệt hoàn toàn với ồn ào phố thị nhờ được bao quanh bởi các triền núi và dòng suối Cái trong xanh dưới thung lũng. Nơi đây có hệ thống giao thông thuận lợi, nằm ngay dưới chân núi Tản Viên, trên trục đường dẫn lên Khu di tích đền Trung - nơi thờ tam vị Đức thánh Tản.
Được xây dựng như một điểm nhấn văn hóa ở Ba Vì, lại sở hữu phong cảnh thiên nhiên hữu tình, Khu du lịch sinh thái Bản Coốc được nhiều gia đình ở Hà Nội lựa chọn là điểm nghỉ dưỡng cuối tuần lý tưởng. Chị Đặng Thị Việt Chinh, du khách ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Gia đình tôi chọn Bản Coốc là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần vì nơi đây có không khí mát mẻ, trong lành. Tôi rất ấn tượng với những khu làng được thiết kế mang bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc Kinh, Mường, Dao nơi đây. Nhờ vậy, các con tôi được tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc và có thêm những trải nghiệm thú vị về cuộc sống nông thôn...”.
Chia sẻ về dự án tâm huyết, ông Ngô Văn Tiếp, Giám đốc Công ty cổ phần Trang Viên Sơn (chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Bản Coốc) cho biết: “Đây là dự án du lịch sinh thái đầu tiên ở khu vực sườn tây núi Ba Vì, với tổng diện tích 17,8ha, gồm 6 hạng mục. Dự án này bám sát trục tâm linh từ đền Hạ lên đền Trung, gắn với Vườn quốc gia Ba Vì bằng hệ thống du lịch suối Cái. Cái tên “Bản Coốc” gắn với lịch sử xa xưa, được đặt với mong muốn khôi phục bản sắc văn hóa của dân tộc Mường và Dao. Đến nay, dự án đã triển khai được phần lớn các hạng mục gồm phiên chợ Mường - Dao, khu công viên nước, khu vui chơi giải trí và khu tổ chức sự kiện. Dự kiến năm 2022, toàn bộ 6 hạng mục của dự án sẽ được hoàn thiện”.
Khu làng Việt trong khuôn viên Khu du lịch sinh thái Bản Coốc.
Khu bảo tồn văn hóa “sống”
Đến với Khu du lịch sinh thái Bản Coốc, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở vùng núi Ba Vì. Đặc sắc nhất trong số đó phải kể đến phiên chợ Mường - Dao, nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa của bà con dân tộc ở các xã nơi đây. Phiên chợ này tập trung các mặt hàng nông sản do bà con tự canh tác, chăn nuôi. Đến đây, du khách còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc như bánh sắn, bánh trứng kiến, rau sắn muối hay những cây dược liệu quý được trồng trên núi.
Một trong những điểm nhấn của Khu du lịch sinh thái Bản Coốc là khu nhà sàn với không gian kiến trúc độc đáo của đồng bào Mường. Nơi đây được coi là "khu bảo tồn sống” của văn hóa Mường với những hiện vật quý được lưu giữ như chiêng, mo Mường, tục thờ cúng và nhiều hiện vật cổ. Du khách có thể tìm hiểu về những phong tục tập quán, đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mường; được trải nghiệm nấu những món ăn truyền thống của người Mường và thưởng thức tiếng chiêng cùng điệu múa truyền thống của những cô gái Mường...
Trong khuôn viên Khu du lịch sinh thái Bản Coốc còn có Khu làng Việt được thiết kế theo kiểu những ngôi nhà truyền thống Bắc Bộ xưa. Ngoài ra, du khách còn có thể thăm Làng người Dao và khu bảo tồn cây thuốc Nam nằm dưới dãy núi Tản Viên hùng vĩ. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Bảo tồn và phát triển dược liệu Tản Viên Phùng Đắc Tâm, tại Vườn bảo tồn cây thuốc Nam hiện có 150 loài cây thuốc quý. “Bên cạnh mục đích bảo tồn, vườn thuốc này còn giúp gia tăng trải nghiệm cho du khách và hỗ trợ đồng bào Dao ở Ba Vì lưu giữ nguồn dược liệu quý, phục vụ việc chữa bệnh cho nhân dân”, ông Phùng Đắc Tâm nói.
Chia sẻ về sản phẩm du lịch mới của huyện, ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì cho biết: “Dự án Khu du lịch sinh thái Bản Coốc đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc Mường, Dao ở Ba Vì; đồng thời góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức hấp dẫn để thu hút du khách đến với Ba Vì trong thời gian tới”. Hy vọng, trong tương lai sẽ còn nhiều mô hình vì cộng đồng như vậy được nhân rộng ở Hà Nội.
Bài và ảnh: Khuất Duyên