Quảng Bình: Sống giữa di sản không thể mãi nghèo

Cập nhật: 15/07/2021
Người A Rem và Vân Kiều xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) sinh sống giữa di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Đất tổ của họ sở hữu hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng, hang Én lớn thứ 3 thế giới cùng hàng trăm hang động khác, nhưng họ vẫn rất nghèo. Bà con nói làm sao phải thoát nghèo bằng chính tài nguyên nơi này, không thể nghèo hoài, nghèo mãi được.

Những căn nhà của người A Rem vừa được tu sửa lại do nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vận động.

Cái nghèo dưới bóng Sơn Đoòng

Nếu Quảng Bình là vương quốc hang động của Việt Nam, thì xã Tân Trạch là trái tim của vương quốc hang động ấy. Nơi đây người A Rem, Vân Kiều sở hữu những cảnh quan hùng vĩ, những tour du lịch đẳng cấp tham quan Sơn Đoòng với giá vé 3.000USD/người. Thế nhưng người dân nơi đây vẫn chưa được hưởng lợi từ hoạt động du lịch hang động đẳng cấp toàn cầu này.

Ông Đinh Hoe, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch, phác họa một số vấn đề kinh tế địa phương: “Xã có 102 hộ, 389 khẩu, trong đó có 74 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Đất sản xuất được 185ha, các hộ dân chăn nuôi gần 200 con bò, chủ yếu thả rừng. Lương cán bộ xã do huyện cấp, địa phương không thu được nguồn nào cho ngân sách vì không có hoạt động dịch vụ nào, nên lối ra kinh tế bế tắc”.

Đinh Khinh, hộ dân mới được nâng lên thành cận nghèo, nói: “Dân bản sống trong khu vực hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng và vô số hang động khác được nói là kỳ quan. Nhưng bà con không hề hưởng lợi được gì từ hoạt động đưa khách vào đây. Nếu tạo được việc làm từ khuân vác hành lý, dẫn đường cho du khách, bà con dân bản có thêm thu nhập sẽ dần thoát nghèo. Ở trong vùng lõi di sản nhiều tài nguyên sinh thái đẹp vẫn nghèo là rất khổ”.

Người A Rem muốn thoát nghèo từ tài nguyên hang động hùng vĩ.

Trên thực tế, từ nguồn vốn ngân sách, huyện Bố Trạch đã đầu tư cụm trung tâm xã Tân Trạch đầy đủ trường học mầm non đến hết cấp 2, trạm y tế xã, đường bê tông nội bộ. Những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã xây tặng bản A Rem hàng chục căn nhà. Hay khi biết nhà của đồng bào xuống cấp, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã vận động một số doanh nghiệp tu sửa, chỉnh trang lại. Tuy nhiên, nếu trông đợi vào tấm lòng hảo tâm mãi bà con A Rem cũng không thể thoát nghèo, cần có chính sách căn cơ giúp họ vừa bảo tồn giống nòi vừa phát triển thoát nghèo bền vững. 

Kỳ vọng thoát nghèo

Những ngày này, người A Rem tất bật trang hoàng chuẩn bị kỳ họp HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2025. Trước đó, công tác bầu cử đại biểu quốc hội, HĐND các cấp đã hoàn thành. Ông Đinh Hoe nói: “Họp quán triệt công tác bầu cử, bà con mong muốn làm sao thoát nghèo, ở thế kỷ 21 sống ở vùng di sản mà vẫn nghèo rất khó chấp nhận. Bây giờ chuẩn bị họp HĐND xã ai cũng muốn các đại biểu có ý kiến lên trên làm sao để thoát nghèo.

Ở xã có người trúng cử đại biểu HĐND huyện cũng phải có ý kiến cho bà con nhờ”. Y Đan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chia sẻ: “Nguyện vọng của cử tri A Rem và Vân Kiều là mong muốn huyện và tỉnh quan tâm đầu tư đường ra nương rẫy phục vụ sản xuất xuống suối Cà Roòng. Con đường đó vừa phục vụ dân bản, vừa phục vụ du khách, thúc đẩy du lịch nhằm cho bà con thoát nghèo, phát triển bền vững hơn”.

Trăn trở câu chuyện đồng bào A Rem muốn thoát nghèo, ông Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch 2 nhiệm kỳ, nay đã về hưu, nói: “Bà con A Rem cần được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng các công ty kinh doanh hang động trên địa bàn nộp vào Nhà nước. Đấy là số tiền rất lớn, đủ để kích cầu cho bà con phát triển. Cùng đó Nhà nước cần quy định du khách vào Sơn Đoòng và các hang động khác trong khu vực, đơn vị vận hành tour có tỷ lệ sử dụng lao động người A Rem dẫn đường hoặc khuân vác tạo công ăn việc làm, sẽ giúp bà con sớm thoát nghèo”.

Trong góc nhìn khác, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, kiến nghị: “Để bà con A Rem thoát nghèo, cần nghiên cứu thổ nhưỡng đất đai ở Tân Trạch ngoài lúa rẫy có thể phát triển trồng dược liệu xanh. Cùng đó phải đảm bảo có điện lưới quốc gia nhằm phát triển điện khí lâu dài, hiện dự án điện mặt trời ngày có điện, đêm không có là lực cản rất lớn để phát triển bền vững đối với bà con”. 

Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Lê Quang Toán, nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi ghi nhận mọi tâm tư nguyện vọng của bà con xã Tân Trạch. Cần đầu tư đồng bộ đường sá phục vụ sản xuất, nghiên cứu lối sống bản địa thông minh của bà con từ hàng vạn năm truyền lại cho con cháu nhằm phục vụ phát triển bền vững, và kiến nghị điện lưới quốc gia kéo điện đến mới có cách tiếp cận tốt cho giảm nghèo bền vững. Trước mắt, huyện sẽ ưu tiên các nguồn tài chính địa phương để làm đường dân sinh cho bà con có đường ra nương rẫy sản xuất, con đường đó kết hợp làm du lịch sẽ giúp bà con thoát nghèo nhanh hơn”.

Minh Phong

Nguồn: Báo Sài gòn giải phóng