Sông Thu Bồn chảy về đến Hội An (Quảng Nam) bỗng mở ra mênh mông, hòa mình vào biển cả. Sự đẩy đùa của dòng chảy tạo ra những bãi bồi, cồn nổi và nhiều dòng nhỏ ở hạ lưu sông. Những vạt dừa nước mọc ven sông, tươi tốt gợi mở không gian miền tây bên lề phố Hội.
Sông Thu Bồn không những thu hút ánh nhìn từ cảnh đẹp mà còn là ngư trường nhỏ, tạo sinh kế cho những người dân ven bờ. Tại đây, sẽ bắt gặp nhưng cây cầu hẫng của những gia đình có vó bắt cá đã bắc cầu, neo thuyền bên bờ sông.
Nay, đang trong những ngày chưa mưa, dòng nước không mang nặng phù xa nên dòng chảy xanh biếc. Khi thủy triều lên, dòng sông căng đầy, mênh mông trong nắng.
Mặt nước căng đầy, ngư cụ chơi với gió lay chuyển vào tâm thức chợt xa, chợt gần, chợt nhận ra và nhớ nhung.
Xưa, sông Thu Bồn như một điểm tránh gió, cặp bờ của những thuyền buôn bán tạo nên thương cảng Hội An. Rồi với thời gian, những con thuyền buôn bán lớn hơn, chịu được cường độ sóng, gió mạnh hơn, đi xa bờ hơn, ít ghé vào cửa sông, Hội An mất dần vị thế thương cảng mà chỉ như một phố thị bên sông.
Thuyền “mất việc làm”, nổi nênh nhớ khách.
Hơn 20 năm qua, Hội An được công nhận là di sản của thế giới, khách du lịch trong nước và quốc tế đổ về mỗi năm một đông. Lặng lẽ bên đô thị cổ, nâng tầm du lịch không phải là lời văn trữ tình, câu thơ khắc khoải mà là dòng sông chan hòa, mở ra những liên tưởng giao hòa phố Hội - dòng sông- biển. Mỗi người sẽ nhận được một cảm xúc khác nhau khi ánh mắt gặp con thuyền nhỏ, vó màu “bay” trên mặt sông căng tràn.
Từ những vó lưới cá buông trên mặt nước trưa hè như một nốt nhạc, bức tranh tĩnh lặng và hạnh phúc cho ai đó bắt gặp cảnh này.
Có nhiều người nước ngoài đã hỏi tôi rằng, đó là thú chơi của người Việt hay một hoạt cảnh trình diễn gì đó trên sông? “Không”- tôi đáp đó là đánh cá, là mưu sinh. Họ đã cười và bảo rằng, nó “phối hợp với nước tạo nên những luyến láy, đẹp đến phát điên”.
Những chiếc thuyền đón đưa khách du lịch trên sông, du ngoạn trong rừng dừa Bảy Mẫu cũng tạm nghỉ hơn năm.
Trưa hè, ra bờ sông hóng gió, thẫn thờ, sẽ thấy những con thuyền tấp bến nghỉ ngơi, những chiếc vó bè cũng nghỉ ngơi phơi mình trên mặt nước. Dòng sông tĩnh lặng, xa mờ dừa nước, lũy tre lay chuyển tâm trí ngẩn ngơ, khắc khoải. Như một câu thơ khắc họa: “Bên kia đấy bãi bồi cong dải cát/ Sông Thu Bồn man mác chuyến đò ngang/ Ta yêu em say đắm giấc mơ màng...”, và cũng là một trong những dòng sông của thi ca.
Xa mờ là cầu Cửa Đại nối đôi bờ.
Nay, sông Thu Bồn đã có nhiều cây cầu nối nhịp đôi bờ, những chuyến đò ngang thưa vắng, dòng sông tĩnh lặng thẫn thờ như tôi nhớ ai, như sông vắng ai?
Ninh Nguyễn