Cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 buộc nhiều người phải thay đổi thói quen đi du lịch. Bởi thế, xu hướng tìm về với thiên nhiên đang ngày càng được ưa chuộng...
Nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tìm về với thiên nhiên
“Tôi lao vào rừng già với sự khao khát đến cháy bỏng, bất chấp những thử thách khó khăn trên cung đường. Khác hoàn toàn với mục tiêu ban đầu, tôi không còn muốn chinh phục những ngọn núi cao vút kia hay cắm đầu vượt qua những thử thách, thay vào đó, tôi thấy mình như được trở về “nhà”. Với tôi, giờ đây, rừng xanh là nhà, là chốn thân thương để nghỉ ngơi chứ không phải để chinh phục...”. Đó là cảm xúc đọng lại của nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (Hà Nội) sau những chuyến “bỏ phố về rừng” để tìm lại cho mình những giây phút bình yên. Anh cũng là người hiếm hoi khám phá Thiên Sơn - Suối Ngà (huyện Ba Vì) theo cách không giống ai, đó là chinh phục ngọn thác cao 80m trong rừng nguyên sinh cùng vài người bạn có chung sở thích du lịch mạo hiểm. Đây có lẽ là tour độc đáo mà nhiều người Hà Nội chưa biết tới.
“Chúng tôi được thưởng thức trọn vẹn không khí trong lành và sự hoang dã của thiên nhiên nơi đây. Mọi thứ còn rất hoang sơ với nhiều cây cối, suối, thác rất đẹp và cả các loài động vật hoang dã như sóc, mèo rừng, kỳ nhông...”, Lê Cao Hải chia sẻ.
Không “lao vào rừng” như Lê Cao Hải, cô gái đầy cá tính Mai Linh đang làm việc tại khách sạn Hilton Hanoi Opera lại tự mừng tuổi mới bằng chuyến “phượt” một mình lên Pù Luông (Thanh Hóa) với một chiếc xe máy phân khối lớn. Chia sẻ về chuyến đi, Mai Linh cho biết: “Tôi một mình lái xe đi Pù Luông (Thanh Hóa) để đón sinh nhật tuổi 24. Chuyến đi đã mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, được đắm mình vào thiên nhiên, tiếp xúc với những người mới và tìm lại sự bình yên trong tâm hồn”.
Còn với gia đình anh Phạm Lê Hải (quận Nam Từ Liêm), cứ mỗi cuối tuần, gia đình anh lại “lên đường”. Khi thì cắm trại ở code 400 trong Vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì); khi thì đến hồ Đồng Đò, núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn) ở Hà Nội hay xa hơn là Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Sơn La... “Việc đi cắm trại ở nơi thiên nhiên hoang dã đã trở thành thói quen của gia đình tôi. Bọn trẻ đã quá quen với việc ngủ lều trong rừng, được hít thở không khí trong lành và khám phá những điều thú vị xung quanh. Tôi muốn các con biết thiên nhiên đất nước mình tươi đẹp thế nào, đồng thời, việc lựa chọn những nơi hoang sơ cũng bảo đảm an toàn cho gia đình tôi trong mùa dịch”.
Phát triển du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính tổng diện tích rừng của Việt Nam năm 2020 là 14,6 triệu hecta, tỷ lệ che phủ rừng là 42% (cao hơn mức bình quân của thế giới là 29%). Riêng tại Hà Nội, diện tích rừng là 18.847,48ha; độ che phủ rừng là 5,67%.
Những con số trên cho thấy tài nguyên rừng của nước ta rất phong phú, đa dạng. Bên cạnh công tác trồng, khai thác lâm sản và bảo vệ rừng, việc phát triển tour khám phá rừng và thiên nhiên hoang dã có thể trở thành sản phẩm du lịch đầy tiềm năng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Xu hướng trải nghiệm, tìm hiểu thiên nhiên ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Hiện nay, một số địa phương như Ninh Bình đã có những sản phẩm trải nghiệm chuyên biệt dành cho trẻ em như tham quan rừng nguyên sinh Cúc Phương, tham gia các trò chơi diễn giải về thiên nhiên, tìm hiểu đời sống của các loài côn trùng... giúp các em tìm hiểu thế giới tự nhiên một cách trực quan, sinh động. Không những thế, đây là sản phẩm du lịch phù hợp với các bạn thanh niên ưa xê dịch, vận động. Xu hướng này không chỉ phù hợp với thời điểm dịch Covid-19 đòi hỏi sự giãn cách, mà còn có khả năng trở thành sản phẩm hấp dẫn sau khi kết thúc dịch”.
Lý giải cho xu hướng du lịch về với thiên nhiên ngày càng phát triển, nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải cho rằng: “Con người và thiên nhiên vốn có sự gắn kết mật thiết. Xã hội phát triển cùng quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường sống ngày càng thay đổi, áp lực công việc tăng cao... khiến người ta càng muốn trở về với thiên nhiên để được “chữa lành” và cân bằng cuộc sống”. Cũng theo nhiếp ảnh gia này, tiềm năng phát triển du lịch khám phá thiên nhiên ở Hà Nội rất lớn, nhưng để phát triển một cách bền vững, cần tăng cường vai trò quản lý của các ngành chức năng đi đôi với công tác bảo vệ rừng để không làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Đó mới là sức hấp dẫn lớn nhất.
Linh Tâm