Lâm Đồng: Sức bật nào cho du lịch vượt "bão" Covid-19

Cập nhật: 22/07/2021
2 năm trước - khi du lịch đang ở đỉnh cao của những thành công và phát triển liên tục khắp toàn cầu, không ai có thể nghĩ du lịch lại ảm đạm, kiệt quệ và đóng băng như bây giờ.

Khác hẳn với những dự báo và kịch bản cho phát triển du lịch trước năm 2021; giờ đây, mọi kế hoạch, chương trình hành động đều không thể không có chữ “COVID”, “đại dịch”, hay “trong tình hình mới”. Vậy, kế sách nào cho du lịch trong tình hình mới để sớm đưa ngành kinh tế mũi nhọn này vượt “bão” Covid-19?

Bề dày bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam là kho tàng vô giá cho không chỉ du lịch…

Định hướng phát triển du lịch trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19
 
Ngày 29/6, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) tổ chức, Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 đã nêu rõ những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII về lĩnh vực du lịch; đồng thời, xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, du lịch Việt Nam đề ra các mục tiêu, như: trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP từ 12 - 14%; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm; phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 - 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm.

Quê hương với những miền đất chứa đựng nhiều điều hấp dẫn về thiên nhiên, văn hóa và con người luôn thu hút du khách

Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để khắc phục hoạt động sau khi dịch bệnh được đẩy lùi và thay đổi trong cách tư duy và tiếp cận tổ chức hoạt động du lịch trong tình hình mới. Đó là cơ cấu lại thị trường du lịch, cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa một cách bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình...

Trong bối cảnh bình thường mới, khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam được, thì phát triển du lịch nội địa chính là giải pháp căn cơ, là hướng đi tích cực để duy trì hoạt động của ngành, là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Du lịch Nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề Du lịch nội địa - Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) phối hợp Sở Du lịch Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức vào tháng 4/2021.

Các ngành nghề truyền thống cũng chứa đựng những giá trị tinh thần quý báu bên cạnh các giá trị vật chất

Nhiệm vụ và chiến lược phát triển du lịch nội địa

Mặc dù, nhiều năm qua, du lịch nội địa ít được quan tâm, trong khi là thị trường có dư địa rất lớn; với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Bộ VHTTDL cũng đã thiết kế khung về du lịch nội địa, đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ và chiến lược phát triển du lịch nội địa.

Đầu tiên là ưu tiên xem xét việc cơ cấu lại các doanh nghiệp làm du lịch; tính toán lại cơ chế và nhân lực của bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Tiếp đến, là nghiên cứu lại thị trường nội địa, để dự báo được nhu cầu của khách du lịch và cơ cấu lại thị trường, điều tiết thị trường. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối các giá trị và lan tỏa các giá trị của sản phẩm để thu hút khách. Vì du lịch không thể tách rời văn hóa, nên phải tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hình thành văn hóa ở các điểm đến du lịch, để dấu ấn văn hóa khiến du khách yêu quý vùng đất và các sản phẩm du lịch, cũng chính là yêu quý văn hóa và quê hương Việt Nam.

“Chủ trương 1, biện pháp 10”, là quyết tâm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng sự chung tay hành động của các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp tham gia các hoạt động du lịch để du lịch vượt “bão” COVID-19, phục hồi hiệu quả và thực hiện được sứ mệnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước!

Du lịch nội địa trong bối cảnh “bình thường mới”, trước mắt chưa có tiền lệ hay mô hình nào để học tập hay rút ra bài học kinh nghiệm; chỉ là những dự báo hay đúng hơn là mong ước của những người làm du lịch. Đó là, với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm người dân (trong đó có cả lực lượng tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch) được tiêm đủ vắc-xin để có được miễn dịch cộng đồng và có thể mở cửa đón khách du lịch. Đó là “giấy thông hành” của khách du lịch với đầy đủ xác nhận không mắc COVID và đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin để bảo đảm tính miễn dịch và sự an toàn của du khách khi đến vùng đất mới cùng với những quy định về phòng, chống dịch COVID trên hành trình với các phương tiện giao thông, điểm đến, bạn đồng hành, hướng dẫn viên…

Tất cả những yếu tố trên là điều kiện cần để khách du lịch an tâm, an toàn và thực hiện được nhu cầu của mình là tham gia các hoạt động du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID. Còn điều kiện đủ phải xem mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi địa phương có những điều kiện, tiêu chuẩn gì trong việc tổ chức, kinh doanh và tham gia các loại hình du lịch nội địa. Ngoài ra, còn là các chính sách vĩ mô về phát triển du lịch nội địa; các giải pháp về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, quảng bá và xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch…

Lê Hoa

Nguồn: Báo Lâm Đồng