Sau nhiều năm chờ đợi, giấc mơ du lịch không gian của các tỉ phủ đã trở thành hiện thực, đem lại hy vọng phát triển cho ngành công nghiệp du lịch đặc biệt này. Tuy nhiên, cái giá môi trường thì không hề rẻ.
Ồ ạt du dịch không gian
Tỉ phú Richard Branson, nhà sáng lập Công ty Virgin Galactic, đã thực hiện thành công chuyến du hành lên vũ trụ hôm 11-7. Không chịu kém cạnh, 9 ngày sau đó, ông chủ Tập đoàn thương mại điện tử Amazon Jeff Bezos cũng bay vào không gian cùng em trai và 2 hành khách.
Theo Reuters, tàu vũ trụ New Shepard kết hợp tên lửa đẩy và khoang tàu chở khách của Công ty Blue Origin chở tỉ phú giàu nhất thế giới và 3 hành khách khác lên độ cao 106km từ địa điểm phóng ở bang Texas (Mỹ). Tên lửa bay với vận tốc 3.540 km/giờ và mất 2 phút rưỡi để đạt độ cao 76km - thời điểm khoang chứa hành khách tách ra và phần rocket quay về mặt đất để tái sử dụng cho lần sau. Từ thời điểm tách ra, phi hành đoàn trải qua 4 phút trong tình trạng vi trọng lực cho đến khi khoang đạt độ cao 106km. Ðây là độ cao được công nhận là rìa vũ trụ, tức ranh giới giữa khí quyền Trái đất và không gian bên ngoài. Kế đến, khoang hành khách rơi trở lại Trái đất bằng dù, trước khi sử dụng hệ thống đẩy ngược vào phút cuối để khoang đáp êm xuống sa mạc Texas. Toàn bộ quy trình kéo dài chưa đến 11 phút.
Ông Jeff Bezos (thứ hai từ trái sang) cùng phi hành đoàn bay vào rìa không gian hôm 20-7. Ảnh: Blue Origin
Ðáng chú ý, tỉ phú Elon Musk, doanh nhân sở hữu Hãng sản xuất xe điện Tesla và Tập đoàn công nghệ SpaceX, cũng có kế hoạch vào tháng 9 tới chinh phục quỹ đạo Trái đất ở độ cao lớn hơn. Hành trình bay vào không gian hôm 11-7 của tỉ phú Branson chỉ đạt độ cao 86km.
Virgin Galactic cho hay các chuyến bay thương mại của họ sẽ bắt đầu từ năm 2022 và đến nay đã có 600 hành khách mua vé. Hãng dự đoán mỗi năm sẽ thực hiện khoảng 400 chuyến bay, tính ra mỗi ngày có hơn 1 chuyến bay du lịch vào vũ trụ chỉ tính riêng của Virgin Galactic.
Môi trường “lãnh đủ”
Tất cả các chuyến du hành vũ trụ nói trên đang khiến ngành du lịch không gian mới phôi thai phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường. Gavin Schmidt, cố vấn khí hậu của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), nói với Hãng tin AFP rằng lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ tên lửa phóng tàu không gian hoàn toàn không đáng kể so với các hoạt động khác của con người, hoặc so với ngành hàng không thương mại. Song, điều mà nhiều nhà khoa học lo ngại là khả năng gây hại lâu dài khi ngành công nghiệp này phát triển mạnh hơn, đặc biệt là tác động đối với tầng ozone.
Nhiều hãng thông tấn và các phương tiện truyền thông xã hội đều chỉ trích Virgin Galactic vì đã đưa ông Branson lên không gian bằng tàu vũ trụ SpaceShipTwo, vốn “ngốn” rất nhiều nhiên liệu hóa thạch. SpaceShipTwo sử dụng một loại cao su tổng hợp làm nhiên liệu và đốt cháy bằng nitơ ôxít (NO), thải ra muội than vào thượng tầng bình lưu. Tại đây, các hạt chất thải rắn này có thể gây ra nhiều tác động, từ phản xạ ánh sáng Mặt trời, gây ra hiệu ứng “mùa đông hạt nhân”, đến đẩy nhanh các phản ứng hóa học làm suy giảm tầng ozone, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ con người khỏi bức xạ có hại.
Trong khi đó, so với SpaceShipTwo, tàu vũ trụ New Shepard của Blue Origin sạch hơn nhiều, bởi nó đốt cháy hydro lỏng và oxy lỏng thành hơi nước. Nghiên cứu của nhà khoa học Martin Ross tại Tổ chức nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Mỹ Aerospace Corporation cho thấy, vụ phóng của Blue Origin gây tác hại cho tầng ozone thấp hơn hàng trăm lần so với Virgin Galactic. Song, không có nghĩa là vụ phóng của Blue Origin sạch hoàn toàn, bởi khoảng 2/3 lượng khí thải được thải vào tầng bình lưu và tầng trung lưu, nơi nó có thể tồn tại ít nhất 2-3 năm. Không những vậy, nhiệt độ rất cao trong quá trình khởi động động cơ tàu vũ trụ cũng biến lượng nitơ ổn định trong không khí thành các nitơ ôxít phản ứng, từ đó gây ra nhiều tác động tiêu cực đến bầu khí quyển. Chẳng hạn như ở tầng bình lưu, các nitơ ôxít được hình thành từ sự phân hủy của hơi nước sẽ chuyển đổi ozone thành oxy, làm suy giảm tầng ozone.
Ðáng lo ngại hơn, lượng khí thải được tên lửa thải ra sẽ góp phần làm Trái đất nóng lên. Trong quá trình phóng, tên lửa có thể thải ra lượng nitơ ôxít gấp 4-10 lần so với Drax, nhà máy nhiệt điện lớn nhất ở Anh, trong cùng khoảng thời gian.
Vào tháng 9 tới, khi rocket Falcon 9 của SpaceX đưa tỉ phú Elon Musk lên vũ trụ sẽ phát ra lượng khí thải tương đương 395 chuyến bay xuyên Ðại Tây Dương.
Ông Bezos mới đây tiết lộ, Blue Origin đã bán được gần 100 triệu USD tiền vé bay thương mại vào rìa không gian. Dù Blue Origin không tiết lộ giá chỗ ngồi trên tàu vũ trụ New Shepard là bao nhiêu nhưng cuộc đấu giá công khai chỗ ngồi trên chuyến bay với tỉ phú Bezos cho thấy, để có tấm vé này, người tham gia phải bỏ ra khoảng 28 triệu USD, cao gấp nhiều lần so với mức giá 200.000-500.000USD mà Virgin Galactic đưa ra trước đó. |
Trí Văn