Có dịp quay trở lại xã Phương Trung (huyện Thanh Oai), nơi có nghề làm nón nổi tiếng hàng trăm năm, với nhiều cung bậc khác nhau, ai đó có thể buồn vì làng nghề không còn ở giai đoạn thịnh vượng. Thế nhưng qua câu chuyện với bà Tạ Thu Hương - người sinh và lớn lên ở mảnh đất này và đang cần mẫn ngày đêm tạo ra những sản phẩm nón lá độc đáo phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng - chúng tôi cảm nhận được nhiều hơn về nghề và việc giữ “ngọn lửa” nghề làm nón làng Chuông…
Khách hàng đội nói quai thao của bà Tạ Thu Hương bán tại hội chợ.
Sáng tạo để giữ nghề
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ các sản phẩm nón lá trên thị trường trong nước và xuất khẩu gặp không ít khó khăn nên nghệ nhân Tạ Thu Hương đã tìm đến các trang bán hàng online để kinh doanh sản phẩm. Trong câu chuyện về nghề, bà Tạ Thu Hương cho biết: "Tôi đã có hơn 40 năm gắn bó với những chiếc nón lá. Thị trường thay đổi, nghề này không còn hưng thịnh nữa, chỉ có người già còn gắn bó".
“Với suy nghĩ không để cho nghề bị mai một, quãng năm 2.000 tôi thu gom nón mang ra bán ở các điểm du lịch trong thành phố, thấy khách nước ngoài rất thích nón, nên tôi nảy ra ý định đưa nón Việt Nam ra nước ngoài. Thật tình cờ cùng năm đó, tôi đã kết nối được với một khách hàng đặt mua gần 10.000 chiếc nón lá với thời gian giao hàng là 1 tháng. Quá gấp gáp nhưng quyết tâm không để mất mối làm ăn này nên tôi về thuê người làm ngày, làm đêm, cuối cùng cũng xong đơn hàng đầu tiên. Rõ ràng nghề nón lá vẫn còn “chỗ đứng”, vấn đề là phải đổi mới mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu khách hàng”- bà Tạ Thu Hương cho biết.
Các sản phẩm nón lụa do bà Tạ Thu Hương sản xuất.
Theo đà phát triển đến năm 2017, bà Tạ Thu Hương giới thiệu sản phẩm nón lụa ra thị trường, nhận được nhiều phản hồi tích cực và rồi theo thị hiếu người tiêu dùng, cơ sở đã sáng tạo ra hàng chục sản phẩm như: Nón quai thao, nón lụa, nón đạo cụ… Nón vẽ các bức tranh phong cảnh con người, đất nước Việt Nam được khách nước ngoài rất ưa thích. Giờ đây, trung bình mỗi năm cơ sở nón lá Thu Hương bán hơn 5.000 chiếc nón lá, quạt... cho các doanh nghiệp xuất khẩu đi Nhật Bản, Australia... Và, để quảng bá sản phẩm nón làng Chuông đến với khách hàng trong nước và quốc tế, bà Tạ Thu Hương còn tổ chức đón khách du lịch từ các công ty lữ hành đến với làng Chuông. “Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tổ chức cho du khách tham quan quy trình sản xuất nón không thể thực hiện. Tôi quay video đưa lên trang Facebook cá nhân, Zalo để giới thiệu với khách hàng”- nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn Liên Tân, xã Phương Trung, mười năm trở lại đây, nghề làm nón lá ngày càng bị mai một, những người tâm huyết với nghề còn rất ít và người sáng tạo ra nhiều kiểu nón lá độc đáo thì cả làng Chuông chỉ có nghệ nhân Tạ Thu Hương.
Nhiều gian nan phía trước
Bà Tạ Thu Hương giới thiệu sản phẩm nón lụa.
Dịch Covid-19, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm nhiều khó khăn. Theo bà Tạ Thu Hương, thời điểm hiện tại, sản lượng tiêu thụ giảm 50% so với những năm trước, việc bán hàng qua các kênh thương mại điện tử cũng không nhiều. Mặt khác, chi phí cho các đơn hàng cũng cao hơn 20% do nguyên liệu để làm nón và tiền cước vận chuyển gia tăng...
Khách hàng sử dụng nón lụa.
Chủ tịch UBND xã Phương Trung - Phạm Việt Hùng cho biết, sản phẩm nón làng Chuông đã có từ lâu đời, thời điểm hiện tại, giá một chiếc nón lá trên thị trường từ 30.000 đến 40.000 đồng, còn nón lụa cách tân từ 150.000 đến 200.000 đồng. Nghề làm nón truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, hiện nay còn rất ít người đam mê với nghề như bà Tạ Thu Hương. Để hỗ trợ cơ sở phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian tới, xã sẽ cùng với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ để xây dựng các sản phẩm nón lá đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Khách hàng tham quan và mua sắm tại cửa hàng nón của bà Tạ Thu Hương (ảnh tư liệu).
Hiện tại, đã có 4 mặt hàng nón lá của cơ sở nón lá Thu Hương được công nhận sản phẩm OCOP. Là một trong những người trực tiếp đánh giá, thẩm định sản phẩm này, ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó có sản phẩm nón làng Chuông của bà Tạ Thu Hương để lưu giữ, duy trì, phát triển nghề truyền thống.
Ngọc Quỳnh