Kiến tạo tương lai từ chiều sâu văn hóa

Cập nhật: 28/07/2021
Ngay từ khi được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới ở lĩnh vực thiết kế, Hà Nội đã xác định trọng tâm xây dựng Thành phố sáng tạo là tạo ra những sản phẩm văn hóa mới có giá trị trên nền tảng văn hóa truyền thống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thành phố đã bước đầu có những hình mẫu trong sáng tạo di sản, đưa di sản thích ứng với thời đại; nhưng cũng còn không ít hạn chế cần khắc phục trong tiến trình xây dựng Thành phố sáng tạo mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội.

Bài 1: Tích hợp sáng tạo vào di tích

Hà Nội có 5.922 di tích. Nhưng rất nhiều trong số đó chỉ thực hiện chức năng “sáng mở - tối đóng”, hoặc chỉ thu hút khách theo mùa vụ. Để những di tích trở nên sống động, thu hút công chúng, hấp dẫn khách du lịch, sáng tạo là một yêu cầu bức thiết. Nhiều cơ quan quản lý di tích trên địa bàn đã có những đổi mới, sáng tạo, khiến di sản trở nên sống động.

Tua du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long là một sáng tạo đem đến trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho khách du lịch khi đến với di tích.

Những ngày tháng 7/2021, dịch Covid-19 làm hoạt động du lịch ngừng trệ. Tuy nhiên, với Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đó là khoảng thời gian cần thiết để điều chỉnh lại một số hoạt động, hướng tới việc phục vụ khách du lịch tốt hơn. Giám đốc trung tâm Lê Xuân Kiêu cho biết, muốn di sản trở nên sống động thì cần phải có những sáng tạo trên nền tảng di sản và những câu chuyện về hiếu học, về các nhân vật hiền tài liên quan đến khu di tích... Khi Trung tâm là một đơn vị tự chủ về kinh tế và Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO, thì việc sáng tạo để làm sao thu hút khách tham quan, thu hút cộng đồng trở thành nhiệm vụ sống còn. Để làm được điều này, Trung tâm liên tục tổ chức các hoạt động như ứng dụng phần mềm thuyết minh tự động, tổ chức hồ Văn thành không gian văn hóa - nghệ thuật cho học sinh vào mùa hè, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tăng cường giáo dục di sản, các tua tham quan tăng cường tính tương tác, trải nghiệm.

Với việc mạnh dạn áp dụng nhiều thử nghiệm, từ một di sản vốn chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang chuyển mình với những hoạt động năng động, sáng tạo. Hiện tại, Trung tâm đã trình UBND thành phố Hà Nội đề án Phát triển du lịch thông minh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0. “Khung cảnh của Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm tuyệt đẹp. Tuy nhiên, để khai thác được vẻ đẹp ấy thì phải thực hiện một cách tổng thể trong Đề án. Vẻ đẹp cổ kính tự nhiên của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ được kết hợp với sử dụng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng đặc biệt để có thể “kể” những câu chuyện với chiều sâu văn hóa. Chúng tôi mong muốn đưa ra sản phẩm du lịch thông minh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhất là du lịch đêm thành sản phẩm xứng tầm, góp phần tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Nội”, Giám đốc Trung tâm Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Những ngày này, tranh thủ khi tạm dừng đón khách, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội “tinh chỉnh” lại sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã ra mắt phục vụ khách du lịch vào cuối tháng 4. Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới quen thuộc với mọi người. Nhưng tua du lịch đêm ở địa điểm này đem lại cho các vị khách những cảm giác mới lạ.  Là một người nghiên cứu văn hóa truyền thống, nhưng nhà thiết kế trẻ Nguyễn Đức Lộc cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên: “Em đã nhiều lần đến Hoàng thành Thăng Long, nhưng những trải nghiệm về đêm ở đây thật sự ấn tượng và khác biệt”.

Hai năm trước, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, đã có rất nhiều bỡ ngỡ, ngay với cả những người công tác trong ngành văn hóa. Đối với lĩnh vực di tích - thế mạnh của Hà Nội, câu hỏi còn lớn hơn. Ngoài Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, còn có nhiều Di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, trong đó chỉ một số di tích đều đặn thu hút khách du lịch, còn phần lớn các di tích chỉ đón khách trong vài tháng đầu năm. Thời gian còn lại ít có hoạt động. Di tích thường gắn với bảo tồn, là nơi giáo dục truyền thống. Để áp dụng những sáng tạo không phải câu chuyện dễ dàng. Các đơn vị quản lý di tích, di sản trên địa bàn đã mạnh dạn thử nghiệm, đổi mới. Trên nền những di tích, các cơ quan quản lý đem đến những cách tiếp cận mới, những trải nghiệm mới, những phương pháp giáo dục đầy sáng tạo..., qua đó, tạo nên sức hút mới cho các di tích.  

Không chỉ những di tích lớn, một số di tích nhỏ cũng “hút khách” một cách bất ngờ khi được gắn kết với các hoạt động sáng tạo văn hóa. Một trong những điển hình là di tích đình Nam Hương nằm trên phố Hàng Trống. Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội và Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam “tích hợp” một dự án nghệ thuật vào ngôi đình này. Trong khoảng một tháng, đình Nam Hương trở thành không gian gặp gỡ giữa nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên với một nhóm sinh viên chuyên ngành Lụa và Sơn mài (Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam). Kết quả của quá trình trao truyền, phổ biến tri thức là hàng trăm tác phẩm lụa, sơn mài lấy cảm hứng từ dòng tranh Hàng Trống ra đời. Tiếp đó, đầu năm 2021, một triển lãm nghệ thuật đương đại có tên “Từ truyền thống tới truyền thống” đã được chính thức ra mắt tại ngôi đình. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, thành viên của Ban Tổ chức triển lãm cho biết: “Hàng nghìn lượt du khách đã tới thăm triển lãm, cũng như thăm chính ngôi đình - một không gian tín ngưỡng của cộng đồng vừa là một không gian nghệ thuật độc đáo. Các vị khách đều bất ngờ và thú vị khi chứng kiến sự giao thoa giữa kiến trúc và nghệ thuật, giữa di sản truyền thống và cuộc sống đương đại; điều này góp phần tăng thêm giá trị văn hóa với phố đi bộ quanh hồ Gươm”.

Hà Nội đang dần tìm ra câu trả lời trong xây dựng Thành phố sáng tạo với bản sắc riêng của mình. Những bước đi kể trên, là gợi ý để các di tích khác tìm kiếm những giải pháp tích hợp, những sáng tạo, góp phần đưa di tích trở nên sống động, hấp dẫn khách tham quan.

(Còn nữa)

Giang Nam, Quỳnh Anh

Nguồn: Báo Nhân dân