Ngay từ khi được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới ở lĩnh vực thiết kế, Hà Nội đã xác định trọng tâm xây dựng Thành phố sáng tạo là tạo ra những sản phẩm văn hóa mới có giá trị trên nền tảng văn hóa truyền thống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thành phố đã bước đầu có những hình mẫu trong sáng tạo di sản, đưa di sản thích ứng với thời đại; nhưng cũng còn không ít hạn chế cần khắc phục trong tiến trình xây dựng Thành phố sáng tạo mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội.
Bài 2: Làm mới những điều xưa cũ
Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô, có nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, mang yếu tố trình diễn. Đối với các di sản này, sáng tạo mà không làm sai lệch nguyên gốc là điều hết sức khó khăn. Nhưng các nghệ sĩ, nghệ nhân trên địa bàn đã có nhiều sáng tạo để khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, khiến nhiều di sản trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần tạo dựng, khẳng định thương hiệu văn hóa Hà Nội.
Một cảnh trong vở diễn "Tứ phủ".
Đầu năm 2016, khi vở diễn “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú được công diễn chính thức tại Rạp Công nhân (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), công chúng Thủ đô đã thật sự ngỡ ngàng. Hầu đồng vốn là một nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nay được đưa lên sân khấu trình diễn. Dù biểu diễn trên sân khấu, nhưng khán giả đã bị mê hoặc khi vở diễn được đưa vào không gian đầy sự huyền bí của tín ngưỡng thờ Mẫu. Bắt đầu từ trang trí, với những sắp đặt các loại đồ mã, mùi hương trầm, ngay từ khi mới đến khán phòng, khán giả đã cảm nhận như lạc vào chốn uy nghiêm, huyền bí. Đoạn mở đầu “Tứ phủ”, đạo diễn Việt Tú muốn khắc họa cho người xem rõ nét hơn nghi thức của một buổi lễ hầu với cận cảnh việc bày biện, soạn sửa khăn áo của thanh đồng. Từng chi tiết gài trâm, vấn khăn, mặc áo cho Thanh đồng được “tay quỳnh, tay quế” thao tác đẹp mắt. Đạo diễn Việt Tú chỉ lựa chọn ba giá tiêu biểu: giá Đệ nhị, giá Ông Hoàng Mười, giá Cô bé Thượng ngàn trong 36 giá đồng. Khác với những nghi lễ lên đồng thường thấy ở cửa phủ, cửa đền, những nơi thờ cúng linh thiêng, “Tứ phủ” tái hiện hầu đồng với tinh thần “duy mỹ”, trau chuốt và cẩn thận từ phần hình ảnh, âm nhạc cho đến kết cấu chương trình. Rất nhanh chóng, những buổi trình diễn “Tứ phủ” tại Rạp Công nhân trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2016, “Tứ phủ” được trình diễn tại Anh và đã gây tiếng vang và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tín ngưỡng thờ Mẫu được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đã từng có những tranh luận về nguy cơ “sân khấu hóa” một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhất là khi nhiều di sản gắn với các nghi lễ tâm linh như tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung bảo tồn, ngay cả khi bảo tồn nguyên gốc đạt kết quả tốt, di sản sẽ khó được quảng bá, giới thiệu và khai thác.
Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) cho biết: “Nhiều di sản văn hóa phi vật thể vốn là nghệ thuật trình diễn, hoặc có yếu tố trình diễn, thí dụ như nghi lễ hầu đồng. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta cần có cách nhìn mới. “Tính thiêng” trong những di sản có yếu tố tâm linh được giữ lại, yếu tố trình diễn có thể đem đến cho công chúng. Chúng ta có thể thay đổi không gian diễn xướng, nhưng không thay đổi nội dung, trang phục, con người... thì di sản vẫn là của cộng đồng, nhưng lại có thể đem lại nhiều giá trị khác. Trong đó, vở diễn “Tứ phủ” có thể coi là một điển hình”.
Hà Nội có 1.783 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có những di sản nằm trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hay được công nhận là Di sản văn hóa thế giới như ca trù, kéo co ngồi ở Thạch Bàn, kéo mỏ ở Xuân Thu, hội Gióng ở Phù Đổng và đền Sóc... Với cách tiếp cận mới này, nhiều di sản đã được giới thiệu, quảng bá một cách rộng rãi, thu hút khách du lịch. Sáng tạo trong quảng bá, giới thiệu, phát huy giá trị di sản này cũng là một trong những nhân tố để Hà Nội được UNESCO ghi danh là Thành phố sáng tạo năm 2019. Với chiến lược phát triển mới, khi Hà Nội coi văn hóa là nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững, cùng với việc xây dựng Thành phố sáng tạo, đưa những di sản văn hóa phi vật thể thích ứng với đời sống càng trở nên cần thiết. Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Giáo sư Lê Hồng Lý cho biết: “Năm 2019, Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, đó là niềm vinh dự nhưng cũng là một thách thức đối với Thủ đô. Sáng tạo ở đây không chỉ là sáng tạo văn hóa mới, mà cần phải khai thác dựa trên giá trị văn hóa truyền thống. Các chương trình văn hóa nghệ thuật diễn ra ở không gian đi bộ, điểm di tích trong phố cổ, di tích Hoàng thành Thăng Long... đã minh chứng nghệ thuật diễn xướng dân gian vẫn có sức hấp dẫn với công chúng khi được biểu diễn trong một không gian sáng tạo mới. Đây là một thử nghiệm rất cần được duy trì, để làm sao ngày càng có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đến được với công chúng”.
Cũng nhờ cách tiếp cận mới, nhiều di sản không còn “đóng khung” ở làng, xã nữa mà được giới thiệu, trình diễn ở nước ngoài, hoặc trong những không gian mới. Thành phố tổ chức những lễ hội đường phố, điển hình như tháng 6/2020, Lễ hội đường phố Hà Nội - Điểm đến xanh diễn ra tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ở đó, những di sản như: Múa bồng Triều Khúc, múa bài bông (một điệu múa trong ca trù), múa rồng, múa sênh tiền... đã được trình diễn trong không gian mới... đem đến nhiều ấn tượng với khách du lịch.
Trước đây, các nghệ nhân kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên), nay được sang tận Hàn Quốc, đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... và nhiều địa phương khác, giúp hình ảnh kéo co ngồi in đậm trong lòng du khách trong nước, quốc tế. Nhiều di sản là nghệ thuật trình diễn ở các làng, xã cũng đang được đưa vào khai thác du lịch. Trong đó, huyện Gia Lâm đã xây dựng hẳn một đề án khai thác phát triển du lịch tại Phù Đổng. Khách du lịch sẽ được xem tái hiện trích đoạn lễ hội Gióng khi đến đây. Hiện mọi công đoạn đều cơ bản hoàn thành và sẵn sàng đưa vào khai thác. Ở huyện Đông Anh, làng rối nước Đào Thục lâu nay đã trở thành làng đón du khách quốc tế. Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị là người vừa thiết kế, xây dựng tích trò Huyền thoại Loa thành để phục vụ khách du lịch cho biết: “Đào Thục là làng rối nước cổ truyền lâu đời. Nhưng nếu không có sáng tạo mới, thì sẽ không đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Song song giữ những tích trò cũ, chúng tôi thiết kế lại việc biểu diễn, xây dựng tích trò mới... Trước đây dân làng đứng xem rối quanh ao thì nay chúng tôi thiết kế cả khán đài để khách xem rối nước với kiểu kiến trúc truyền thống, hài hòa cảnh quan”.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể dần trở thành thương hiệu du lịch của Hà Nội qua sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân. Sáng tạo không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu, thu hút du lịch..., những giá trị kinh tế đem lại giúp người dân trân trọng hơn văn hóa của mình, từ đó, thực hiện công tác bảo tồn tốt hơn.
(Còn nữa)
Giang Nam, Quỳnh Anh