Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim truyền thông mới nhất “Tê giác mất sừng – Người mất văn minh” nhấn mạnh thông điệp sừng tê giác không giúp chúng ta khẳng định bản thân. Thay vào đó, hãy sống và ứng xử đúng đắn để được mọi người tôn trọng.
Với phong cách dí dỏm, phim bắt đầu với hình ảnh nhân vật chính là một chàng doanh nhân trẻ đầy tham vọng đang tới buổi ký kết hợp đồng với đối tác. Chàng doanh nhân tốt bụng sẵn sàng đưa người già qua đường hay trả lại tiền cho người đánh rơi. Anh hào hứng và hăng hái giúp đỡ mọi người vì với mỗi việc tốt mà anh làm sẽ giúp nâng điểm của anh trong ứng dụng “Điểm văn minh”. Đáng tiếc, mọi nỗ lực ghi điểm tốt của anh đã “đổ xuống sông xuống biển” khi anh vì thiếu hiểu biết mà mắc một sai lầm nghiêm trọng là tặng sừng tê giác cho đối tác kinh doanh.
“Nhu cầu sử dụng sừng tê giác bắt nguồn từ những quan niệm sai lầm khi cho rằng chúng có thể giúp người dùng thể hiện địa vị cao trong xã hội” Bà Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc ENV chia sẻ. “Những người mua sừng tê giác để khẳng định bản thân hoặc làm quà tặng nên hiểu rằng giá trị của con người không nằm trong các sản phẩm động vật hoang dã quý, hiếm mà đến từ tâm và cách đối nhân xử thế trong cuộc sống hàng ngày.”
Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Hoạt động quảng cáo, buôn bán và tàng trữ sừng tê giác vẫn luôn là một trong những vấn đề nhức nhối trong công tác bảo tồn ĐVHD. Trong giai đoạn từ tháng 1/2020 – 3/2021, ngay giữa đại dịch Covid 19, ENV đã ghi nhận 99 vụ vi phạm liên quan đến sừng tê giác trong đó các cơ quan chức năng đã tịch thu 194,69 kg sừng tê giác. Trong những vụ việc này, 11 đối tượng buôn bán sừng tê giác cũng đã bị bắt giữ trong đó 4 đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nhận án tù từ 6 đến 12 năm 6 tháng.
Phim truyền thông thứ 47 này của ENV tiếp tục kêu gọi cộng đồng chấm dứt sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD đồng thời khuyến khích cộng đồng thông báo các vi phạm về ĐVHD tới Đường dây nóng miễn phí 1800-1522. Các phim truyền thông và các hoạt động nâng cao nhận thức khác của ENV được thực hiện nhằm khuyến khích công chúng thông báo vi phạm về ĐVHD tới cơ quan chức năng. Trong những năm gần đây, số lượng các vụ vi phạm được của người dân thông báo ngày một tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2019-2020, số lượng thông báo vi phạm từ người dân đến đường dây nóng đã tăng hơn gấp đôi, từ trung bình 4,7 thông báo một ngày trong năm 2019 lên gần 10 trường hợp mỗi ngày trong năm 2020.
Bà Dung kêu gọi: “Sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD không mang lại lợi ích cho sức khỏe hay cho chúng ta địa vị xã hội. Hãy là người văn minh, không sử dụng ĐVHD và cho thế giới thấy rằng Việt Nam chúng ta có thể cùng đồng lòng chấm dứt nhu cầu tiêu thụ sử dụng các sản phẩm ĐVHD đang không chỉ khiến tê giác mất sừng mà còn khiến chúng ta mất thể diện này”.
Sơn Tinh