Chúng tôi đến Côn Đảo vào một ngày hè nắng vàng rót mật. Con tàu rẽ đôi dòng Hậu Giang rời bến Ninh Kiều lướt nhanh trên mênh mông sông nước miền Tây. Khoảng vài ba tiếng lênh đênh trên biển, Côn Đảo hiện ra trước mắt chúng tôi là một màu xanh thẫm của những quả đồi nằm giữa biển khơi. Trời trong veo nên biển như càng lấp lánh hơn, màu xanh của cây cối trên những quả đồi trước mặt như thẫm hơn dưới ánh nắng chiều.
Nghĩa trang Hàng Dương
Là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ Việt Nam thuộc đơn vị hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý, Côn Đảo, hay còn gọi là Côn Lôn được biết đến là một trong những hòn đảo xinh đẹp nhất Việt Nam, thiên đường du lịch với cảnh quan hùng vĩ, màu xanh ngút ngát của những khu rừng dày đặc hòa quyện với màu xanh ngọc bích của biển khơi tạo cho hòn đảo này một vẻ đẹp hoang sơ mà vô cùng quyến rũ. Côn Đảo còn được biết đến là một địa danh với nhiều dấu tích của đau thương, bí ẩn và huyền thoại khi có quá khứ hơn 100 năm là nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất và khắc nghiệt nhất ở Đông Dương. Hàng vạn tù nhân chính trị đấu tranh cho quyền độc lập, tự do và thống nhất Việt Nam bị giam giữ và lưu đày nơi đây.
Trong tâm trạng lần đầu đặt chân đến vùng đất nhiều huyền thoại, cảm giác bồi hồi pha chút tâm linh tạo cho tôi một cảm xúc khó tả, cảm xúc này lớn hơn cả sự choáng ngợp bởi vẻ đẹp của biển xanh cát trắng với mênh mông nắng vàng. Ấn tượng nhất trong tôi chính là hai địa danh linh thiêng và huyền thoại: Nhà tù Côn Đảo và Nghĩa trang Hàng Dương.
Nhà tù Côn Đảo là di tích lịch sử đầu tiên và nổi tiếng nhất. Địa danh này gắn liền với những ngục tù tàn bạo như Chuồng Bò, Chuồng Cọp, Sở Muối, Sở Lò Vôi,... Nhà tù ra đời gắn liền với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp vào Việt Nam. Sau thất bại trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh khi tấn công Đà Nẵng, thực dân Pháp tấn công đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kì. Trong thời gian đánh chiếm Định Tường tháng 4/1861, Pháp khẩn cấp đặt vấn đề chiếm đóng Côn Đảo vì sợ Anh nhảy vào hớt tay trên vị trí chiến lược quan trọng này. Tháng 11/1861 Pháp đưa tàu chiến đến xâm chiếm Côn Lôn lúc 10 giờ sáng. Tên trung úy hải quân Pháp Lespès Sebastien Nicolas Joachim đã tự vỗ ngực nhân danh nước Pháp chính thức đặt ách thống trị lên quần đảo Côn Lôn bằng một biên bản: “Tuyên cáo xâm lược”. Ngày 1/2/1862 Bonard ký quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo, và từ đó biến Côn Lôn núi non hùng vĩ, biển trời trong lành thành “địa ngục trần gian”. Thực hiện một chế độ lao tù khắc nghiệt và vô cùng tàn bạo với những chiến sĩ cộng sản bị giam giữ. Đến năm 1954, chính quyên Ngô Đình Diệm đổi tên quần đảo Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn, tiếp tục chế độ lao tù đối với hệ thống nhà tù ở quần đảo này. Sau Hiệp định Paris (27/1/1973) chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đổi tên quần đảo này một lần nữa thành thị trấn Phú Hải thuộc tỉnh Gia Định, vì vậy các hòn đảo cũng như các trại tù ở đây đều ghép chữ “Phú” cho đến ngày 1/5/1975, Côn Đảo hoàn toàn giải phóng, thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian” sau 113 năm.
Tận mắt thấy những cảnh tượng những tù nhân bị tra tấn, tuy là cảnh tượng phục dựng và qua lời kể của những thuyết minh viên của Bảo tàng Côn Đảo, trong lòng chúng tôi vẫn nhói lên một nỗi đau, nỗi xót thương những chiến sĩ từng bị tù đày trước những nhục hình, khổ sai của kẻ thù. Có lẽ không ở đâu mà sự tàn ác, man rợ lại được thể hiện rõ ràng nhất như ở nơi này. Người ta chỉ hình dung về địa ngục ở cõi âm, nơi mà con người không thể biết khi chưa hết kiếp của mình, mơ hồ và tự suy tưởng về nó như một vùng tối tăm và đầy nhục hình khổ ải. Nhưng ở đây, trên một vùng đất vô cùng xinh đẹp giữa trần gian, trước những hình ảnh và cảnh tượng trong những trại tù cho con người ta cái mường tượng địa ngục chắc cũng chỉ bạo tàn đến thế. Vì vậy, hệ thống Nhà tù Côn Đảo và những địa danh được xây dựng bằng khổ sai của tù nhân đã làm cho vùng đất này được mệnh danh “địa ngục trần gian” trong một thời đau thương của dân tộc.
Nắng mùa hè Côn Đảo vàng ươm, bầu trời trong xanh vời vợi. Những gốc bàng cổ thụ đổ bóng sum suê trong cái tĩnh lặng của khuôn viên các nhà tù làm cho không gian trở nên bí ẩn và linh thiêng. Trong sâu thẳm lòng mình, chúng tôi cảm nhận sâu sắc về sự vĩ đại, sự vĩ đại của ý chí kiên cường, lòng kiên trung bất khuất của những chiến sĩ cách mạng trước sự tàn bạo, độc ác không bút nào kể xiết của kẻ thù. Kẻ thù biến Côn Đảo thành địa ngục của trần gian thì những tù nhân, những chiến sĩ cộng sản đã viết nên cho mảnh đất này một bản anh hùng ca bất diệt về tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cao cả và lòng kiên trung, niềm tin sắt đá vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho đất nước.
Gần với Nhà tù Côn Đảo là Nghĩa trang Hàng Dương. Đây là một di tích lịch sử đặc biệt. Nghĩa trang Hàng Dương với hàng ngàn nấm mộ có tên và không tên là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân đối với dân tộc ta. Đó là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú kiên trung của cách mạng đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công xây dựng và tôn tạo thi công trên diện tích khoảng 20 ha. Trải qua 113 năm ngục tù Côn Đảo, có khoảng hai vạn người đã yên nghỉ. Dù cho mộ chí ở đây có tên hay không tên, được tôn tạo hay còn bị vùi lấp thì mỗi nắm đất nơi đây đều là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với mỗi liệt sỹ, mỗi con người, mỗi thời kỳ đấu tranh của Nhà tù Côn Đảo.
“Nghĩa địa Hàng Dương vùi thây bao số phận
Hết lớp này lớp khác dập lên trên
Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên
Không bia mộ không tên và không tuổi…” |
Có lẽ không ở đâu lại đặc biệt như ở nơi này, nghĩa trang lại là địa điểm du lịch tâm linh mà bất cứ du khách nào đặt chân đến Côn Đảo đều đến thăm, và đặc biệt hơn nữa Nghĩa trang Hàng Dương luôn đông khách viếng từ buổi tối đến đêm khuya. Trong khói nhang mờ mịt, dưới ánh đèn tỏa đủ sáng để người nhìn thấy mặt người chúng tôi hòa cùng đoàn người là du khách thập phương đến viếng. Cảm nhận về sự linh thiêng tỏa khắp không gian, khói hương như sương bay là đà trên từng mộ chí, hàng ngàn bia mộ không tên và có tên thấp thoáng dưới ánh đèn mờ. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình vái vọng, nước mắt như muốn trực trào. Cảm giác thật sự khó diễn tả, vừa xót thương vừa cảm phục khi nghĩ đến những liệt sĩ dưới những nấm mộ kia đã phải chịu đựng những cực hình đày ải tra tấn man rợ của kẻ thù đến thế nào. Chưa bao giờ những cảm nhận về giá trị của tất thảy những gì mà thế hệ mình đang được sống và hưởng thụ phải trả bằng xương máu của thế hệ cha ông mình nhiều và rõ ràng đến thế. Lòng biết ơn và trân trọng dâng trào, trong nghĩa trang giữa những ngôi mộ san sát, từng bước chân đi không thành tiếng những mong để các anh linh của các Anh hùng, liệt sỹ yên nghỉ trong nhẹ nhàng thân xác, bởi họ đã phải chịu bao đau đớn trước khi về với đất. Nén nhang, cây trái dâng cúng của con cháu bây giờ là những tri ân là tột cùng của lòng biết ơn với anh linh dưới từng bia mộ.
Đến Nghĩa trang Hàng Dương không thể không viếng thăm những ngôi mộ đặc biệt của những Anh hùng, liệt sĩ đã đi vào sử sách của dân tộc đó là mộ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (1900-1943), một chí sĩ yêu nước ở đầu thế kỷ 20; mộ của Ủy viên Quốc tế Cộng sản, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Lê Hồng Phong (1902-1942)… và đặc biệt là mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Người dân Côn Đảo gọi nữ anh hùng bằng cái tên đầy thân thương và kính trọng: Cô Sáu. Cô Võ Thị Sáu (1933-1952) tham gia vào các hoạt động cách mạng bí mật ở địa phương từ năm 12 tuổi. Năm 1950, cô bị địch bắt và bị Tòa án binh của Pháp kết án tử hình vào tháng 4 năm 1951. Cô bị lén lút xử bắn vào 7 giờ sáng ngày 13 tháng 1 năm 1952, tại Côn Đảo. Bọn cai ngục lấp xác cô trong bãi cát ở Hàng Dương. Đã có rất nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền thoại và linh thiêng về mộ cô Sáu, có lẽ sự linh thiêng màu nhiệm đã được cảm nhận từ những nguyện cầu của những người đến khấn nguyện, nên vì thế, trên mộ của cô Sáu không lúc nào thiếu cây trái và hoa tươi, những vật dụng cá nhân dâng cúng anh linh của cô quanh năm ngày tháng. Cô Sáu và những Anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại nghĩa trang này trở thành những tượng đài về lòng yêu nước, tinh thần trung kiên một lòng vì quốc gia, dân tộc trong lòng mỗi người Việt Nam và Tổ quốc đời đời ghi ơn họ.
Trong những ngày tháng Bảy linh thiêng, nhớ về chuyến thăm Côn Đảo và những cung bậc cảm xúc đã trải nghiệm ở hệ thống nhà tù, ở Nghĩa trang Hàng Dương bỗng thấy dâng trào cảm xúc về lòng biết ơn vô hạn với các bậc tiền bối, Anh hùng, liệt sỹ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống, đánh đổi xương máu của mình cho nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.
Hà Ngân