Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 410/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Bảo tàng tỉnh. Không chỉ góp phần tôn vinh di sản phi vật thể của nhân loại, không gian này sẽ tạo sức hút đáng kể cho du lịch tỉnh nhà.
Thiếu không gian xứng tầm
Cách đây 16 năm, UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, đến nay, tại Gia Lai vẫn chưa có nơi trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đúng nghĩa. Đưa chúng tôi tham quan Phòng Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai (đời sống tinh thần) tại tầng 2 Bảo tàng tỉnh, chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ-cho biết: Trong diện tích chỉ hơn 100 m2, ngoài chủ đề “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, Bảo tàng còn trưng bày 2 chủ đề khác thuộc danh mục di sản phi vật thể quốc gia gồm: sử thi Bahnar 4 huyện phía Đông tỉnh và lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.
Theo quan sát của P.V, những gì đại diện cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại đây chỉ là một khu vực nhỏ mô phỏng lễ hội cồng chiêng, ngoài ra chỉ có 1 bộ cồng chiêng được trưng bày. Sau 11 năm đi vào hoạt động, một số hạng mục bị xuống cấp, thấm nước mưa nên ẩm thấp, nấm mốc; tường ốp bằng thạch cao nứt ngang dọc. Do không có cửa sổ, căn phòng thiếu không khí và ánh sáng tự nhiên.
Khu vực trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Bảo tàng tỉnh hiện nay khá chật hẹp. Ảnh: Phương Duyên
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam: “Theo tôi, cần hiểu đúng cụm từ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Yếu tố mà UNESCO công nhận không chỉ là cồng chiêng mà chính là không gian văn hóa bao gồm nhà rông, nhà dài, bến nước, núi đồi, không gian diễn xướng… Do vậy, không nên bó hẹp cồng chiêng trong những bức tường mà nên có một không gian mở để trưng bày, như nhà rông chẳng hạn…”.
Theo chị Nguyễn Thị An, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 61 bộ cồng chiêng của các dân tộc với 745 chiếc (304 chiêng núm và 441 chiêng bằng). Tuy nhiên, do không đủ chỗ nên chỉ trưng bày được 7 bộ ở không gian dàn trải khác nhau. Thỉnh thoảng, khi Bảo tàng tỉnh tổ chức một số triển lãm chuyên đề như: Chiêng trống của người Jrai, Bahnar; Nhạc cụ truyền thống các dân tộc… thì các bộ cồng chiêng quý mới có dịp ra mắt khách tham quan.
Cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh lau chùi, bảo quản các bộ cồng chiêng được trưng bày tại đây. Ảnh: Phương Duyên
Do chưa được tiếp cận với một Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đúng nghĩa, xứng tầm nên du khách khi đến với quần thể thiết chế văn hóa ở Pleiku chủ yếu thường ghé thăm Quảng trường Đại Đoàn Kết, sau đó chụp ảnh lưu niệm cạnh bộ cồng chiêng trưng bày 2 bên phù điêu đá. Tại thời điểm khánh thành Quảng trường, đây được công nhận là bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam.
“Không nên bó hẹp trong những bức tường”
Trước thực trạng đó, Dự án Phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Bảo tàng tỉnh được HĐND tỉnh khóa XI thông qua chủ trương đầu tư là động thái hết sức thiết thực. Nghị quyết nêu rõ: Việc xây dựng Phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nhằm mục đích tôn vinh cũng như bảo tồn các giá trị của di sản này theo tinh thần Chương trình hành động phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công bố ngày 19-7-2006; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và phát triển văn hóa, du lịch của địa phương.
Đội nghệ nhân cồng chiêng huyện Kbang trong một tiết mục biểu diễn. Ảnh: Phương Duyên
Theo đó, Dự án sẽ cải tạo, chuyển đổi các phòng chưa sử dụng hết công năng tại tầng 3 của Bảo tàng tỉnh như: kho đồ mộc, dệt, da; hành lang và một phần diện tích tầng 2 thành không gian riêng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với diện tích dự kiến 424 m2. Đồng thời, chuyển đổi phòng làm việc rộng 76 m2 tại tầng 3 thành phòng chiếu phim tư liệu đạt tiêu chuẩn; cải tạo, hoàn thiện một số phòng chức năng khác và hoàn thiện hệ thống trang-thiết bị. Tổng mức đầu tư cho Dự án dự kiến là 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án sẽ được triển khai thực hiện, hoàn thành trong năm 2025.
Nhiều lần đến thăm Gia Lai, anh Phan Hoàng Lĩnh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “đặc sản” thu hút du khách khi đến với vùng đất cao nguyên này. Dù vậy, khi đến đây, tôi vẫn chưa có dịp tìm hiểu kỹ về di sản phi vật thể của nhân loại vì thiếu nơi trưng bày tương xứng. Do đó, xây dựng Phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là dự án rất ý nghĩa. Tôi mong muốn thời gian tới, khi quay lại đây sẽ được tham quan không gian đặc sắc này”.
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Trao đổi với P.V, TS. Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh cũng hết sức vui mừng và đồng tình với việc thông qua dự án này. Bà cho hay: Hiện nay, không gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh quá chật chội. Tầng 1 giới thiệu chung về điều kiện tự nhiên và lịch sử, văn hóa Gia Lai trước năm 1945; tầng 2 cũng giới thiệu những nội dung tương tự trong giai đoạn từ năm 1945 đến nay. Trong đó, diện tích khu vực tầng 2 khá khiêm tốn nên không đủ để trưng bày mọi thứ, Bảo tàng phải chọn những hiện vật tiêu biểu nhất để giới thiệu. Trong kho, nhiều hiện vật xếp chồng lên nhau, thiếu không gian bảo quản riêng biệt. Trong điều kiện đó, TS. Nguyễn Thị Kim Vân cho rằng khó có thể đưa Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào trưng bày.
“Thiết nghĩ, cần làm nhà rông hoặc nhà dài để giới thiệu, quảng bá Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bởi bản thân nhà rông đã là hiện vật cần có của không gian này. Không chỉ là nơi trưng bày cồng chiêng, phía trước phía nhà rông cũng nên có 1 sân lễ hội; đồng thời nên nuôi 1 đội cồng chiêng, tương tự như cách Bảo tàng Tây Sơn (tỉnh Bình Định) nuôi đội trống Tây Sơn để biểu diễn phục vụ du khách. Làm được những điều như trên thì đây sẽ trở thành không gian đầy sức hút, tạo điểm nhấn để thu hút du khách đến với Gia Lai”-TS. Nguyễn Thị Kim Vân đề xuất.
Lam Nguyên